Sự nỗ lực lớn của Chính phủ, trực tiếp là Bộ Y tế
Sáng 21/4, tại Phiên họp thứ 10, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Y tế thay mặt Chính phủ, cơ quan soạn thảo dự thảo dự án Luật trình bày Báo cáo tóm tắt nội dung cơ bản của dự án Luật; Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội, UBTVQH tiến hành thảo luận các vấn đề liên quan đến Dự án Luật này.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu, Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) lần này đã có những thay đổi tích cực trên tinh thần tiếp thu được các ý kiến của UBTVQH. Cơ quan soạn thảo tổ chức lấy ý kiến, tiếp thu ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: "Dự thảo cũng đã cập nhật được nhiều vấn đề mới phát sinh (trong 2 năm nay chúng ta thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19)".
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội: "Về tổng thể trong Dự thảo Luật hoàn toàn đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét sau khi cho ý kiến, tiếp thu, hoàn chỉnh thêm. Nếu thuận lợi, cuối năm 2022 sẽ ban hành Dự án Luật rất quan trọng này. Đây là sự nỗ lực rất lớn từ Chính phủ, trực tiếp là Bộ Y tế . Các đồng chí đầu tư rất nhiều công sức".
Bày tỏ đồng tình với nhiều nội dung trong Báo cáo thẩm tra, Chủ tịch Quốc hội cũng gợi mở thêm một số nội dung. Theo Chủ tịch Quốc hội, Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Đảng và Nhân dân rất mong muốn chúng ta tiếp tục nghiên cứu, thể chế hóa hơn nữa, sâu sắc hơn nữa tinh thần Nghị quyết Hội Nghị Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Để bảo đảm tối đa quyền lợi của nhân dân khi tham gia khám, chữa bệnh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu, dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) lần này sau khi hoàn thiện cần phải đảm bảo khắc phục được tình trạng quá lạm dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật cao nhằm đẩy giá dịch vụ lên quá cao so với khả năng chi trả của đại đa số quần chúng nhân dân như một số quốc gia trên thế giới; tình trạng người bệnh dồn lên tuyến trên khám, chữa bệnh quá nhiều; bảo đảm công khai, minh bạch tự chủ tài chính trong lĩnh vực y tế, tránh các tiêu cực trong lĩnh vực y tế; bảo vệ thầy thuốc trước nguy cơ vi phạm y đức, thương mại hóa trong lĩnh vực y tế; bảo đảm rõ ràng minh bạch đối với các bên tham gia hoạt động khám, chữa bệnh...
Khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý tại phiên họp
Thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trân trọng cảm ơn những ý kiến đóng góp của UBTVQH, đặc biệt Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Từ những ý kiến đóng góp chân thành, quý báu, Bộ Y tế sẽ tiếp tục hoàn thiện để trình vào Kỳ họp thứ 3 tới.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng giải trình thêm một số thắc mắc, ý kiến của UBTVQH tại phiên họp.
Góp ý tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng các chính sách quy định trong dự thảo Luật Khám, bệnh chữa bệnh (sửa đổi) lần này là những nhóm chính sách rất lớn và phức tạp, là lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của nhân dân và cộng đồng, đồng thời cũng là lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực.
Do vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định được sửa đổi; Tờ trình của Chính phủ cũng phải nêu được rõ những vấn đề mới được bổ sung, điều chỉnh so với Luật hiện hành; làm rõ các giải pháp khắc phục các bất cập, hạn chế; Báo cáo đánh giá tổng kết thi hành Luật cần phải nêu cụ thể hơn, đặc biệt về những vướng mắc trong tổ chức thực hiện, những nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn đến những bất cập trong thực tế hoạt động khám, chữa bệnh thời gian qua và có các số liệu để chứng minh….
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, UBTVQH đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ cũng như Bộ Y tế đã chủ động phối hợp với các bộ ngành có liên quan để chuẩn bị hồ sơ dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); cho rằng dự thảo Luật trình UBTVQH lần này đã có nhiều tiến bộ tích cực; tiếp thu các ý kiến Kết luận của UBTVQH tại phiên họp thứ 8 (tháng 2/2022) và cơ quan thẩm tra để hoàn thiện dự án Luật; cập nhật nhiều vấn đề mới phát sinh; hồ sơ dự thảo Luật đầy đủ theo quy định, đủ điều kiện trình ra Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý tại phiên họp, ý kiến của cơ quan thẩm tra, các cơ quan của Quốc hội, các Ban của UBTVQH, đặc biệt là ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt ra các vấn đề cần rà soát làm rõ để đảm bảo chất lượng dự án Luật trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 vào tháng 5 tới.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn giao Ủy ban Xã hội tiếp tục tiến hành thẩm tra; Thường trực Ủy ban Xã hội phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, thiết thực, hiệu quả đối với các nội dung của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Xem thêm video đang được quan tâm:
Vụ cháy biệt thự trăm tỷ: Quảng Ninh chính thức lên tiếng tiết lộ nguyên nhân cực sốc này! | SKĐS