Hà Nội

Du xuân thiện nguyện

07-02-2013 08:00 | Thời sự
google news

Chơi xuân, khám phá muôn vẻ cuộc sống trên những miền đất xa xôi, khắc nghiệt của Tổ quốc kết hợp làm từ thiện đang trở thành xu hướng của nhiều công ty du lịch, nhóm bạn trẻ lựa chọn

Chơi xuân, khám phá muôn vẻ cuộc sống trên những miền đất xa xôi, khắc nghiệt của Tổ quốc kết hợp làm từ thiện đang trở thành xu hướng của nhiều công ty du lịch, nhóm bạn trẻ lựa chọn. Ðó thật sự là việc làm đầy ý nghĩa, kết nối trái tim với trái tim, làm cho con người mọi miền xích lại gần nhau hơn.

Ði để hiểu mình

Trong những chuyến du xuân mạo hiểm mà người ta vẫn gọi là “phượt” của mình, ấn tượng nhất có lẽ là chuyến vén màn sương mù lên Ý Tý (Bát Xát - Lào Cai). Một chuyến du xuân, nhưng tôi coi đó là “hành xác” theo đúng nghĩa. Trèo lên xe khách từ thành phố Lào Cai, đến được Mường Hum thì trời lờ mờ tối. Mảnh đất có khu chợ lúp xúp cổ kính, với những con suối nhỏ vây quanh róc rách làm duyên này thật sự chưa đủ xua đi cái lạnh tê cóng. Trẻ em ở thị trấn nhỏ này không còn xa lạ với các loại hàng tạp hóa, nhưng với vài gói kẹo tôi mang được từ Lào Cai lên cũng đủ làm chúng rộn rạo niềm vui. Đêm miền cao hoang hoải, tôi trú ngụ ở nhà một người dân có đống lửa rất ấm ở gian bếp. Men rượu ngà ngà khiến tôi nhớ nhà nhưng lòng tự bảo hành trình dài còn ở phía trước...

Du xuân thiện nguyện 1
 Trẻ em vùng cao.

Sáng sau, tôi nhờ một thanh niên làm xe ôm đưa về Ý Tý - “thiên đường mây” và cũng được coi là nơi “ho ra sương, thở ra khói”. Đường từ Mường Hum lên Ý Tý dẫu có những khúc đã được trải nhựa, nhưng nhiều đoạn vẫn làm nản lòng những gã lái xe cừ khôi nhất. Đoạn đường chỉ hơn 30 cây số nhưng tiêu tốn mất hai giờ đồng hồ. Hết leo dốc rồi xuống dốc, rồi có lúc như chìm vào màn mây, màn sương dày đặc. Lúc khác lại cảm giác lạc vào tán rừng già trăm năm lừng lững bóng cổ thụ. Đón xuân và nhậu nhẹt ở phố phường dường như đã trở thành lề thói quá cũ, tôi coi những cung đường gian khó căng ra trước mặt hình là một sự hấp dẫn đặc biệt.

Các chiến sĩ Đồn biên phòng Ý Tý dành cho tôi sự đón tiếp nồng nhiệt. Qua họ tôi cũng cảm nhận được cuộc sống khắc nghiệt ở nơi đây và người ta đã vất vả thế nào để có cái ăn, cái mặc, chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Đồng chí Lã Ngọc Dũng (Đồn trưởng) cho biết: “Mỗi người dân cứ như một bông hoa, đương đầu với mọi khó khăn để vươn lên. Từ khi đường được mở rộng, người dân có cơ hội giao thương, xuất thảo quả nên kinh tế đỡ khó khăn hơn”. Trưa ấy, trong bữa cơm mà Đồn biên phòng thết đãi khách thăm đầu xuân có thịt gà, có rượu ấm và sự nhiệt tâm của người với người. Xã Ý Tý có 15 thôn bản, gồm 3 dân tộc Hà Nhì, Mông, Dao cùng sinh sống. Trải qua cả trăm năm sinh tồn, họ quyết giữ gìn từng tấc đất biên cương như giữ ngọn lửa cháy ấm áp trong ngôi nhà của mình. Nhưng điều níu kéo tôi về Ý Tý không chỉ có thế, mà ở nơi đó, tôi nể phục những giáo viên đã gắn bó nhiều năm ở một nơi heo hút để dạy chữ cho các học trò. Điều khiến tôi lặn lội lên đây còn là những tấm gương học sinh chăm ngoan, học giỏi dù nhà rất nghèo. Những điểm trường cách trung tâm xã cả chục cây số, để đi vào chỉ có mỗi cách là đi bộ mất gần một ngày. Nhưng điều đó vẫn không cản trở được thầy cô đến với học trò và học trò tìm đến thầy cô để học. Thứ mà tôi mang đến cho các em nhỏ chỉ là những gói kẹo, vài cuốn vở, mấy manh áo. Nhưng điều đó làm các em nhỏ phấn khởi và cảm động. Với mỗi ai dưới xuôi lên, mang chút quà đến đều được các em gọi là “người tốt dưới xuôi”. Ở nơi xa xôi này, chắc chắn mỗi năm cũng có cả chục đoàn “người tốt” đến làm từ thiện. Dù những gì làm được không nhiều, nhưng cũng góp phần làm cho cuộc sống nơi đây bớt đi sự buồn tẻ.

Nối những vòng tay

Phải khẳng định, không phải gần chục năm nay người ta mới làm từ thiện. Nhưng cách làm từ thiện kết hợp “đôi việc” như hiện nay không chỉ là sáng kiến táo bạo, mà còn làm đa dạng hơn cách thể hiện lòng tốt, đối xử với con người cũng như thiên nhiên ở các vùng miền chậm phát triển. Hàng trăm kiểu đi với những chuyến hàng, cả ôtô, xe máy chở “lòng tốt” đã đến những nơi gian khó nhất, khiến bà con các vùng miền cảm động. Từ đầu tháng 11 âm lịch, một số công công ty du lịch, hãng lữ hành hay những nhóm “phượt” đã lên kế hoạch cho các chuyến du xuân, đưa khách tham quan kết hợp làm từ thiện. Họ kêu gọi, kết nối cộng đồng, đặc biệt là các nhóm bạn bè tự phát, đã sử dụng lợi thế của công nghệ thông tin, mạng xã hội quần tụ được nhiều thành viên năng nổ. Đi đến đâu, mục đích chính vẫn là “đem tấm lòng đến với bà con”, và không chỉ có tấm lòng mà còn có những hiện vật cụ thể, thiết thực với đời sống của bà con.

Du xuân thiện nguyện 2
 Đồng bào vùng cao phấn khởi được nhận những món quà tình nghĩa.

Công khai, đi đầu trong các tour thiện nguyện là các công ty Saigontourist, Lửa Việt, Vietravel, Hanoi Redtours... Hay các CLB như: Phuot.com; CLB Vì sự phát triển bền vững, CLB Nhân ái, CLB Chắp cánh ước mơ, CLB Tình nguyện Niềm tin... Công ty Saigontourist tự hào với chương trình “Thắp sáng niềm tin” được tổ chức hằng năm, mang đến những niềm vui nho nhỏ giúp đỡ các em nhỏ tàn tật, nghèo khó, là nạn nhân của thiên tai mọi miền Tổ quốc. Hay Công ty Vietravel (Vietravel Hanoi) đã xây dựng hàng loạt chương trình tour kết hợp hoạt động từ thiện tới trường học còn khó khăn thuộc các tỉnh vùng núi phía Bắc như: Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu... với tên gọi “Áo ấm cho em”.

Nói gì thì nói, những chuyến làm từ thiện nhiều khi vẫn chỉ “như muối bỏ biển”, nhưng khi có sự kết hợp rộng lớn của cộng đồng, của nhiều lòng tốt, nhà hảo tâm thì sẽ giúp cho hàng ngàn trẻ em vùng cao “bàn chân có dép”, “lưng trần có áo”, “bữa cơm có thịt”... Và chắc chắn, ở đâu đó nơi thâm sâu cùng cốc, nơi biên giới vẫn có những số phận, những em nhỏ chưa bao giờ được chạm tới lòng tốt của người dưới xuôi.

Giản đơn như trẻ vùng cao, giản dị như xuân vùng sâu xa, nhưng ở đâu cũng cần lòng tốt. Tôi và nhiều bạn trẻ khác đã đi “phượt” (đi tự do, đi khám phá, đi phóng khoáng), không chỉ là dịp để rèn luyện mình mà còn góp phần nhỏ nhoi làm cho một vài em nhỏ vui, vài gia đình có thêm tiếng cười, thì cũng thấy hạnh phúc lắm lắm.

Xuân Quý Tỵ, tôi thèm một sớm đầu năm thức dậy, thấy mình chinh phục được cung đường về A Pa Chải, mảnh đất thuộc tỉnh Điện Biên, nơi “một tiếng gà gáy ba nước đều nghe”, cực Tây của Tổ quốc. Và ở đó, được hòa vào không khí xuân của người dân Sín Thầu, ngắm suối, ngắm mây và phiêu bồng cùng hoa rừng thơm ngát; hoặc cùng các thiếu nữ váy áo xúng xính du xuân. Ắt hẳn lúc đó, nhiều người sẽ phải ghen tỵ.

Bài và ảnh: Hải Miên


Ý kiến của bạn