Hà Nội

Du xuân ở Thái Bình và Hưng Yên có gì?

01-02-2025 12:56 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Thái Bình và Hưng Yên không chỉ nổi tiếng bởi cảnh sắc thiên nhiên yên bình mà còn bởi những công trình kiến trúc cổ kính, mang đậm giá trị lịch sử và văn hóa. Mỗi điểm đến là minh chứng sống động cho bề dày văn hóa dân tộc, lưu giữ những câu chuyện huyền thoại và tinh hoa kiến trúc vượt thời gian.

Dịp Tết đầu năm là thời điểm lý tưởng để du khách khởi hành những chuyến du xuân, tìm về các địa danh tâm linh nổi tiếng, vừa cầu mong một năm mới an lành, vừa chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các công trình kiến trúc cổ kính.

Dưới đây là một số gợi ý về điểm du xuân vô cùng nổi tiếng ở Hưng Yên và Thái Bình.

Chùa Keo

Chùa Keo là một trong những ngôi chùa cổ kính nhất Việt Nam, mang trong mình bề dày lịch sử và giá trị văn hóa lâu đời. Ngôi chùa tọa lạc tại xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Mỗi dịp đầu năm, đông đảo Phật tử từ khắp mọi miền đất nước lại tìm về đây để chiêm bái và thưởng ngoạn cảnh sắc thanh tịnh. 

Chùa Keo mang lối kiến trúc "Nội công ngoại quốc", trên khu đất lên đến 58.000 m2 có tất cả 157 gian với 21 công trình lớn nhỏ. Hai công trình kiến trúc thờ Phật và Thánh Tổ Dương Không Lộ được bố trí quy mô, bên cạnh đó hệ thống Chùa Phật, Tam Quan, Toàn Thượng Điện, Điện Thánh, hành lang, gác chuông, khu tăng xá được trải dài.

Du xuân ở Thái Bình và Hưng Yên có gì?- Ảnh 1.

Chùa Keo cổ kính, linh thiêng, ngoài thờ Phật còn thờ cả Thánh Dương Không Lộ - một nhà sư thời Lý. Ảnh: TL

Chùa Keo, tên Hán Việt là Thần Quang Tự. Bên cạnh thờ Phật, chùa còn thờ Thánh Dương Không Lộ (Tiền Phật, hậu Thánh) – một nhà sư thời Lý với kiến thức sâu rộng về Phật giáo. Ngoài ra, nơi đây cũng thờ phụng 1 số người có công lớn xây dựng chùa như: Nguyễn Văn Trụ, Trịnh Thị Ngọc Lễ, Trần Thị Ngọc Duyên, Hoàng Nhân Dũng, Lê Hồng Quốc.

Dù đã trải qua gần 400 năm tồn tại, chùa Keo vẫn giữ nguyên vẹn vẻ đẹp cửa kiến trúc cổ. Chùa được xây dựng từ thế kỷ XVII, năm 1632 dưới thời vua Lê Trung Hưng. Sau nhiều lần tôn tạo, sửa chữa, chùa Keo vẫn luôn được đánh giá là một trong những ngôi chùa cổ đẹp nhất Việt Nam.

Đền Trần và khu lăng mộ các vị vua Triều Trần

Đền Trần và khu lăng mộ các vị vua triều Trần tọa lạc tại thôn Tam Đường Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình - đất phát tích và hưng nghiệp của vương triều Trần. Nhà Trần đã chọn Tam đường, nay thuộc xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình làm Tôn miếu để đặt lăng tẩm các vị vua đầu triều.

Du xuân ở Thái Bình và Hưng Yên có gì?- Ảnh 2.

Quần thể Khu di tích Đền Trần ở tỉnh Thái Bình hiện nay. Ảnh: TL

Khu di tích Đền Trần bao gồm cả lăng mộ và đền thờ các vị vua, hoàng hậu, công chúa triều Trần. Đây được coi là vùng đất phát nghiệp của nhà Trần và là nơi lưu giữ mộ tổ cùng các vị vua, hoàng hậu, công chúa. Đền Trần đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử quốc gia. Với diện tích lên đến 5.175m², đền được xây dựng công phu, uy nghi bề thế, đúng theo nghi thức và kiến trúc thời xưa.

Ngày nay, tòa Hậu cung có kiến trúc chữ đinh với diện tích lên 359m2, tòa Đệ nhị, Bái đường, tả vu, hữu vu, ba ngôi mộ các vua Trần và một số công trình kiến trúc liên quan cũng mới được phục hưng và duy trì, phát triển.

Du khách có thể tham gia Lễ hội đền Trần năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 22/2 đến ngày 27/2/2024 (tức từ ngày 13 đến ngày 18 tháng Giêng năm Giáp Thìn).

Đền Tiên La

Đền Tiên La thờ Bát Nàn Tướng Quân – Vũ Thị Thục, một danh tướng nổi tiếng trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, người đã có công lớn trong việc đánh bại Tô Định. Ngôi đền tọa lạc tại thôn Tiên La, xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình nên đền này còn có tên gọi Đền Mẫu Tiên La.

Hàng năm, mỗi dịp xuân về, du khách khắp nơi đổ về cầu may, xin quẻ thẻ đền Mẫu.

Du xuân ở Thái Bình và Hưng Yên có gì?- Ảnh 3.

Lễ hội đền Tiên La ở Thái Bình vào tháng 3 âm lịch hàng năm.

Lễ hội Đền Tiên La được tổ chức từ ngày 10 đến 20 tháng 3 âm lịch hàng năm, thu hút đông đảo du khách đến tham dự, dâng lễ để tưởng nhớ công lao của Bát Nàn Tướng Quân và những người tham gia cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Vào ngày 17 tháng 3, ngày mất của Bát Nàn Tướng Quân cũng là chính hội của tiệc Mẫu. Lễ hội đền Tiên La tổ chức công phu, bao gồm các nghi thức tế lễ và các phần hội bao gồm hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao.

Đền Đồng Bằng

Đền Đồng Bằng, tọa lạc tại xã An Lễ, huyện Quỳnh Lưu, Thái Bình, là một ngôi đền linh thiêng có lịch sử lâu dài, được xây dựng từ thời vua Hùng Vương thứ 18. Đền được phong sắc "Tam Kỳ Linh Ứng - Vĩnh Công Đại Vương Tối Thượng Đẳng Linh Thần". Đến nay, Đền Đồng Bằng đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng bậc nhất tại Thái Bình, thu hút rất đông du khách đến thăm quan, trải nghiệm.

Du xuân ở Thái Bình và Hưng Yên có gì?- Ảnh 4.

Đền Đồng Bằng thường là nơi ghé chân đầu tiên của các đoàn hành hương du xuân. Ảnh: TL

Ban đầu, Đền Đồng Bằng thờ Đức Vua Cha Bát Hải Động Đình, người đã giúp Vua Hùng đánh đuổi giặc ngoại xâm và lập làng giúp dân. Từ cuối thế kỷ XIII, đền cũng trở thành nơi tưởng niệm Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn cùng các tướng quân thời nhà Trần, những người có công bảo vệ đất nước và ba lần đánh bại quân Nguyên – Mông, bảo vệ vững chắc bờ cõi dân tộc. Với vai trò lịch sử và tâm linh quan trọng, Đền Đồng Bằng luôn là điểm đến không thể thiếu đối với những ai muốn tìm hiểu văn hóa và lịch sử của vùng đất này.

Đền Mẫu Hưng Yên

Những người thường du xuân đầu năm, gần như không ai không biết tới Đền Mẫu ở Hưng Yên. Đây là một trong những di tích lịch sử, văn hóa quan trọng của tỉnh Hưng Yên. Đền Mẫu toạ lạc trên một vùng đất rộng gần 3000m2, phía trước là hồ bán nguyệt, xa hơn một chút là con đê sông Hồng.

Đền có đặc điểm vô cùng khác biệt so với các đền thờ khác ở Việt Nam là thờ bà Dương Quý Phi của triều Tống Trung Hoa. Hàng năm, vào dịp Tết, người dân khắp nơi lại đổ về đền Mẫu xin quẻ thẻ cho cả năm.

Du xuân ở Thái Bình và Hưng Yên có gì?- Ảnh 5.

Đền Mẫu Hưng Yên vô cùng linh thiêng.

Đền Mẫu Hưng Yên được khởi dựng vào thời Trần Nhân Tông, năm 1279. Mặc dù đã trải qua nhiều lần tu sửa, ngôi đền vẫn giữ được vẻ đẹp cổ kính, phản ánh một phần lịch sử và văn hóa lâu đời. Quần thể kiến trúc của đền Mẫu Hưng Yên mang đậm nét đặc trưng của kiến trúc thời Trần bao gồm nhiều hạng mục: tam quan, đền chính, nhà khách… Đây là kiến trúc điển hình của một công trình đền đài quan trọng trong văn hóa của người dân nước ta thời bấy giờ.

Có thể nói, đền Mẫu Hưng Yên là một di tích lịch sử, văn hóa và tâm linh quan trọng của Phố Hiến. Ngôi đền là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, đồng thời cũng là một địa điểm du lịch hấp dẫn thu hút đông đảo du khách thập phương đến thăm quan và chiêm bái.

Chùa Chuông

Nằm không xa Đền Mẫu Hưng Yên là ngôi chùa cổ vô cùng đẹp mang tên chùa Chuông.

Chùa Chuông còn được gọi với một tên gọi khác là Kim Chung Tự, nằm ngay tại thôn Nhân Dục, thuộc quần thể di tích Phố Hiến.

Du xuân ở Thái Bình và Hưng Yên có gì?- Ảnh 6.

Chùa Chuông cổ kính và phong cảnh hữu tình. Ảnh: TL

Trong Chùa hiện đang cất giữ nhiều di cổ giá tri như: câu đối, hoành phi, bia đá, đồ thờ, trong đó bia "Kim Chung tự thạch bi ký" dựng năm 1711 mô tả vị trí cảnh quan trong chùa và người có công tu tạo. Qua di vật này, các nhà nghiên cứu đã đoán được có một con đường thiên lý thông thương giữa Thăng Long và Phố Hiến nằm ngay ở cửa chùa. Ngoài ra còn ghi nhận thời điểm đó phố Hiến gồm tất cả là 12 phường.

Với giá trị kiến trúc và lịch sử độc đáo, chùa Chuông đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử – kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.. Ngôi chùa cũng là một trong 16 di tích tiêu biểu nhất trong Quần thể di tích "Quốc gia đặc biệt khu di tích Phố Hiến".

Đền Chử Đồng Tử

Đức thánh Chử Đồng Tử là một vị "Tứ bất tử" trong tín ngưỡng Việt Nam được thờ phụng ở nhiều nơi. Chỉ riêng ở ven sông Hồng, theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có tới 72 đền thờ ngài. Nhưng đền Đa Hòa ở xã Bình Minh, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên là đền chính - Đa Hòa chính từ.

Đền tọa lạc bên bờ sông Hồng trông thẳng sang bãi Tự Nhiên, nơi kỳ ngộ và nảy nở thiên tình sử giữa nàng công chúa cành vàng lá ngọc với một chàng trai nghèo khó nhưng rất mực hiếu thảo. Đền Đa Hòa là nơi tôn thờ Đức thánh Chử Đồng Tử cùng nhị vị phu nhân là Tiên Dung công chúa (con gái Hùng Vương thứ 18) và Tây Sa công chúa.

Du xuân ở Thái Bình và Hưng Yên có gì?- Ảnh 7.

Các cấu kiện kiến trúc đền thờ Chử Đồng Tử được làm bằng gỗ tứ thiết, mang đậm phong cách mỹ thuật thời Nguyễn.

Hiện tại, đền Đa Hòa có bình đồ kiến trúc kiểu "Nội công ngoại quốc", tổng cộng gồm 18 hạng mục công trình nằm trên trục thần đạo: Trấn giang lâu, ngọ môn, gác chuông, gác khánh, thảo xá, thảo bạt, nhà ngựa, thiêu hương, cung đệ nhất, đệ nhị, đệ tam, phương đình, dinh Chu Mạnh Trinh, hậu cung (điện thờ Đức Thánh Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân)… Các cấu kiện kiến trúc đều được làm bằng gỗ tứ thiết, mang đậm phong cách mỹ thuật thời Nguyễn. Đặc biệt, đỉnh của tất cả các nóc nhà đều làm hình con thuyền như tượng trưng cho hình ảnh đoàn thuyền của công chúa Tiên Dung về bến sông nơi đây thưở nào. Ngoài ra, đền Đa Hòa hiện còn lưu giữ được nhiều cổ vật quý hiếm, có một không hai.

Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung được tổ chức 3 năm một lần, diễn ra từ ngày mồng 10 đến ngày 12 tháng 2 (âm lịch). Đây là một trong 16 lễ hội lớn của cả nước, là bức tranh về đời sống tinh thần phong phú, sinh động mang giá trị văn hóa sâu sắc của người Việt cổ trong việc khai phá đầm lầy, phù sa ven sông Hồng từ ngàn nghìn năm về trước đây.

Chùa Nôm

Chùa Nôm, còn được gọi là Linh Thông Cổ Tự, tọa lạc tại làng Nôm, xã Đại Hồng, Văn Lâm, Hưng Yên. Phía Tây giáp huyện Gia Lâm (Hà Nội), phía Nam giáp tỉnh Hải Dương và phía Bắc giáp tỉnh Bắc Ninh.

Với vị trí đắc địa, việc di chuyển đến chùa Nôm vô cùng thuận lợi. Nằm trong quần thể làng Nôm, chùa mang đậm vẻ đẹp dân dã của làng quê Việt Nam, đồng thời giữ nguyên những nét kiến trúc Phật giáo đặc trưng từ thế kỷ XVIII. Đặc biệt, nơi đây hiện vẫn còn lưu giữ nhiều pho tượng cổ quý giá, được xem là những pho tượng cổ nhất Việt Nam.

Theo ước lệ của người dân địa phương, chùa Nôm có tuổi đời hơn 500 năm. Trên hai tấm bia đá lớn trong khuôn viên chùa ghi lại dấu tích rằng chùa từng được trùng tu vào năm 1680. Đến năm 1998, sư Huệ cùng chính quyền và nhân dân địa phương đã chung tay kiến tạo lại ngôi chùa, góp phần bảo tồn giá trị lịch sử và tâm linh nơi đây.

Quảng Ninh: Du khách nườm nượp đổ về các điểm tâm linh du xuânQuảng Ninh: Du khách nườm nượp đổ về các điểm tâm linh du xuân

SKĐS - Ngay từ đầu xuân mới, lượng khách đổ về Quảng Ninh chiêm bái rất đông với trên 800.000 lượt khách trong 5 ngày nghỉ lễ.

Mời quý vị xem thêm video dưới đây:

Chuyen tau dem giao thua năm at Ty co gi da biet (1)


Phương Thảo
Ý kiến của bạn