Theo các chuyên gia y tế, bệnh tim mạch là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam, chiếm đến khoảng gần 1/3. Một trong những biến cố rất phổ biến là ngừng tim ngoại viện.
"Chính điều này dẫn đến tổn thương không nhỏ cho các gia đình có nạn nhân tử vong do ngừng tim ngoại viện"- ThS. BS Nguyễn Văn Công - Viện trưởng Viện Ứng dụng công nghệ y tế IMT nhấn mạnh điều này trong buổi tập huấn về đào tạo kỹ năng phòng chống và sơ cứu đuối nước áp dụng công nghệ eCPC diễn ra ngày 8/7 tại Trường THCS Nam Từ Liêm (Hà Nội).
ThS.BS Nguyễn Văn Công cho hay, có một thực tế là tỷ lệ tử vong do ngừng tim ngoại viện ở các nước phát triển khá thấp vì trên thực tế người dân trong cộng đồng có kỹ năng sơ cứu trước viện rất cao, trong khi ở nước ta vấn đề này còn rất hạn chế.
"Hiện nay gần đa phần chỉ có nhân viên y tế mới có thể sơ cứu ngừng tim ngoại viện mà điển hình là câu chuyện của nữ điều dưỡng A9 - Bệnh viện Bạch Mai đã sơ cứu, kịp thời cứu sống người đàn ông ngoại quốc bị ngừng tim ngay tại quán ăn ở Đà Nẵng. Còn lại người dân trong cộng đồng khi gặp tình huống ngừng tim ngoại viện cơ bản đều không biết nên xử trí thế nào"- ThS. BS Nguyễn Văn Công nói.
Chuyên gia này cũng nhấn mạnh: Nếu như chúng ta có nhiều người trong cộng đồng có kỹ năng, xử trí, sơ cứu được cho người bị ngừng tim ngoại viện, cơ hội để cứu sống những trường hợp đó tăng lên rất nhiều. Tại nhiều quốc gia việc đưa kỹ năng sơ cứu vào nhà trường ngay khi trẻ học cấp 2 đã thực hiện từ lâu.
Theo quy luật của sự ghi nhớ những kỹ năng này nếu chúng ta dạy cho trẻ khi còn nhỏ khả năng ghi nhớ sẽ rất tốt. Để làm điều này, trường học là nơi tốt nhất để đào tạo kỹ năng sơ cứu. Nếu làm từ bây giờ, tới đây chúng ta sẽ có một nguồn lực biết về kỹ năng sơ cứu trong cộng đồng.
Trước câu hỏi của phóng viên vậy đuối nước liên quan thế nào với yêu cầu cần đào tạo, tập huấn kỹ năng sơ cứu ngừng tim trong cộng đồng, ThS.BS Nguyễn Văn Công thông tin: Đuối nước là một trong những nguyên nhân gây ngừng tim và ngừng thở và đuối nước đang 'cướp đi' sinh mạng của hàng nghìn trẻ, đặc biệt vào dip hè.
Tại Việt Nam, theo thống kê tử vong do tai nạn thương tích của Cục Quản lý Môi trường Y tế - Bộ Y tế, đuối nước là nguyên nhân thứ 2 gây ra tử vong do tai nạn thương tích cho trẻ. Mỗi năm, vẫn còn gần 2.000 trẻ em dưới 16 tuổi tử vong do đuối nước.
"Nạn nhân bị đuối nước nếu không được sơ cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong do ngạt thở. Chính vì vậy, việc trang bị kỹ năng sơ cấp cứu đuối nước nói riêng và dự phòng đuối nước nói chung cho người dân trong cộng đồng nói chung, cho trẻ nói riêng là rất cần thiết"- ThS.BS Nguyễn Văn Công khẳng định và nói thêm: Những người được đào tạo kỹ năng này sẽ biết được những huy hiểm khi bị ngừng tim, ngừng thở do đuối nước.
Chuyên gia giới thiệu, hướng dẫn về kỹ thuật sơ cứu ngừng tim trong cộng đồng áp dụng công nghệ cao eCPR cho học sinh trường THCS Nam Từ Liêm.
Trong khuôn khổ dự án HERO - Phòng tránh và sơ cấp cứu đuối nước áp dụng công nghệ cao eCPR, Viện Ứng Dụng Công Nghệ Y Tế IMT xây dựng khóa học online về phòng tránh và sơ cấp cứu đuối nước dành riêng cho học sinh trung học cơ sở, Trung học phổ thông trên khắp cả nước.
Trường THCS Nam Từ Liêm là đơn vị đầu tiên của Thủ đô Hà Nội triển khai tập huấn, ký két hợp tác về đào tạo kỹ năng phòng chống và sơ cứu đuối nước áp dụng công nghệ eCPC cho học sinh.
cấp