Dưa hấu còn gọi là dưa đỏ tây qua, thủy qua, hàn qua, hạ qua.
Tên khoa học Citrvllus vulgaris Schrad. Thuộc họ Bầu bí Cucurbitaceae.
Vào mùa hè người dân rất thích ăn dưa hấu vì đây là loại quả có tác dụng giải nhiệt rất cao, chứa nhiều nước nên có thể bù đắp lượng nước cơ thể bị mất đi do nắng nóng.
Dưa hấu được trồng khắp các tỉnh ở miền Bắc và miền Nam nước ta và ở nhiều nước nhiệt đới khác. Người dân chủ yếu trồng để lấy quả ăn. Hạt cũng được thu nhặt để làm thực phẩm.
Mùa quả ở miền Bắc từ tháng 4 đến tháng 7, ở các tỉnh miền Nam từ tháng 1 đến 3-4 (trước và sau tết âm lịch).
Việc sử dụng các bộ phận của dưa hấu làm thuốc ít được chú ý hơn, thường chỉ có tính chất địa phương: Người ta dùng vỏ giữa của quả dưa hấu với tên tây qua thủy – Mesocarpium Citrulli. Vỏ dưa được cạo bỏ lớp vỏ ngoài màu xanh, phơi khô vỏ quả giữa để dùng.
Ngoài ra, còn dùng lớp vỏ xanh phơi khô với tên tây qua bì – Exocarpium Citrulli.
Hạt dưa hấu cũng được thu nhặt phơi khô rang chín mà ăn hay làm nhân bánh, kẹo.
Trong hạt dưa hấu, J. Barksdale chiết được chất cucurboxitrin.
1. Công dụng và liều dùng của dưa hấu
Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS. Đỗ Tất Lợi, quả dưa hấu được dùng chủ yếu trong nhân dân làm thức ăn bổ và mát vào mùa hè (tết ở miền Nam vào đúng những ngày nóng nực), hạt rang lên ăn hay dùng làm bánh mứt kẹo.
Trong y học cổ truyền dân gian, người ta coi dưa hấu có vị ngọt, tính hơi hàn, có tác dụng thanh thử, giải nhiệt, lợi tiểu, dùng trong những trường hợp tăng huyết áp, nóng trong bàng quang, đái buốt, viêm thận, phù thũng, vàng da, đái tháo đường, say rượu, cảm sốt, phiền khát.
Ngày dùng 10-40 g vỏ quả giữa hay vỏ quả ngoài (tây qua bì) dưới dạng thuốc sắc. Thêm nửa lít nước vào đun sôi giữ sôi trong 15 phút rồi uống thay nước trong ngày.
Tại Malaysia, nước ép rễ dưa hấu dùng cầm máu sau khi đẻ hay sau khi bị dọa sảy thai.
Đơn thuốc có vỏ dưa hấu
- Chữa tiêu chảy: Vỏ dưa hấu khô 20g, nước 500ml sắc còn 300ml, chia 3-4 lần uống.
- Chữa cảm sốt, đầu váng, mắt hoa, nhiều mồ hôi: Tây qua bì 20g, hoa hay cành kim ngân 20g, trúc diệp 10g, nước 500ml, đun sôi, giữ sôi 15 phút. Chia 3 lần uống trong ngày.
2. Món ăn - thuốc có dưa hấu
Theo TS. Nguyễn Đức Quang (bác sĩ y học cổ truyền) một số món ăn - thuốc có dưa hấu như sau:
- Nước tỏi dưa hấu: Dưa hấu 1 quả, tỏi 30-60g. Dưa hấu khoét một miếng tạo ra lỗ hổng, cho tỏi đã bóc vỏ vào, đặt miếng dưa vừa khoét vào cho kín, cho vào nồi, đun cách thủy, lấy ra ép nước uống. Dùng tốt cho bệnh nhân bị các chứng bệnh xơ gan cổ trướng, viêm thận cấp, viêm thận mạn.
- Tây qua bì thang: Dưa hấu (lấy phần vỏ trắng bỏ ruột đỏ) 60g, diếp cá 30g, mướp 30g cùng đem nấu canh, thêm gia vị cho ăn. Món này rất tốt cho người bị viêm tắc mũi dạng viêm khô. Dùng liên tục 3-5 ngày.
- Nước ép dưa hấu: Lấy phần cùi trắng quả dưa hấu (tây qua bì) 200g để sẵn; chi tử 12g, xích thược 2g, hoàng liên 2g, cam thảo 2g. Sắc lấy nước, cho thêm chút ít đường phèn khuấy tan đều. Uống dần ít một, ngậm giữ ở trong miệng khoảng vài phút trước khi nuốt. Ngày 1 lần, liên tục trong 10 ngày. Dùng cho người viêm họng loét miệng.
+ Hoặc: Dưa hấu bổ ra ép lấy nước khoảng 250ml, cho uống. Công dụng giải nhiệt, giải nắng. Dùng cho bệnh nhân bị hội chứng dương minh nhiệt thịnh, biểu hiện miệng khô nứt, khát nước, trạng thái kích ứng thần kinh.
+ Hoặc: Nước ép dưa hấu liều lượng tùy ý, uống rải rác trong ngày. Dùng tốt cho người bị loét miệng, viêm họng dạng viêm khô.
- Dưa hấu xào cà rốt: Tây qua bì 300g, cà rốt 200g, gừng tươi 15g. Tây qua bì thái lát; cà rốt thái lát, gừng tươi đập giập. Tất cả xào với dầu thực vật, thêm gia vị. Ăn thành bữa phụ hoặc ăn trong bữa chính. Ngày 1 lần, đợt dùng 7-10 ngày. Món này rất tốt cho các bệnh nhân viêm xoang mũi má, tắc ngạt mũi tiết đờm vàng đục hoặc có thể lẫn tia huyết.
- Cháo dưa hấu: Vỏ dưa 40g, mạch nha 20g, ý dĩ 20g. Tất cả nấu thành cháo đặc. Ăn trong ngày, ăn liền trong 5-7 ngày. Trị mùa hè ăn uống kém, tiêu hóa không tốt, đầy bụng, người mệt mỏi, không thiết làm việc.
Hậu COVID - Phục hồi chức năng cho người mắc COVID-19 nhẹ và không triệu chứng.