Đưa bác sĩ về miền núi, khó nhưng vẫn có lối ra

06-10-2017 14:53 | Xã hội
google news

SKĐS - Mạng lưới y tế cơ sở (gồm y tế thôn bản, xã, phường, thị trấn, quận huyện, thị xã) là tuyến y tế trực tiếp gần dân nhất, đảm bảo cho mọi người được chăm sóc sức khỏe cơ bản, với chi phí thấp, góp phần thực hiện công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo.

Tuy nhiên, hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở, đặc biệt là hệ thống y tế tuyến xã tại một số vùng dân tộc miền núi đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức về cơ sở vật chất, đặc biệt là nguồn nhân lực.

Thiếu trầm trọng bác sĩ ở cơ sở

Theo thống kê của Sở Y tế Cao Bằng, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng hiện nay, 100% bệnh viện đa khoa tuyến huyện thiếu bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ có trình độ chuyên môn kỹ thuật; 40/199 trạm y tế xã, phường, thị trấn thiếu bác sĩ, nhiều trạm y tế không có bác sĩ.

BS. Hoàng Thị Lai, Trạm trưởng Trạm y tế xã Dân Chủ, huyện Hòa An cho biết, do địa hình cách trở lại đồng thời với việc trạm đang thiếu cán bộ y tế nên công tác chăm sóc sức khỏe, vận động khám chữa bệnh gặp rất nhiều khó khăn. Cả trạm hiện có 6 cán bộ nhân viên trong đó quản lý 10 bản, trạm không có cô đỡ thôn bản các cán bộ phải làm hết các việc từ khám chữa bệnh đến phòng dịch, tiêm chủng, chăm sóc sức khỏe sinh sản… “Vì thế, bây giờ mà có kiến nghị thì tôi chỉ mong có thêm được bác sĩ về để phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân được tốt hơn”, BS. Lai chia sẻ.Điều trị cho người dân tại Trạm Y tế xã Hòa An, Cao Bằng.

Điều trị cho người dân tại Trạm Y tế xã Hòa An, Cao Bằng.

Không được thuận lợi như ở Trạm y tế xã Dân Chủ, huyện Hòa An, theo y sĩ Đinh Ngọc Thức, Trạm trưởng Trạm y tế xã Minh Thanh, huyện Nguyên Bình, từ năm 2008, trạm y tế đã đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất nhưng không có bác sĩ nên dẫu có máy móc nhưng cũng không thực hiện được khám chữa bệnh cho nhân dân trong vùng. “Không có bác sĩ nào chịu về xã công tác, vì mọi thứ đều khó khăn…”, y sĩ Thức chia sẻ.

Thiếu bác sĩ không chỉ ở tuyến xã, ngay cả các bệnh viện tuyến huyện ở một số tỉnh miền núi tình trạng này cũng đang là một thực tế khiến nhiều bệnh viện đau đầu. BS. Nguyễn Như Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Bắc Hà cho biết, hiện bệnh viện có nhu cầu khoảng 60 bác sĩ song hiện nay mới chỉ có 29 bác sĩ, một số chuyên khoa quan trọng như tim mạch vẫn chưa có bác sĩ, trong khi đó mặt bệnh lại rộng, trải dài nên nhiều khi bản thân các nhân viên y tế gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình điều trị bệnh cho bệnh nhân. Do đó, bệnh viện không thể thực hiện được khoảng hơn 50% những kỹ thuật đúng tuyến mà lẽ ra bệnh viện phải thực hiện được. Do vậy, bệnh viện buộc phải tự nâng cao chất lượng bằng cách cử cán bộ đi đào tạo. Rất may mới đây nhờ có Đề án đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn, BVĐK huyện Bắc Hà đã có một BSCKI mới tốt nghiệp loại giỏi về cùng “gánh vác và chia sẻ công việc với chúng tôi”. BS. Tuấn cho biết.

Giải pháp nào?

Trước những khó khăn của y tế cơ sở, để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân tại tuyến cơ sở, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, Nhà nước và ngành y tế cần có các giải pháp đột phá, khả thi và hiệu quả cho y tế tuyến xã cả về nhân lực, cơ sở hạ tầng, cơ chế tài chính... Việc đầu tư cho y tế cơ sở không chỉ là giải pháp hữu hiệu nhất, tiết kiệm nhất mà là việc làm nhân văn trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Theo đó, tỉnh Cao Bằng khuyến nghị Bộ Y tế hỗ trợ đào tạo, đầu tư để nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người và các dịch bệnh mới phát sinh; bố trí kinh phí đào tạo, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của cán bộ ngành y tế tỉnh; đầu tư kinh phí cho y tế cơ sở, đặc biệt là y tế tuyến xã...

Liên quan đến vấn đề này, theo TS. Phan Huy Anh Vũ, Phó Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, cán bộ y tế gắn bó lâu dài với y tế cơ sở và cống hiến cho y tế cơ sở, thì phải bắt đầu từ việc quan tâm trong việc giải quyết đúng, đủ các chế độ cho cán bộ y tế cơ sở. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện tốt chính sách của địa phương về thu hút, hỗ trợ cho nhân viên y tế, cho đào tạo nguồn nhân lực y tế xã, nhất là đào tạo bác sĩ cho xã từ chính cán bộ y tế xã có trình độ từ y sĩ, đào tạo bác sĩ sau đại học về chuyên khoa y học gia đình. Từng bước trang bị đầy đủ trang thiết bị thiết yếu cho khám chữa bệnh tại trạm y tế xã, lập kế hoạch mua sắm bổ sung hàng năm và bổ sung thêm các trang thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân. Từng bước đề nghị cấp có thẩm quyền cải cách chế độ tiền lương, chế độ phụ cấp nghề cho phù hợp để đảm bảo cuộc sống cho cán bộ y tế cơ sở. Quan tâm đến số lượng lớn cán bộ y tế có trình độ y sĩ có tuổi đời còn trẻ <30 là người địa phương để đào tạo thành bác sĩ, đào tạo chuyên khoa bác sĩ y học gia đình cho các bác sĩ hiện đang công tác tại các trạm y tế xã. Có kế hoạch đào tạo số cán bộ trung cấp lên trình độ cao đẳng theo lộ trình từ nay đến năm 2025. Đào tạo cán bộ y tế dân số từ nguồn cán bộ sẵn có, bởi họ là người tại địa phương nên sẽ yên tâm công tác lâu dài tại trạm y tế.


Hồng Nguyên
Ý kiến của bạn
Tags: