Thêm 40 bác sĩ công tác tại vùng khó khăn được đào tạo theo chương trình đặc biệt
Chiều 26/7, tại Trường Đại học Y Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Lễ khai giảng lớp bác sỹ chuyên khoa cấp 1, lớp 6 với 40 bác sĩ trẻ. Đây là hoạt động thuộc Dự án "Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)" của Bộ Y tế, trong đó cho phép các bác sỹ chính quy hoặc liên thông tốt nghiệp Khá, Giỏi đã được tuyển dụng tại huyện nghèo tham gia Dự án được đào tạo bài bản theo chương trình đặc biệt, 1 thầy kèm 1 trò theo hướng "cầm tay chỉ việc" trong 24 tháng liên tục.
Được biết, 40 bác sỹ trẻ này sẽ được đào tạo chuyên khoa cấp I thuộc 09 chuyên ngành: Chẩn đoán hình ảnh, Gây mê hồi sức, Hồi sức cấp cứu, Nội, Ngoại, Nhi, Xét nghiệm, Sản, Truyền nhiễm tại trường Đại học Y Hà Nội trong 24 tháng. Sau khi hoàn thành thời gian đào tạo, các bác sỹ trẻ sẽ công tác tối thiểu 5 năm tại các huyện nghèo đã cử đi đào tạo.
TS Phạm Văn Tác- Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia cho biết: "Dự án thí điểm bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn" – Dự án 585 là bước đột phá của ngành y tế trong việc tiến tới bảo đảm đủ số lượng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của nhân dân ở địa phương còn khó khăn".
Tính cả lớp khai giảng hôm nay, sau hơn 5 năm đào tạo theo Dự án 585 đã có 654 bác sĩ trẻ được đào tạo chuyên khoa I đã và sẽ về công tác tại huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.
Qua đó tạo cơ hội cho đông đảo người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ngày một tốt hơn, hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết, góp phần giảm quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, tránh lãng phí cho người dân, cộng đồng và xã hội.
"Triển khai tốt Dự án này còn tạo điều kiện để các thầy thuốc trẻ có cơ hội cống hiến sức lực và trí tuệ, phát huy tính xung kích, tình nguyện góp phần xây dựng và phát triển đất nước"- TS Phạm Văn Tác nhấn mạnh.
Bà con không chỉ được tiếp cận y tế chất lượng cao tại cơ sở mà còn thay đổi nhận thức về chăm sóc sức khoẻ
Trao đổi với Sức khoẻ & Đời sống bên lề lễ khai giảng, TS Phạm Văn Tác cho biết: Dự báo về nhân lực y tế cho thấy nhu cầu về số lượng bác sĩ và điều dưỡng cũng sẽ tiếp tục tăng. Trong giai đoạn 2021-2030, cả nước cần bổ sung thêm khoảng 72.000 bác sĩ, và 304.000 điều dưỡng.
Phân tích dự báo nhu cầu nhân lực là bác sĩ và điều dưỡng theo từng vùng kinh tế- xã hội, số lượng bác sĩ và điều dưỡng cần được bổ sung trong từng vùng, trong đó: vùng Bắc Trung bộ Duyên Hải miền Trung cần khoảng 14.000 bác sĩ và 60.000 điều dưỡng; vùng Tây Nguyên cần khoảng 5.400 bác sĩ và 20.700 điều dưỡng;
Lớp đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I được khai giảng hôm nay là lớp thứ hai đào tạo nhân lực theo mô hình đặc biệt này cho khu vực miền miền núi phía bắc gồm 4 tỉnh, 22 huyện. Việc tổ chức đào tạo trình độ bác sĩ chuyên khoa cấp I với những chuyên ngành trên sẽ góp phần quan trọng và có ý nghĩa xã hội hết sức to lớn cho việc bù đắp nhân lực có trình độ chuyên môn phù hợp với tuyến y tế cơ sở vùng khó khăn của khu vực miền Trung- Tây Nguyên nói riêng, cả nước nói chung.
Ký kết '3 nhà' trong tuyển dụng, đào tạo và sử dụng bác sĩ trẻ chuyên khoa 1 về công tác tại các huyện nghèo.
Theo TS Tác, thực tế cho thấy, trong những năm qua việc đào tạo, đưa bác sĩ trẻ, tốt nghiệp chuyên khoa I về công tác tại các huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Bà con ở nhiều xã, huyện vùng sâu, vùng xa được tiếp cận y tế chất lượng cao ngay tại cơ sở. Nhiều đoàn ĐBQH khi tiếp xúc cử tri đều nhận được những ý kiến đánh giá cao vai trò của bác sĩ trẻ được đào tạo bởi Dự án 585.
"Ví như BS Quyết về công tác tại vùng cao của Lào Cai chỉ trong 3 năm đã mổ hơn 1.200 trường hợp người bệnh; hay BS Sùng Seo Toả - người dân tộc Mông ở Mường Khương, Lào Cai đi học BSCK I chuyên ngành sản về quê hương làm việc đã cứu được nhiều người, đồng thời thay đổi được nhận thức của đồng bào trong chăm sóc sức khoẻ…"- TS Phạm Văn Tác thông tin.
Hoạt động đào tạo bác sỹ chuyên khoa cấp I cho các bác sỹ trẻ tình nguyện tham gia Dự án giai đoạn 1 bằng nguồn Dự án HPET đã kết thúc vào tháng 12/2020. Từ năm 2021, bằng sự hỗ trợ của Quỹ Thiện Tâm, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo đã tổ chức khai giảng 05 lớp đào tạo bác sỹ chuyên khoa cấp I cho 184 bác sỹ trẻ tình nguyện tại 110 huyện khó khăn, biên giới, hải đảo thuộc 34 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây nguyên, duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nam Bộ.
Trong giai đoạn này, ngoài việc hỗ trợ kinh phí đào tạo cho bác sỹ trẻ, dự án cũng sẽ xem xét, tài trợ máy móc, trang thiết bị thiết yếu cho các huyện khó khăn căn cứ vào nhu cầu triển khai các kỹ thuật của bệnh viện/Trung tâm y tế đồng bộ với chuyên khoa đào tạo của bác sỹ trẻ 585.