Tham dự tại Hội thảo là đại diện các Công đoàn cơ sở, phòng công tác xã hội các bệnh viện trung ương và các bệnh viện đóng trên địa bàn Hà Nội.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Phạm Thanh Bình, Ủy viên BCH Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Chủ tịch CĐYTVN cho biết: Thực trạng mất an ninh trật tự trong bệnh viện, bạo hành nhân viên y tế khi đang thực thi nhiệm vụ là vấn đề rất bức xúc hiện nay. Chi tính riêng năm 2017 đã xảy ra 13 vụ và từ đầu năm 2018 đến nay đã là 21 vụ. Tuy nhiên, đây chỉ là các con số được các cơ quan truyền hình, báo chí đưa lên truyền thông, còn trong thực tế số vụ bạo hành lớn hơn nhiều, có biết bao nhiêu vụ khác, bạo hành cả về thể chất và tinh thần mà các nhân viên y tế vẫn phải ầm thầm chịu đựng nhưng không được truyền thông phản ánh. Bên cạnh đó, các yếu tố khác như quá tải bệnh viện, lương thấp, tự chủ tài chính bệnh viện, tinh giảm biên chế… cũng làm gia tăng áp lực cho cán bộ y tế. Họ chỉ cần sơ suất, thiếu khéo léo trong ứng xử, dễ gây hiểu lầm là bạo hành có thể xảy ra…
Cũng theo PGS.TS Bình, để phòng chống nạn bạo hành nhân viên y tế trong bệnh viện cần phải có một quá trình. Trong đó, vai trò chủ động của công đoàn ở cấp cơ sở trong việc tham mưu, đề xuất với lãnh đạo đơn vị và hướng xử lý khi có bạo hành xảy ra là rất quan trọng. Tiếp theo là cần tiếng nói của các ban ngành xã hội. Hiện CĐYTVN đã kí với báo SK&ĐS và sẽ ký tiếp với Báo Lao động để xây dựng chuyên mục phòng chống bạo hành. Sắp tới CĐYTVN sẽ phối hợp với Tổng hội YHVN, Hội thầy thuốc trẻ để cùng thảo luận và đề xuất việc sửa đổi luật hình sự về bạo hành nhân viên y tế nhằm có tính dăn đe…
Về vấn đề đóng góp ý kiến cho văn bản dự thảo hướng dẫn Công đoàn cơ sở phòng và xử lý khi có cán bộ y tế bị bạo hành tại các cơ sở y tế để xây dựng và thống nhất cho cấp cơ sở, PGS.TS Bình gợi ý 3 điểm cần tập trung, đó là: đối với các cán bộ chưa chấp hành nghiêm các qui định, ứng xử chưa đúng mực… thì cần có qui chế xử lý như thế nào; Thông tin khi có bạo hành cần phản ánh kịp thời, cần có đầu mối và báo ngay cho CĐYTVN để xử lý và vấn đề xây dựng kế hoạch dự phòng tại đơn vị.
PGS.TS Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại Hội thảo.
Tại Hội thảo, đại diện các bệnh viện đã trao đổi, chia sẻ các kinh nghiệm về công tác phòng chống nạn bạo hành tại tại cơ sở của mình và đưa ra nhiều ý kiến thiết thực đóng góp cho dự thảo như: Đại diện của Viện Xanh Pôn về cơ bản thống nhất với nội dung của bản dự thảo nhưng tại một số mục cần thêm một số chi tiết để có hướng dẫn cụ thể hơn; Đại diện Bệnh viện Việt Đức có ý kiến về vấn đề lập hội bệnh nhân để họ có dịp giao lưu, động viên và chia sẻ. Họ là những người chứng kiến trực tiếp và thấu hiểu những khó khăn của bác sĩ bởi vậy những ý kiến, chia sẻ của họ đôi khi còn hiệu quả hơn nhân viên y tế; Đại diện Bệnh viện Đại học y cho rằng: đối tượng gây bạo hành thường là dân xã hội nên cần cần có tính dăn đe và do pháp luật giải quyết. Và khi có sự cố cần để người khác giải quyết vì đối tượng thường bức xúc, gây hấn tập trung vào một bác sĩ nào đó…; Đại diện Bệnh viện K muốn đưa vào dự thảo về vấn đề khi có sự cố nhân viên y tế được quyền tự vệ như thế nào (hay chỉ bỏ chạy) và cần có thông cáo báo chí cho các cơ quan truyền thông để thông tin được chính xác, kịp thời;…
Thay mặt CĐYTVN, PGS.TS Bình đã đánh giá cao những ý kiến đóng góp sâu sát và thiết thực của đại diện các đơn vị và cho rằng những ý kiến đóng góp này sẽ góp phần giúp bản dự thảo mới được xây dựng sẽ hoàn chỉnh và chi tiết hơn. Khi văn bản này được thống nhất ban hành, trong quá trình triển khai có chỗ nào cần sửa đổi để phù hợp với thực tế, CĐYTVN mong muốn được tiếp thu thêm những ý kiến của các đơn vị.