Dưa chuột, thuốc thanh nhiệt

25-07-2012 15:45 | Y học cổ truyền
google news

Đông y cho rằng, dưa chuột có vị ngọt, mát, hơi có độc, đi vào tỳ vị. Tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi thủy; dùng cho các trường hợp sốt nóng, miệng khô khát nước, đau sưng họng, phù nề.

Đông y cho rằng, dưa chuột có vị ngọt, mát, hơi có độc, đi vào tỳ vị. Tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi thủy; dùng cho các trường hợp sốt nóng, miệng khô khát nước, đau sưng họng, phù nề.

Mô tả

Dưa chuột còn gọi là dưa leo, hoàng qua, hồ qua… tên khoa học Cucumis sativus L., thuộc họ bầu bí (Cucurbitaceae). Là loại cây leo sống hằng năm, dây chia ra nhiều nhánh có phủ lông. Tua cuốn đơn. Lá chia thùy nhọn, rõ. Hoa đơn tính mọc đơn độc ở nách màu vàng. Số hoa đực nhiều hơn cái. Quả mọng, trên quả có nhiều u vằn, có gai cứng, mềm, tù, nhọn và màu sắc khác nhau phụ thuộc vào giống.


Trong 100g dưa chuột gồm có 95g nước, 0,8g protid, 3g glucid, 0,7g cenluloza, cung cấp được 16 calo. Trong dưa chuột còn có nhiều loại vitamin và muối khoáng cần thiết cho cơ thể như caroten 0,30mg /100g, vitamin B1 0,03mg, vitamin B2 0,04mg, vitamin PP 0,1mg, vitamin C 5mg, canxi 23mg, phospho 27mg, sắt 1mg...

Những kết quả nghiên cứu gần đây cho biết, nước ép dưa chuột có thể hòa tan acid uric và muối urat nên có tác dụng lợi tiểu, bài sỏi, phòng chống bệnh thấp khớp, thống phong, đồng thời còn là vị thuốc an thần, giảm sốt, chữa một số bệnh ngoài da như nứt nẻ da, tàn nhang, nếp nhăn... nên có giá trị như một loại mỹ phẩm.

Những ứng dụng

Thanh nhiệt giải khát (dùng trị viêm họng đau rát, miệng khô, khát nước): lấy dưa chuột mới hái, ăn thêm với đường hoặc muối, ngày 100 - 200g.

Chữa phù nề: dưa chuột 1 quả cả cuống, bổ ra, không bỏ hạt, cho thêm một phần giấm, một phần nước, nấu chín, ăn khi đói vào buổi sáng. Dùng cho các trường hợp phù thũng toàn thân (bụng trướng, chân tay phù).

Hỗ trợ chữa sốt: khi dùng thuốc chữa sốt, nên lấy nước ép từ trái dưa chuột làm nước giải khát, có tác dụng hỗ trợ trong việc làm hạ thân nhiệt.

Chữa cổ họng sưng đau: quả dưa già (lão hoàng qua) 1 quả, mang tiêu 10 - 20g. Loại bỏ hết hạt trong quả dưa, cho mang tiêu vào, phết cho đều; phơi trong râm cho đến khô. Khi dùng, cắt từng miếng để ngậm.

Chữa hội chứng lỵ ở trẻ (bụng đau quặn mót nặn, đại tiện nhiều lần…): dùng 10 quả dưa chuột nhỏ non trộn mật, cho chấm với mật hoặc ướp mật cho ăn.

Chữa vàng da: dưa chuột 250g, mã đề tươi bỏ rễ 30g. Rửa sạch, thái lát, nấu dạng canh. Dùng cho các trường hợp vàng da phù nề.

Chữa viêm họng: dưa chuột mới hái, ngày ăn 100 - 200g, thêm chút đường hoặc muối. Dùng cho các trường hợp viêm họng, đau rát cổ họng, miệng khô, khát nước có tác dụng thanh nhiệt giải khát.

Chữa vết nhăn, da xù xì, mẩn đỏ, vết tàn nhang: dưa chuột tươi, thái lát mỏng, đắp lên. Làm hàng ngày.

Chữa trị mụn: dưa chuột thái lát, đắp lên khắp mặt và cổ để trong vòng từ 15 đến 20 phút có thể loại trừ nguy cơ mụn và chống khô da.

Làm đẹp da mặt: thêm một vài giọt nước cốt chanh và nước hoa hồng vào nước dưa chuột ép. Dùng bông gòn thấm lên da mặt, sau đó rửa lại bằng nước ấm. Kiên trì sau một thời gian ngắn là sẽ có làn da trắng hồng và tươi sáng tự nhiên.

Làm mịn da: hòa lẫn nước ép dưa chuột với sữa tươi với tỉ lệ bằng nhau, thêm một vài giọt nước hoa hồng. Bôi lên mặt trong khoảng từ 15 - 20 phút, có tác dụng làm mềm và mịn da. Đây cũng là cách tẩy trắng da có hiệu quả.

Xử lý thâm quầng: trộn lẫn 1 thìa nước ép dưa chuột với 1 thìa nước ép cà chua. Dùng bông gòn hay vải mềm thấm hỗn hợp và thoa lên mặt cũng như vùng xung quanh mắt. Thận trọng tránh để nước rơi vào mắt và để khoảng 15 phút sau đó rửa sạch. Kiên trì làm một thời gian, các vết thâm quầng sẽ biến mất.

Phục hồi mái tóc hư tổn: mái tóc của bị khô cứng và thô ráp hãy pha lẫn nước ép dưa chuột và nước ép cà rốt, rồi sau đó bôi lên tóc thường xuyên sẽ có mái tóc trở lại đẹp suôn mềm.

Lưu ý: những người tỳ vị hư hàn, người thận hư, da lạnh không nên ăn. Ngoài ra không ăn dưa chuột cùng lạc (đậu phộng) vì rất dễ gây tiêu chảy, nhất là dưa chuột trộn lạc luộc hay rang vàng. Đây là món ăn nhiều gia đình thường làm để ăn cho đỡ ngán, nhưng kỳ thực có thể khiến bị đau bụng, tiêu chảy.

Những ai có bệnh đau dạ dày, lúc đói không nên ăn dưa chuột khiến cơn đau sẽ nghiêm trọng hơn.

Không dùng dưa chuột phối hợp với cần tây hay dưa chuột với ớt vì sẽ làm các enzyme trong dưa chuột bị phá hủy vitamin C có trong những loại rau này. Tuy không gây nguy hại nhiều cho cơ thể, nhưng sẽ làm giảm sự hấp thụ vitamin C của cơ thể. Tương tự, rau cải, mướp đắng, tiêu sọ xanh… không nên ăn cùng với dưa chuột.

BS. LONG HOÀNG

 


Ý kiến của bạn