Thông tin từ Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, đến thời điểm hiện tại đã có gần 90% đơn vị đăng kiểm hoạt động trở lại. Hầu hết các trung tâm đăng kiểm cũng đã không còn tình trạng ùn tắc và vận hành các dây chuyền kiểm định bình thường.
Năng lực đáp ứng thực tế của các đơn vị đăng kiểm thậm chí còn dư thừa từ 32-45%.
Tại Hà Nội hiện có 27 đơn vị hoạt động với 45 dây chuyền và năng lực thực tế là 2.700 xe/ngày, trong khi số lượng xe vào kiểm định là 1.610 xe, đạt 60% năng lực.
Tại thành phố Hồ Chí Minh hiện có 17 đơn vị hoạt động với 33 dây chuyền và năng lực thực tế là 1.980 xe/ngày, trong khi số lượng xe vào kiểm định là 1.355 xe, đạt 68% năng lực.
Từ sau đợt ùn tắc, quá tải trong lĩnh vực đăng kiểm giai đoạn 2022 đến nửa đầu năm 2023, người dân cũng đã hình thành thói quen đăng ký trực tuyến, đặt lịch hẹn đăng kiểm, giúp ngành đăng kiểm chủ động sắp xếp công việc.
Để có được kết quả trên, Bộ GTVT đã áp dụng nhiều giải pháp, như: Sửa đổi, đề xuất sửa đổi quy định liên quan tới niên hạn đăng kiểm, điều kiện kinh doanh đăng kiểm; bổ sung nhân sự tăng cường cho các “điểm nóng” ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; tổ chức đào tạo và sát hạch cấp chứng nhận đăng kiểm viên bổ sung; đề nghị lực lượng đăng kiểm Bộ Quốc phòng và Bộ Công an hỗ trợ đăng kiểm dân sự…
Đặc biệt ngày 3/6/2023, Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 08/2023/TT-BGTVT cho phép áp dụng ngay chu kỳ kiểm định theo quy định tại Thông tư số 02/2023/TT-BGTVT cho khoảng 1,4 triệu ô tô chở người đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải (thuộc nhóm phương tiện có thời gian sản xuất đến 7 năm và thời gian sản xuất từ 13 năm đến 20 năm) tiếp tục được sử dụng Giấy chứng nhận và Tem kiểm định thêm 6 tháng mà chủ phương tiện không phải đưa xe đến đơn vị đăng kiểm để thực hiện kiểm định lại.
Điều này giúp cho các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới có thời gian, tập trung nhân lực và cơ sở vật chất phục vụ kiểm định cho các phương tiện kinh doanh vận tải và các phương tiện hết hạn kiểm định để giải quyết được ùn tắc đảm bảo sớm đưa phương tiện vào khai thác.
Thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục rà soát toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, thể chế liên quan đến đăng kiểm gắn với tăng cường thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tiêu cực, lãng phí.
Cùng với đó, Bộ Giao thông Vận tải xây dựng đề án đổi mới công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm, tách bạch chức năng quản lý Nhà nước và cung ứng dịch vụ, phân cấp quản lý đến địa phương theo hướng rõ ràng, minh bạch về trách nhiệm ở Trung ương và địa phương.
Xem thêm video được quan tâm:
Thủ Tướng Yêu Cầu Bộ Y Tế Hoàn Thiện Hồ Sơ Công Bố Hết Dịch Covid-19.