Dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi): Xác định rõ trách nhiệm trong bồi thường oan sai

02-06-2017 13:13 | Thời sự
google news

SKĐS - Tại phiên thảo luận Dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), nhiều đại biểu đã đặt câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước...

Tại phiên thảo luận Dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), nhiều đại biểu đã đặt câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, cơ quan bảo vệ pháp luật, trong đó nhấn mạnh cần quy định cụ thể và xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong việc bồi thường danh dự, nhân phẩm cho người bị oan sai cũng như đảm bảo tính công bằng, công khai trong quá trình bồi thường.

Xin lỗi công khai không nên mang tính hình thức

Cho rằng phục hồi danh dự, nhân phẩm cho người bị oan phải là trách nhiệm công vụ chứ không phải là dân sự, nhiều đại biểu nhấn mạnh các cơ quan pháp luật cần phải để cho nhân dân thấy được tính chất nghiêm khắc của các biện pháp tố tụng hình sự, nếu các biện pháp này được áp dụng đúng thì sẽ phát huy tác dụng trong việc phát hiện tội phạm. Nhưng nếu các biện pháp này áp dụng sai thì hậu quả để lại cho người bị oan là rất nghiêm trọng. Đồng thời, nhiều ý kiến cũng khẳng định, tổ chức xin lỗi công khai là cần thiết và không nên mang tính hình thức.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) cho rằng, qua thực tiễn thì việc giải quyết bồi thường đối với những người bị oan, bị thiệt hại tạo ra một cảm giác là cơ quan chức năng liên quan cứ “cò kè” thêm bớt với người dân và người dân bị thiệt hại rõ ràng rồi mà cứ bị thương lượng nhằm để giảm bớt các khoản bồi thường, và cho đến khi người dân không thể theo đuổi được nữa, họ buộc phải chấp nhận mức bồi thường mà cơ quan nhà nước đưa ra, như vậy là không công bằng và có thể đây là khe hở và dễ bị lợi dụng cũng như dễ bị lạm dụng trong quá trình bồi thường.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Đoàn đại biểu Quốc hội Bình Phước.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Đoàn đại biểu Quốc hội Bình Phước.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng: Tại Điều 7 dự thảo luật này quy định việc để được xin lỗi, người bị oan phải có đơn yêu cầu, Nhà nước mới tổ chức xin lỗi công khai và phục hồi danh dự, chứ Nhà nước không chủ động thực hiện việc này. Do đó đại biểu đề nghị được chỉnh lý điều này theo hướng là trong mọi trường hợp, sau khi có văn bản xác định là oan, thì cơ quan tố tụng chủ động tổ chức xin lỗi công khai cho người bị oan và phục hồi danh dự cho họ. Trừ trường hợp người bị oan đề nghị không tổ chức xin lỗi công khai.

Bên cạnh nhiều ý kiến đồng tình cần phải xác định rõ nguyên tắc thương lượng trong quá trình bồi thường, vì thương lượng phải mang tính nhân văn để thúc đẩy quá trình bồi thường được nhanh hơn và có lợi cho nhân dân hơn chứ không phải mang tính thương lượng ra để nhằm làm giảm bớt số vụ bồi thường.

Cũng trong phiên thảo luận ngày 31/5, các đại biểu cũng thống nhất ý kiến bên cạnh cơ chế giải quyết bồi thường của cơ quan quản lý nhà nước. Tại cơ quan quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại thì cho phép kết hợp giải quyết bồi thường trong quá trình giải quyết khiếu nại, trong quá trình giải quyết tố tụng hành chính, tố tụng hình sự, quyền được bồi thường do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra đảm bảo đúng quy định của hiến pháp và pháp luật, nâng cao tinh thần trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương của cán bộ trước khi giải quyết công vụ. Tránh tâm lý sợ trách nhiệm khi thi hành công vụ, dẫn đến thận trọng quá mức, giữ mình an toàn khi thi hành công vụ, nhất là trong công tác điều tra, truy tố, xét xử theo luật hiện hành có thể ảnh hưởng đến công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, làm giảm tính chiến đấu của người thực thi công vụ.

Chứng minh mức độ thiệt hại là vô cùng khó!

Trong giải quyết bồi thường nói chung và bồi thường nhà nước nói riêng thì yêu cầu bồi thường phải chứng minh được mức độ thiệt hại, thế nhưng trên thực tế đây là việc làm rất khó khăn, thậm chí là không thể đối với những người bị oan sai. Người dân mong muốn có một đạo luật thúc đẩy và minh bạch việc bồi thường oan sai nhà nước.

Có thể thấy, vụ án oan Huỳnh Văn Nén là một ví dụ về oan sai, với mức bồi thường oan sai của Nhà nước cho ông số tiền lên đến 10 tỷ đồng, bù đắp cho 17 năm tù oan. Thế nhưng để có được kết quả này thì bản thân ông, gia đình cùng với nhiều luật sư đã gắng gượng đấu tranh đòi quyền lợi qua nhiều năm trời. Số tiền thương lượng không thống nhất, lúc cao, lúc thấp, nguyên nhân là do nhiều khoản trong Luật Bồi thường nhà nước hiện nay quy định chưa đầy đủ, việc yêu cầu người bị oan phải chứng minh được những thiệt hại về vật chất bằng các hóa đơn, chứng từ... theo quy định của luật, đã khiến cho người bị oan gặp phải rất nhiều khó khăn.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội), việc đòi hỏi chứng minh những hóa đơn, chứng từ... sẽ vô cùng khó khăn. Vì vậy, luật nên quy định theo hướng quy đổi một mức cố định bao nhiêu ngày bị giam, bị truy tố, xét xử thì sẽ tương ứng với số tiền là bao nhiêu. Hiện nay chúng ta vẫn còn cảm quan và mức bồi thường vẫn còn thấp so với những gì người bị oan sai phải chịu đựng. Thấp ở đây là chúng ta mới chỉ định lượng về yếu tố vật chất, còn về mặt tinh thần thì chúng ta chưa định lượng rõ.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng, việc lượng hóa các thiệt hại của người bị oan sai sẽ phải cụ thể chi tiết, giúp đẩy nhanh tiến độ giải quyết oan sai. Theo đó, cần quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan bồi thường oan sai, quy định rõ các thiệt hại định lượng để làm căn cứ cho cơ quan giải quyết một cách nhanh chóng. Bởi vì khi họ đã với tới được công lý thì có nhiều người đã kiệt quệ cả về mặt sức khỏe và cả về mặt kinh tế, thậm chí tình cảm sứt mẻ rất nhiều. Vậy chúng ta phải làm thế nào đây để khôi phục lại cho họ. Nếu được Quốc hội thông qua lần này thì sẽ tạo được bước đột phá, tạo thuận lợi nhất cho người dân.


Trần Lâm
Ý kiến của bạn