Nhiều người luôn nói xã hội hiện đại rồi, giờ quan niệm cũng phải thay đổi, con nào cũng là con, miễn sao con cái khoẻ mạnh, chăm ngoan là mừng, nhưng thực tế tâm lý muốn có con trai, thậm chí tìm mọi cách sinh con trai vẫn âm thầm gia tăng, đây là một trong số những nguyên nhân khiến trong tương lai không xa, hàng triệu thanh niên Việt Nam sẽ khó có cơ hội lấy vợ.
Sinh con gái một bề là sướng hay khổ ?
Vợ chồng bác Nguyễn Thị Minh Đ. ( Cầu Giấy, Hà Nội) sinh được ba cô con gái, không biết mấy chục năm trước, các bác có chút buồn nào không khi có ai đó ái ngại vì ông bà sinh toàn con gái. Chứ bây giờ nhắc đến bác Đ., họ hàng, người quen thân đều trầm trồ khen ngợi vì cuộc sống của bác an nhàn, vui vẻ và vô cùng hạnh phúc bên các con gái, con rể và các cháu ngoại. Bác trai do sức khoẻ kém nên có một thời gian dài bác Đ. vất vả chăm sóc. Thương bố mẹ, các con bác thu xếp việc nhà, không để bà ngoại phải bế ẵm, đón đưa các cháu mà động viên bác dành thời gian đi du lịch, vui chơi với bạn bè. Hằng ngày, bác dành thời gian sáng đi bơi ở bể bơi bốn mùa, buổi chiều đánh bóng bàn nâng cao sức khoẻ. Thời gian còn lại bác nghỉ ngơi, đọc sách, viết bài đăng báo, làm thơ, giao lưu với bạn bè.
Từ khi bác trai qua đời, bác Đ. tuy ở một mình một nhà nhưng các con bác đã chủ động mua nhà gần nhà mẹ, chỉ vài phút là sang với mẹ được. Chị H. con gái lớn bác tâm sự :
"Chúng tôi vẫn thường lo lắng mẹ ở một mình buồn muốn đón mẹ về ở cùng, nhưng mẹ đều từ chối vì thích cuộc sống tự do hơn, nói với chúng tôi là mẹ thích cuộc sống tự do, mẹ lo được và vui vẻ với cuộc sống hiện tại, các con không phải lo cho mẹ, khi nào mẹ già không tự chủ được thì tính sau. Đấy cứ nói một bề con gái khổ, nhưng với mẹ tôi thật sướng, chẳng phải đau đầu bận tâm về con cái, chúng tôi thương mẹ đều ý thức không muốn để mẹ buồn, chỉ mong mang thật nhiều niềm vui, hạnh phúc đến cho mẹ."
Còn vợ chồng anh Lê D. H. có con gái đầu lòng, nên khi mang thai con thứ 2, vợ chồng anh chị mong mỏi đó là con trai lắm. Khi tưởng là cháu là con trai, anh vui vẻ lắm, suốt ngày nhắn tin hỏi vợ ăn gì, giục vợ ăn đi. Chỉ ít tuần sau, bác sĩ thông báo cháu giống mẹ, vẻ mặt anh như người trượt số độc đắc. May mắn cho chị là bố mẹ chồng có tư tưởng hiện đại nên chỉ cười động viên con dâu mặc dù ông bà chỉ có chồng chị là con duy nhất, là con độc đinh và là cháu đích tôn. Cháu gái thứ hai ra đời được bà nội cưng chiều hết cỡ. Bạn bè có người trêu ngồi chiếu dưới, họ hàng cũng có người nói anh chị sinh thêm con thứ ba. Cho đến bây giờ khi hai cô con gái đã lớn, học hành tiến bộ, họ hàng nhà nội chỉ thấy khen anh may mắn chứ không ai giục anh chị cố sinh thêm con trai nối dõi, vì vậy anh chị cũng không bị áp lực sinh con trai chi phối. Anh còn tếu táo với bạn bè, giờ nhà anh chỉ lo tuyển rể chứ nếu có thêm con trai lại lo ế vợ.
Một tương lai gần – Hàng triệu nam giới khó tìm bạn đời
Theo Tổng cục Thống kê, tỷ số giới tính khi sinh - SRB (chỉ số SRB phản ánh cân bằng giới tính của số bé trai và bé gái khi được sinh ra. Tỷ số này thông thường là 104-106 bé trai/100 bé gái sinh ra sống) của Việt Nam có xu hướng tăng hơn so với mức sinh học tự nhiên từ năm 2006 đến nay, đưa ra bằng chứng về mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam. Mặc dù, SRB năm 2019 giảm so với năm 2018 nhưng vẫn ở mức cao (năm 2018: 114,8 bé trai/100 bé gái; năm 2019: 111,5 bé trai/100 bé gái).
Vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh tăng cao ở cả khu vực thành thị và nông thôn trong những năm gần đây và được dự báo còn tiếp tục gia tăng trong những năm tiếp theo. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, nước ta sẽ dư thừa khoảng 1,38 triệu nam giới vào năm 2026.
Nguyên nhân của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh là do xã hội vẫn còn tư tưởng trọng nam, khinh nữ; lạm dụng tiến bộ khoa học công nghệ để lựa chọn giới tính trước khi sinh; chế độ an sinh xã hội chưa đảm bảo… Hệ luỵ của việc mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến tình trạng trong tương lai gần sẽ thừa nam, thiếu nữ ở độ tuổi kết hôn, sinh sản. Từ đây tạo nên một sự mất cân bằng cấu trúc dân số, ảnh hưởng không nhỏ đến sự ổn định dân số của quốc gia. Đồng thời làm gia tăng những vấn đề về bình đẳng giới, bạo lực giới, định kiến giới…
Điều 4 của Thông tư số 01/2021/TT-BYT ngày 25/1/2021 do Bộ Y tế ban hành hướng dẫn một số nội dung khuyến khích kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Theo đó, với tập thể, các xã đạt 100% thôn đã có nội dung về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trong hương ước, quy ước được đề xuất UBND cấp huyện khen thưởng một lần kèm theo hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật.
Với cá nhân, căn cứ mục tiêu chính sách dân số và thực tiễn, để kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, địa phương lựa chọn, quyết định một số nội dung cụ thể để khuyến khích, hỗ trợ cho cặp vợ chồng sinh 2 con một bề cam kết không sinh thêm con như: Tôn vinh, biểu dương việc nuôi con khỏe, dạy con ngoan, con học giỏi, thành đạt; miễn, giảm học phí, hỗ trợ mua bảo hiểm y tế học sinh; hỗ trợ sữa học đường và các nội dung, hình thức phù hợp khác.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Vaccine COVID -19 sẽ tiêm mỗi năm một lần như cúm?