Xích lại gần nhau
Trong nhiều lần được đi nước ngoài trình diễn các sản phẩm độc đáo của buôn làng Tây Nguyên, nghệ nhân Ha Bông đều cả quyết, thổ cẩm là “hồn cốt” của buôn làng Tây Nguyên. Càng ngày, khát khao quảng bá sản phẩm ra ngoài nước càng cháy bỏng trong tâm thức nghệ nhân Ha Bông và chị tìm cách lan tỏa ước mong này cho các tầng lớp trong các buôn làng
Nghệ nhân Ha Bông nhẩm tính rằng: Mấy năm nay, riêng bản thân bà đã giới thiệu các mặt hàng thổ cẩm cho khoảng trên 3.000 khách Tây, trong đó có hàng trăm người thích thú sản phẩm quá đã quay trở lại buôn làng để tìm mua. Không chỉ mua để sử dụng mà khách Tây còn mua về nước làm quà tặng người thân. Nghệ nhân Ha Bông chia sẻ rằng: Thấy khách Tây say xưa nghe kể về sản phẩm đặc trưng của Tây Nguyên chúng tôi thấy rất ấm lòng. Từ sự ấm lòng đó mà hàng đêm, những nghệ nhân già và lành nghề như Ha Bông lại lặn lội tìm đến các bạn trẻ để truyền nghề, truyền cả phương pháp quảng bá sản phẩm đến khách Tây nữa.
Cũng giống nghệ nhân Ha Bông, nghệ nhân Ka Yêu (người Cơho) ở Nthol Hạ (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) nhiều năm nay cũng không ngừng nghỉ giới thiệu sản phẩm đến khách quốc tế và truyền nghề cho lớp trẻ trong huyện của mình. Nghệ nhân Ka Yêu nhìn nhận rằng: Nghề này càng ngày càng mai một, lớp trẻ ít thích dệt nữa. Mà làm nên sản phẩm có hồn rất cầu kỳ. Khách Tây họ rất khó tính, họ thích nhất là những sản phẩm về gia đình đoàn tụ, về làng quê, về bến nước…nhưng phải dệt thật tinh xảo. Mỗi lần có được đơn hàng, nghệ nhân Ka Yêu đều hồ hởi sẻ chia cùng lớp trẻ trong buôn làng để họ có thêm động lực kiên trì theo nghề đã hiện hữu và phát triển suốt bao đời nay. Với nghệ nhân Ka Yêu cũng như các thợ dệt khác thì đây cũng chính là cách để kéo khách quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn.
Các nghệ nhân luôn mong sản phẩm được quảng bá ra thế giới
Cần có thêm chính sách hỗ trợ
Theo nghệ nhân Ka Chương ở buôn Bnơ C (xã Lát, Lạc Dương) thì dẫu nhà nước có quan tâm cho các nghệ nhân đi trình diễn và giới thiệu sản phẩm đến bạn bè quốc tế và các vùng miền khác nhau của Việt Nam nhưng đó chưa phải là giải pháp căn cơ, nhất là trong thời kỳ hội nhập như hiện nay.
Nhiều nghệ nhân cho rằng, thời hội nhập, ngành may mặc phát triển chóng mặt, các mặt hàng khác họ quảng bá rầm rộ trong khi các nghệ nhân nghề truyền thống vẫn chưa được hỗ trợ thỏa đáng trong việc truyền dạy nghề cho các thế hệ sau. Cách quảng bá cũng như các đơn hàng, chính quyền địa phương cũng nên quan tâm hơn nữa để sản phẩm được sản xuất nhiều hơn.
Theo nhiều nghệ nhân ở xã Lát thì: Xem ti vi hoài thấy các loại hàng thời trang đủ kiểu quảng cáo rầm rộ thấy cũng chạnh lòng. Nhưng cho dù cả ngày ngồi dệt và ngồi bán mà không bán được món hàng nào thì trên gương mặt những người phụ nữ Cill hay các nghệ nhân vẫn vui bởi đơn giản một điều là, họ dệt ở đó, ở chỗ có đông du khách trong nước và quốc tế để thỏa ao ước đưa nét tinh tế trên sản phẩm của mình lưu vào lòng càng nhiều người càng hạnh phúc.
Đến thời điểm hiện nay, Lâm Đồng có đến hàng chục nghề dệt thổ cẩm truyền thống nổi tiếng như: Làng nghề dệt thổ cẩm Bnơ C (xã Lát, Lạc Dương), Đam Pao (xã Đạ Đờn, Lâm Hà), Đạ Nghịch (Lộc Châu, Bảo Lộc), Buôn Go (Đồng Nai, Cát Tiên), khu phố 6 Đồng Nai (Cát Tiên), thôn 4 Phù Mỹ (Cát Tiên)…Khát vọng để sản phẩm có sức sống bền bỉ vươn xa là một chủ trương đúng. Tuy nhiên, để hiện thực hóa chủ trương đó cần sớm có chính sách quảng bá sản phẩm một cách thiết thực, sáng tạo đồng thời có cơ chế hỗ trợ thỏa đáng hơn cho các nghệ nhân gạo cội.