Mới đây, hàng trăm học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Chu Văn An và Nguyễn Siêu đã có mặt tại Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Công nghệ sinh học, Khoa học sự sống của ĐH Bách khoa Hà Nội. Tại đây, các em đã được làm kit test thử nhanh virus và lên men sinh tổng hợp Beta Carotenoid sử dụng nấm men đỏ. Sau đó, được tham quan hai dây chuyền chế biến rau quả và đồ uống, đánh giá các sản phẩm do trường nghiên cứu.
Với mục tiêu cung cấp cho học sinh THPT những thông tin về ngành nghề, lĩnh vực đào tạo, cũng như tạo cơ hội cho các em được tiếp xúc với môi trường giáo dục ĐH. Đồng thời, tư vấn, trợ giúp các em lựa chọn và chuẩn bị tốt nhất cho con đường học tập, phát triển nghề nghiệp sau này. Mỗi năm, ĐH Bách khoa Hà Nội đón tiếp khoảng hơn 2.000 học sinh đến từ các địa phương trong cả nước như: Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Nam Định, Quảng Ninh…
Ông Vũ Duy Hải - Trưởng ban Tuyển sinh và Hướng nghiệp (ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết, các hoạt động tương tự diễn ra thường xuyên vào các ngày cuối tuần. Những học sinh thực sự yêu thích trường và các ngành cụ thể có thể đăng ký trải nghiệm tại các phòng thí nghiệm chuyên ngành.
Tại Trường ĐH Y Hà Nội, từ năm 2020, nhà trường đã tổ chức chương trình thăm quan, trải nghiệm thực tế tại trường cho học sinh THPT (One day in HMU). Chương trình đã mang đến góc nhìn thực tế và chân thực về cuộc sống của sinh viên Y hiện đang học tập tại trường.
Thông qua chương trình, phụ huynh và học sinh đã được thăm quan trực tiếp và tìm hiểu truyền thống lịch sử của nhà trường tại phòng Truyền thống; được trải nghiệm thăm quan tại một số địa điểm: Viện Đào tạo Răng Hàm Mặt, Trung tâm Khảo thí và đảm bảo chất lượng, Thư viện, Kí túc xá, khu vực giảng đường phục vụ cho hoạt động đổi mới đào tạo đại học, trải nghiệm buổi học tại phòng thực nghiệm đặc thù của Bộ môn Sinh lý bệnh - Miễn dịch và Phòng thực hành mô phỏng, phòng tiền lâm sàng của Khoa Điều dưỡng - Hộ sinh; đồng thời được tham gia các hoạt động giao lưu với sinh viên Y Hà Nội. Ngoài ra, các em học sinh còn được nghe một số bài giảng căn bản, điển hình về nghề, do các giảng viên của trường đứng lớp.
Chia sẻ về chương trình này, bà Lê Thị Ngọc Anh - Trưởng phòng Công nghệ thông tin và Truyền thông, Trường ĐH Y Hà Nội cho biết, các hoạt động nằm trong chương trình "One day in HMU" - một ngày làm sinh viên ĐH Y Hà Nội, bắt đầu cách đây 5 năm. Chương trình thường diễn ra vào tháng 4 hàng năm. Số lượng đăng ký lên tới hơn 1.000 nhưng nhà trường hiện chỉ đón tiếp được khoảng 400-500 học sinh bởi đặc thù của trường Y. Hoạt động này mất nhiều công sức, huy động gần như toàn trường tham gia nhưng đổi lại, chúng tôi giúp nhiều sinh viên nuôi dưỡng đam mê với ngành Y".
Tại Trường ĐH Luật Hà Nội, PGS.TS Tô Văn Hòa - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội cho biết: "Các buổi tư vấn không chỉ cung cấp thông tin mà trường đại học còn phối hợp với trường THPT tổ chức cho học sinh tham quan, trải nghiệm về chương trình học, cơ sở vật chất, ký túc xá, thư viện… của nhà trường, nhờ đó các em hiểu hơn về quá trình học tập, rèn luyện ở bậc đại học.
Khi phụ huynh, thí sinh đến trường tìm hiểu trực tiếp các điều kiện dạy và học, môi trường cảnh quan, qua cảm nhận thực tế giúp các em tự tin hơn trong chọn trường, ngành. Từ đó hiểu được ngành nghề mình hướng đến để xây dựng kế hoạch học tập, mục tiêu phấn đấu cho từng giai đoạn nhằm đạt được mục tiêu theo học ngành, trường mà mình mong muốn. Đồng thời hạn chế sự bị động của thí sinh trong lựa chọn hướng đi sau khi tốt nghiệp THPT".
Là một giáo viên vừa cùng học sinh tham gia buổi trải nghiệm, cô Phạm Bích Diệp - giáo viên một trường THPT tại Hà Nội cho biết, phương thức tư vấn truyền thống như tập trung học sinh để hỏi đáp tại các cơ sở giáo dục phổ thông hay qua các phương tiện truyền thông để thông tin đến học sinh những vấn đề về công tác tuyển sinh không gợi mở hết những gì các em muốn biết, muốn hỏi. "Học sinh không thể cảm nhận ngành nghề mình chọn sẽ học như thế nào, cuộc sống sinh viên cần có những kỹ năng gì, phương pháp học của sinh viên có gì khác. Được trực tiếp đến trường, trải nghiệm, các em học sinh được giải đáp cặn kẽ về những vấn đề liên quan đến chỉ tiêu, ngành nghề mình chọn, phương thức tuyển sinh... đồng thời được trải nghiệm thực tế như một sinh viên của trường là điều rất hay".
Em Dương Vân Dung (học sinh lớp 12) bày tỏ: "Qua buổi thăm quan trải nghiệm tại trường đại học, chúng em thấy rất hữu ích với những thông tin cụ thể về định hướng nghề nghiệp, phương thức xét tuyển và thời gian của trường. Chúng em có cơ hội trải nghiệm, hiểu hơn về mô hình, môi trường, đời sống sinh viên xung quanh nếu em được trở thành sinh viên của trường. Khi đến thăm quan và trải nghiệm môi trường đại học, được thầy cô, anh chị sinh viên đang theo học ngành này hướng dẫn giúp em có thêm động lực để ôn tập cũng như có tiêu chuẩn rõ ràng cho ngôi trường đại học trong mơ của mình sau mấy tháng tới".