Hà Nội

Dưa chuột trộn thịt lợn, sốt thịt cay nhập khẩu chứa “dầu bẩn”

16-09-2014 15:08 | Thời sự
google news

SKĐS - Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế vừa cho biết công ty TNHH Dịch vụ Thương Mại Cửu Hương đã nhập khẩu từ Đài Loan hai loại sản phẩm chứa dầu bẩn

Ngày 15/9/2014, Cục An toàn thực phẩm nhận được thông tin từ Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội thông báo công ty TNHH Dịch vụ Thương Mại Cửu Hương đã nhập khẩu từ Đài Loan hai loại sản phẩm của công ty Hữu hạn Cổ phần Công nghiệp Thực phẩm Wei Chuan, Đài Loan có chứa dầu ăn bẩn

Hai sản phẩm có chứa dầu ăn nhập khẩu vào Việt Nam

Dưa chuột trộn thịt lợn đóng hộp (canned picked cucumber with pork): loại 170g, số lượng 240 thùng, ngày sản xuất 01/5/2014, hạn sử dụng: 01/5/2017.

Sốt thịt cay đóng hộp (canned minced meat with chilli): loại 150g, số luợng 240 thùng, ngày sản xuất 31/5/2014, hạn sử dụng: 31/5/2017.

Cục An toàn thực phẩm yêu cầu Công ty TNHH Dịch vụ Thương Mại Cửu Hương dừng ngay việc lưu thông, khẩn trương thu hồi các sản phẩm nêu trên và báo cáo kết quả về Cục trước ngày 20/9/2014.

Các Sở Y tế chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, rà soát trên thị trường về hai sản phẩm nói trên, khẩn trương thu hồi và báo cáo về Cục trước 16h hàng ngày.

Cục An toàn thực phẩm thông báo để Công ty và Sở Y tế các tỉnh, thành phố biết và thực hiện.

Sức tiêu thụ ghê gớm của  “Dầu bẩn” 

"Dầu bẩn" là tên chúng ta gọi loại dầu ăn này dựa theo tính chất của nó. Còn trên quốc tế, nó được gọi là "gutter oil" (dầu cặn bã).

Thuật ngữ này được người Trung Quốc và Đài Loan dùng để gọi loại dầu ăn được tái chế trái phép từ loại dầu thải của các nhà hàng, chất thải từ các lò giết mổ gia súc, những thiết bị lọc mỡ và thậm chí cả từ cống rãnh.

Quy trình tái chế rất thô sơ, thường là lọc, nấu sôi, tinh chế và loại bỏ các chất làm giả (adulterant). Sau đó, loại dầu tái chế này được vô chai và bán lại như loại dầu ăn rẻ tiền để những kẻ hám lợi mua về thay cho những loại dầu ăn bình thường.

Còn một dạng dầu bẩn nữa là dầu được làm từ các bộ phận loài vật bị thải bỏ, mỡ và da loài vật, các bộ phận bên trong, thịt quá hạn hay chất lượng kém,… Tất cả được nấu trong những chiếc vạc lớn để trích xuất lấy dầu.

Dầu bẩn với sức tiêu thụ ghê gớm. Hình minh họa

Vụ việc gây chấn động mạnh mẽ tại Đài Loan vì liên quan đến hàng loạt công ty nổi tiếng như Wei Chuan, Chi Mei, Taiwan Sugar… Cảnh sát đã phát hiện 243 tấn dầu ăn được tái chế từ rác thải, vật liệu nhiễm độc do một nhà máy không phép tại Bình Đông sản xuất và bán cho tập đoàn Chang Guann.

Công ty Chang Guann thừa nhận mua dầu mỡ từ nhà máy Bình Đông vào tháng 2 năm nay để chế biến 780 tấn dầu ăn và bán cho hàng trăm cơ sở kinh doanh thực phẩm khác. Chang Guann là nhà cung cấp nguyên liệu sản xuất thực phẩm có tiếng ở Đài Loan, chuyên cung cấp dầu ăn cho hàng trăm công ty sản xuất thực phẩm, trường học và nhà hàng ở 22 thành phố, quận huyện.

Không chỉ có hàng ngàn cơ sở sản xuất, chế biến cho tới loại dầu ăn tái chế từ dầu bẩn này lâu nay đã được sử dụng ở những nước khác, hoặc nhập dầu trực tiếp hoặc mua thực phẩm được chế biến bằng loại dầu này.

Hãng tin Pháp AFP (7-9-2014) cho biết: nhà chức trách Đài Loan đã tóm được nghi can chính trong vụ bê bối tái chế dầu ăn bẩn này. Đó là Kuo Lieh-chen, 32 tuổi, chủ một xưởng chế biến lậu ở hạt Pingtung.

Theo nhà chức trách, Kuo Lieh-chen đã cung cấp loại dầu ăn khủng khiếp này cho hơn 900 nhà hàng và lò bánh ngọt.

Thanh Loan

 


Ý kiến của bạn