Theo quan niệm của y học cổ truyền dưa hấu vị ngọt, tính hàn, vào các kinh vị, tâm, bàng quang, có công năng thanh nhiệt, giải nóng, trừ phiền, chỉ khát, lợi tiểu, ... điều trị hiệu quả cho mọi chứng bệnh có tính ôn nhiệt. Vỏ dưa hấu (gọi là tây qua bì, lớp xanh ngoài cùng) có vị ngọt, tính bình, vào hai kinh tỳ và thận; công dụng chữa bệnh tương tự phần ruột, có thể thái mỏng phơi khô hoặc tán bột để dùng dần.
Dưa hấu. |
Sau đây là một số bài thuốc từ dưa hấu
Bài 1: Vỏ dưa hấu 150g, khổ qua (mướp đắng) 50g, bí đao 50g. Vỏ dưa hấu gọt bỏ vỏ xanh, thái vụn; khổ qua và bí đao đều gọt vỏ bỏ ruột rồi thái vụn. Tất cả cho vào máy ép lấy nước, có thể cho thêm một chút đường phèn, hòa tan rồi dùng làm nước giải khát. Bài thuốc này có công dụng: thanh nhiệt giải thử, trừ phiền chỉ khát; dùng làm đồ uống mùa hè rất tốt, đặc biệt với những người bị mụn nhọt, béo phì…
Bài 2: Dưa hấu 1kg, cát cánh 25g (thái nhỏ), đường phèn 100g, gạo tẻ 100g. Nấu cháo ăn. Dùng liền 7 ngày, khi nóng bức, mệt mỏi, chán ăn.
Bài 3: Dưa hấu 1 quả ngâm nước lạnh, sau 1 giờ giã nát vỏ để xoa, tắm cho trẻ em bị rôm.
Bài 4: Dưa hấu 500g, mía 200g, đường phèn 20g. Dưa rửa sạch, bỏ vỏ và hạt, thái miếng; mía róc vỏ, chẻ nhỏ. Hai thứ cho vào máy ép lấy nước, chế thêm đường phèn, uống hàng ngày. Bài thuốc có công dụng: thanh nhiệt lợi niệu, làm khỏe thận, giải độc rượu.
Bài 5: Vỏ dưa hấu 30g phơi gió cho khô, hạt thảo quyết minh 15g. Nấu nước uống thay trà hàng ngày. Bài thuốc có công dụng hỗ trợ điều trị tăng huyết áp.
Tuy nhiên, khi dùng cần lưu ý không nên ăn quá nhiều một lần và nhiều lần trong một ngày, đặc biệt là những người tỳ vị vốn đã hư yếu, hay đau bụng rối loạn tiêu hóa. Không nên ăn những quả dưa hấu chưa chín và bị hỏng do để quá lâu và bị dập nát.
Bác sĩ Thu Hương