Đưa bình đẳng giới vào chương trình đại học

15-04-2016 17:00 | Xã hội
google news

SKĐS - Không những thế, các nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng quốc gia nào còn tồn tại bất bình đẳng thì quốc gia đó đang tự làm mất đi một đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, sẽ không phát huy hết tổng lực tri thức, chất xám đóng góp vào sự phát triển xã hội. Vậy chúng ta phải làm gì và có những giải pháp nào giúp phá vỡ “xiềng xích” bất bình đẳng về giới để xã hội ta thực sự tiến bộ, văn minh? Rất may mắn là có và hiện chúng ta đã, đang cố gắng thực hiện để có được một xã hội bình đẳng thực sự.

Có thể nói rằng giải pháp quan trọng tạo nên sự biến đổi lớn trong vấn đề bình đẳng giới chính là cải cách thể thế, có pháp luật ràng buộc, quy trách nhiệm những hành vi gây nên bất bình đẳng giới. Hiện nay, chúng ta đang thực thi một số luật liên quan trực tiếp và gián tiếp tới vấn đề này như: Luật Bình đẳng giới, luật Hôn nhân và gia đình, luật Lao động, luật Phòng chống bạo lực gia đình. Nhờ đó, bức tranh bình đẳng giới có thêm nhiều gam sáng màu, có sự chuyển biến tích cực theo thời gian. Tuy nhiên vẫn còn đó những góc khuất khi mà trách nhiệm của phụ nữ đối với gia đình, con cái vẫn rất nặng nề; cơ hội học tập, làm việc, thăng tiến khó khăn hơn nam giới rất nhiều lần; phụ nữ luôn là nạn nhân của các cuộc bạo hành cả thể xác lẫn tinh thần; hay trong gia đình, bé gái phải chịu nhiều thiệt thòi hơn các anh, em trai của mình… Như vậy, để có được sự bình đẳng thực sự trong xã hội thì chỉ một mình giải pháp cải cách thể chế thì không đủ tạo nên sự thay đổi toàn diện như mong ước. Vì thế muốn phá dỡ “bức tường” do tư tưởng “trọng nam khinh nữ” hình thành thì bên cạnh giải pháp thể chế còn phải thay đổi quan niệm của dân ta và giáo dục chính là giải pháp quan trọng nhằm xóa bỏ bất bình đẳng giới ngay từ trong nhận thức. Do đó đưa nội dung bình đẳng giới vào chương trình đào tạo hay lồng ghép trong các môn học sẽ là cuộc cách mạng thầm lặng để xóa bỏ các định kiến về giới; làm thay đổi nhận thức của nam giới đối với phụ nữ và ngay cả một bộ phận không nhỏ nữ giới tự trói buộc bản thân mình vào một số quan niệm khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Hiện nay, vì thấy rõ được tầm quan trọng của biện pháp giáo dục trong xóa bỏ bất bình đẳng giới nên trong những năm gần đây hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, lồng ghép bình đẳng giới trong môn học được nhiều trường Đại học quan tâm. Nhưng làm thế nào để nâng cao hiệu là vấn đề còn nhiều băn khoăn, trăn trở và tôi xin được trình bày một số giải pháp như sau:

Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho đội ngũ giảng viên

Tại sao chúng ta cần nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho đội ngũ giảng viên bởi thực tế có một bộ phận không nhỏ giảng viên chưa hiểu vấn đề bình đẳng giới một cách sâu sắc khi bản thân còn giữ một số định kiến như đã là nữ thì phải để tóc dài, cắt cử cán bộ lớp luôn ưu tiên cho các bạn nam bởi nam giới được đánh giá là năng động, quyết đoán nên việc quản lý lớp sẽ hiệu quả hơn... Và ngay bản thân nhiều giảng viên nữ vẫn giữ quan điểm rằng là phụ nữ cần phải ưu tiên cho gia đình nhiều hơn nam giới, sẽ chấp nhận chăm lo gia đình, con cái để chồng có điều kiện phát triển sự nghiệp, nâng cao học vị và chồng là trụ cột kinh tế của gia đình. Như vậy, nếu giảng viên đứng lớp vẫn giữ những quan niệm, suy nghĩ phiến diện thì không thể làm thay đổi nhận thức, tư duy về bình đẳng giới cho người học. Do đó việc đầu tiên là cần nâng cao nhận thức về giới cho cán bộ, đội ngũ giảng viên.

Và để thực hiện nhiệm vụ này thì một trong những giải pháp quan trọng là cần tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, hội thảo về giới - bình đẳng giới. Ban đầu, trường có thể mời chuyên gia về giới tới tham dự để được chia sẻ kiến thức về giới một cách đầy đủ hơn. Đồng thời cùng với tập huấn, hội thảo, trường có thể tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, viết về các chuyên đề bình đẳng giới. Điều này sẽ giúp cho người tham gia có cách cảm, cách nghĩ, cách nhìn nhận vấn đề được sâu sắc hơn. Bên cạnh đó, bản thân các thầy cô phải không ngừng tìm hiểu, tích lũy kiến thức về giới.

Đưa các môn học độc lập về giới vào chương trình dảng dạy

Hiện nay một số trường Đại học đã đưa các môn học liên quan tới bình đẳng giới vào chương trình giảng dạy như: “Giới và Xã hội học giới”; “Giới và phát triển”; “Tâm lý học giới”. Với việc đưa các môn học về giới vào giảng dạy một cách độc lập giúp sinh viên tiếp thu nội dung sâu sắc và trọn vẹn hơn. Nhưng muốn các trường thực hiện ngay việc này là khó khăn vì nó còn phụ thuộc vào nhiều điều kiện, yếu tố. Tuy nhiên trong tương lai, tất cả các trường học nên đưa môn học về giới vào giảng dạy nếu muốn vấn đề bất bình đẳng giới giảm dần và tiến tới bị xóa bỏ.

Đa dạng các phương pháp lồng ghép bình đẳng giới trong các môn học

Song song với việc chú trọng tới nội dung thì phương pháp giảng dạy, cũng được xem là nhân tố quyết định sự thành công. Và để nâng cao hiệu quả, giảng viên nên kết hợp nhiều phương pháp trong giảng dạy như: thuyết giảng, phát vấn, thảo luận, làm bài tập nhỏ trong lớp… nhằm tích cực hóa hoạt động nhận thức của người học và việc linh hoạt thay đổi các phương pháp giảng dạy sẽ tránh được sự nhàm chán, tạo hứng thú trong học tập.

Ngoài ra, người dạy phải chú ý liên hệ với thực tiễn, vận dụng những câu chuyện thực tế để làm rõ những hành vi gây bất bình đẳng giới. Hoặc giảng viên có thể trình chiếu clip hay những thước phim ngắn về vấn đề bình đẳng giới để sinh viên thảo luận. Trong quá trình này, giảng viên cần khéo léo đặt vấn đề và khuyến khích sinh viên tích cực thảo luận, mổ xẻ các vấn đề đã đưa ra và đặc biệt quan tâm tới quan điểm, ý kiến của các sinh viên nam. Bởi vì trong “cuộc chiến” chống bất bình đẳng nếu chỉ có phụ nữ thì không giải quyết được vấn đề một cách trọn vẹn mà cần có sự hợp tác của nam giới trên tinh thần quan hệ đối tác. Nam giới cần được khuyến khích để trở thành những tác nhân thay đổi văn hóa xã hội.

Và tùy vào nội dung từng môn học sẽ có những vấn đề liên quan tới bình đẳng giới ở các khía cạnh khác nhau, giảng viên có thể đưa ra các luận điểm để sinh viên viết tiểu luận. Với hình thức này sẽ giúp sinh viên tìm hiểu vấn đề và thể hiện quan điểm, hiểu biết của mình về giới - bình đẳng giới một cách sâu rộng hơn.

Mặt khác, trong quá trình giảng dạy, giảng viên hãy lồng ghép các tấm gương về các nhà khoa học nữ nổi tiếng của Việt Nam và trên thế giới đã phấn đấu học tập, nghiên cứu không mệt mỏi để cống hiến cho nhân loại những tri thức, phát minh vô giá như: Marie Curie, Hypatia, Ada Lovelace, Ida Hyde, Rosalyn Yalow, Hoàng Xuân Sính… Đây là cách khẳng định tài năng của nữ giới sẽ không thua kém nam giới nếu họ có cơ hội, biết tạo ra cơ hội và cố gắng hết mình. Đồng thời điều này sẽ khuyến khích sinh viên nữ không ngừng học tập thể khẳng định bản thân và đây là điều kiện quan trọng để thúc đẩy bình đẳng giới trong xã hội.

Cuối cùng, do vấn đề bình đẳng giới chỉ được lồng ghép vào các môn học nên sẽ bị hạn chế về mặt thời gian. Do đó ngoài giờ học chính giáo viên có thể tạo điều kiện để sinh viên tham gia các hoạt động ngoại khóa liên quan tới bình đẳng giới như tổ chức các cuộc thi tìm hiểu luật bình đẳng giới, tiểu phẩm kịch với chủ đề về giới - bình đẳng giới trong nhiều lĩnh vực, khía cạnh của cuộc sống. Có thể nói đây sẽ là phương pháp giáo dục, tuyên truyền bình đẳng giới một cách sinh động và tác động lớn tới nhận thức của các bạn sinh viên một cách tích cực.

Trên đây là một số giải pháp hy vọng có thể nâng cao phần nào hiệu quả giáo dục bình đẳng giới cho sinh viên để từ đây góp phần thúc đẩy bình đẳng giới trong xã hội như nhà văn Võ Thị Hảo đã từng phát biểu: “Bình đẳng giới là lẽ tự nhiên, như phàm là cây cỏ thì có quyền vươn lên đón ánh nắng mặt trời”, để xã hội ta thực sự tiến bộ và văn minh.


Nguyễn Thị Nga
Ý kiến của bạn