Theo Dự thảo Bộ luật Lao động mới năm 2017 có hiệu lực vào năm 2018, lao động nữ có con nhỏ dưới 12 tháng tuổi sẽ không còn được nghỉ 60 phút mỗi ngày. Điều này đang nhận được nhiều ý kiến khác của dư luận và chính lao động nữ, những người chịu ảnh hưởng trực tiếp từ bộ luật. Mặc dù mới chỉ là đề xuất ban đầu của các doanh nghiệp, song thông tin bỏ quy định lao động nữ nuôi con dưới 1 tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút khiến nhiều lao động nữ đang trong thời gian cho con bú rất lo lắng. Nhiều người cho rằng họ đã rất thiệt thòi vì muốn ở nhà chăm sóc con mới sinh để các cháu được chăm sóc tốt hơn nhưng nếu dự thảo luật bỏ đi quyền lợi này thì rất thiệt thòi cho cả mẹ và con.
Bộ luật Lao động hiện hành quy định “Lao động nữ nuôi con dưới 1 tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động”. Tuy nhiên, lấy lý do sản xuất gặp khó khăn, chi phí tăng cao, khó bố trí kế hoạch sản xuất, đặc biệt là những ngành nghề như dệt may, da giày... nên các doanh nghiệp kiến nghị bỏ quy định này.
Thực tế trong thời gian qua, do ảnh hưởng kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp phải tiết kiệm, giảm hết chi phí, chi tiêu các khoản tối đa. Họ nói rằng, với những quy định cũ thì thời gian nghỉ như vậy rất khó cho các doanh nghiệp, ví dụ như đang làm dây chuyền sản xuất mà lại có một lao động nghỉ thì họ phải bố trí như thế nào trong thời gian 60 phút đó và thời điểm nghỉ như thế nào? Nhưng theo không ít chuyên gia về giới cho rằng, quy định lao động nữ nuôi con nhỏ dưới 1 tuổi được nghỉ 60 phút mỗi ngày như hiện hành là một quy định nhân văn và cần phải được tiếp tục duy trì. Lý do vì hiện nay nước ta đang có nhiều chính sách khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ nhằm giúp thế hệ tương lai có một thể chất khỏe mạnh. Đây cũng chính là lý do nâng chế độ thai sản từ 4 lên 6 tháng. Ngoài ra, liệu có khi nào người sử dụng lao động đề xuất thì luật phải sửa đổi theo? Bởi từ trước đến nay, quy định như hiện hành được coi là nhân văn, bởi lao động nữ còn làm vợ, làm mẹ, chăm sóc gia đình. Vì vậy, việc bỏ hay giữ quy định phải chờ tập hợp ý kiến trình cơ quan có thẩm quyền cho ý kiến.
Nếu dự thảo được thông qua, Bộ luật Lao động mới chính thức sẽ được áp dụng từ ngày 1/1/2018 thay thế Bộ luật Lao động 2012. Mặc dù mới là dự thảo, nhưng quy định như thế nào cũng cần hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người lao động. Bởi có thể quy định sẽ là rào cản ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người phụ nữ, quyền lợi và sức khỏe của trẻ nhỏ, nhưng điều này cũng có thể khiến cho doanh nghiệp lách luật, e dè hơn khi tuyển lao động nữ.