Đũa gỗ bị 'bỏ quên' trong cổ bé trai 5 tuổi

21-09-2022 06:50 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sưng đau, mủ dò ra vùng cổ. Trước đó, trẻ gặp tai nạn sinh hoạt bị một chiếc đũa gỗ đâm vào cổ...

Các bác sĩ Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương vừa điều trị cho bệnh nhi V.T.S (5 tuổi, trú tại huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) bị áp xe vùng cổ do một mẩu gỗ dài gần 4cm bị bỏ quên sau chấn thương.

Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sưng đau, mủ dò ra vùng cổ. Theo người nhà bệnh nhân, cách đây 2 tháng, cháu S. gặp tai nạn sinh hoạt bị một chiếc đũa gỗ đâm vào cổ. Cháu bị chảy máu ít, được sơ cứu và khâu vết thương. Nhưng sau 3 ngày, tại vị trí khâu xuất hiện sưng đau.

Bệnh nhi được bệnh viện tuyến tỉnh phẫu thuật 2 lần mở khối áp xe tìm dị vật nhưng không thấy, dẫn lưu áp xe, dùng kháng sinh nhưng không đỡ. Sau đó, cháu được chuyển lên Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương.

Tại đây, sau khi được làm các xét nghiệm, chụp chiếu, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi có áp xe vùng cổ phải nghi ngờ có dị vật bỏ quên sau chấn thương.

photo-1663686151437

Hình ảnh phim chụp của bệnh nhi khi nhập viện.

Theo ThS. BS. Trần Hữu Thắng - Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, khối sưng vùng cổ có thể là do một mảnh dị vật bị bỏ quên bên trong gây ra, nhưng khi hội chẩn với các chuyên gia về X-quang thì thấy hình ảnh không rõ ràng và vị trí dị vật không cố định nên rất khó cho việc phẫu thuật.

Sau khi đã giải thích với người nhà và thống nhất hội chẩn các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật mở cổ bên để lấy dị vật bị bỏ quên cho bệnh nhân.

Kíp mổ đã tiến hành mở lại vết mổ theo đường mổ cũ và đi theo lỗ dò, thấy xung quanh lỗ dò là tổ chức xơ dầy, phía ngoài bám dính vào bó mạch cảnh nên phải dùng dao để phẫu thuật tránh tổn thương mạch lớn.

Tiến hành bóc dần vào trong và lên trên qua bờ sau cơ nhị thân và sừng lớn xương móng, các bác sĩ quyết định mở vào bên trong khối xơ để tìm dị vật. Quá trình mổ rất khó khăn vì vừa tránh tổn thương mạch máu, vừa tránh tổn thương thần kinh nên hạn chế dùng dao điện rất nhiều, chỉ được bóc tách bằng dao.

photo-1663686154291

Mẩu gỗ được lấy ra khỏi cơ thể người bệnh.

Cuối cùng, kíp mổ cũng phát hiện ra dị vật và lấy ra cẩn thận 1 mảnh gỗ (tương ứng với đầu của một chiếc đũa ) dài khoảng hơn 4cm nằm ở thành sau họng, trên miệng thực quản.

Theo nhận định của các bác sĩ, có thể khi cháu bị tai nạn thì đầu chiếc đũa đã đâm xuyên từ cổ vào tận thành sau họng và bị gãy ở đó nên khi tuyến trước phẫu thuật không phát hiện được.

Hiện tại sau hai ngày điều trị cháu đã ổn định vết mổ khô và sinh hoạt bình thường.

Cha mẹ cần chú ý các tình huống dễ gây rủi ro cho trẻ

photo-1663686156298

Sức khỏe bệnh nhi đã ổn định sau khi được các bác sĩ điều trị tích cực.

ThS. BS. Trần Hữu Thắng khuyến cáo, trẻ nhỏ thường hiếu động, chạy nhảy, tò mò khám phá môi trường sống xung quanh, tuy nhiên lại chưa có ý thức và kỹ năng phòng, tránh rủi ro có thể xảy ra nên rất dễ gặp phải tai nạn.

Để phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ, cha mẹ hoặc người chăm sóc cần đánh giá, xem xét bao quát môi trường sống của con, chú ý đến tình huống nào có thể gây rủi ro cho trẻ.

Ví dụ như các đồ vật thủy tinh, vật sắc nhọn; các yếu tố nguy cơ gây bỏng như nước sôi, nồi canh, nồi cơm điện đang sôi,… gần khu vực trẻ chơi.

Các đồ vật có nguy cơ cao cần để ngoài tầm với của trẻ và luôn để ý trẻ chơi trong tầm mắt của người lớn. Khi đưa trẻ ra ngoài môi trường sống quen thuộc, cần đặt trẻ trong sự bao quát, quan sát của người lớn.

Bên cạnh đó, cha mẹ hoặc người chăm sóc cần cùng trẻ tìm hiểu, trang bị cho trẻ những kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất để trẻ có thể tự bảo vệ mình trước các nguy cơ tiềm ẩn.

Cách đây 5 năm, như Báo Sức khỏe & Đời sống đã thông tin, các bác sĩ Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cũng đã phối hợp với các bác sĩ Khoa Mạch máu, Bệnh viện Việt Đức mổ lấy thành công một ca bệnh tương tự: Cháu bé 5 tuổi ngã vào hàng rào gỗ và bị một cành cây đâm xuyên cổ lên sát nền sọ làm tổn thương vỏ ngoài của động mạch cảnh trong. Ca bệnh này cũng rất nặng và nguy hiểm đến tính mạng vì cháu bé có chảy máu từng đợt. Hiện tại cháu đã lớn, khỏe mạnh và sinh hoạt như những bạn bè khác.

Kỳ tích: Cứu sống bé trai bị cành cây đâm rách động mạch cảnh, gây áp xe phức tạpKỳ tích: Cứu sống bé trai bị cành cây đâm rách động mạch cảnh, gây áp xe phức tạp

SKĐS - Các bác sĩ của 3 BV lớn là BV Tai Mũi Họng TƯ, BV Bạch Mai và BV Việt Đức đã cùng hội chẩn và phẫu thuật cứu sống một ca bệnh hi hữu chưa từng có. Bệnh nhân (BN) là một bé trai bị dị vật đâm từ họng xuyên ngang đến góc hàm, đâm vào nền sọ gây rách động mạch cảnh (ĐMC). Đáng nói là trong quá trình đâm, dị vật này bị đứt gãy làm 2 đoạn, nằm ẩn nấp rất khó phát hiện, gây nhiễm trùng nặng nề, nguy hiểm đến tính mạng. May mắn thay, BN đã được các bác sĩ hồi sinh một cách ngoạn mục.


Dương Hải
Ý kiến của bạn