Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) bổ sung nhiều nội dung tháo gỡ vướng mắc của ngành y tế

20-09-2022 18:52 | Thời sự

SKĐS - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai đánh giá cao dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã bổ sung nhiều nội dung nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc của ngành y tế thời gian qua.

Thủ tướng Chính phủ: Các Bộ, ngành phối hợp "gỡ rối" trong mua sắm, đấu thầu cho ngành Y tếThủ tướng Chính phủ: Các Bộ, ngành phối hợp 'gỡ rối' trong mua sắm, đấu thầu cho ngành Y tế

SKĐS - Trưa 21/8, sau nhiều giờ lắng nghe bác sĩ, đại diện Bộ Y tế và các bộ ngành chia sẻ những khó khăn trong mua sắm thiết bị y tế, tình trạng thiếu thuốc và nhân viên y tế nghỉ việc...

Tại phiên thẩm tra sơ bộ về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) của Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách, các ý kiến đều nhấn mạnh yêu cầu sửa đổi luật nhằm giải quyết căn cơ, triệt để các bất cập của Luật hiện hành, tăng cường minh bạch, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong nội tại Luật này cũng như giữa Luật này với các luật khác.

Việc sửa đổi Luật Đấu thầu sửa đổi nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong đấu thấu, lựa chọn nhà thầu và quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước.

Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi): Bổ sung nhiều nội dung, kịp thời tháo gỡ vướng mắc của ngành y tế - Ảnh 2.

Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.

Nhất trí về sự cần thiết sửa đổi và các nội dung chính tập trung giải quyết những vướng mắc lớn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Thiếu tướng Trần Đức Thuận cho biết thêm, thực tiễn tham gia hoạt động đấu thầu cho thấy Luật Đấu thầu năm 2013 đã tạo cơ chế pháp lý vững chắc triển khai đầu tư mua sắm trang thiết bị tại nhiều địa phương và cơ quan, nhưng vẫn còn đó những hạn chế. Do đó, đại biểu kì vọng vào lần sửa đổi lần này vừa tháo gỡ vướng mắc, đề cao trách nhiệm quản lý và phòng chống tiêu cực, tham nhũng.

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế Đinh Ngọc Minh kỳ vọng lần sửa đổi này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác đấu thầu, phát huy hiệu quả quản lý, bảo đảm công khai, minh bạch và sử dụng hiệu quả nguồn vốn, tài sản nhà nước. Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị tiếp tục rà soát phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật để bảo đảm bao quát chặt chẽ.

Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi): Bổ sung nhiều nội dung, kịp thời tháo gỡ vướng mắc của ngành y tế - Ảnh 3.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai góp ý nhằm hoàn thiện các quy định về đấu thầu trong lĩnh vực y tế.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai, qua xem xét hồ sơ dự thảo luật, ông nhận thấy hồ sơ dự án luật đáp ứng yêu cầu quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đồng thời đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo đã có báo cáo lồng ghép giới, có quy định thúc đẩy bình đẳng giới.

Trước thực trạng đấu thầu trong lĩnh vực y tế phát sinh nhiều vướng mắc thời gian qua, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai, đánh giá cao dự án Luật đã bổ sung nhiều nội dung nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc thời gian qua, đồng thời bổ sung các căn cứ rõ ràng để thực hiện đấu thầu bảo vệ cán bộ khi thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, đề nghị làm rõ quy định đối với nguồn thu hợp pháp của đơn vị sự nghiệp công lập: giải trình, làm rõ nội hàm (bao gồm cả vốn đầu tư, chi thường xuyên) và tính phù hợp, khả thi trong mối quan hệ với việc đảm bảo quyền tự chủ của đơn vị, nhất là đối với các đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực y tế đang gặp nhiều khó khăn trong việc mua sắm trang, thiết bị y tế.

Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi): Bổ sung nhiều nội dung, kịp thời tháo gỡ vướng mắc của ngành y tế - Ảnh 4.

Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội họp phiên mở rộng để thẩm tra sơ bộ dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai đề nghị không đưa vào phạm vi điều chỉnh đối với nguồn thu dịch vụ do người dân tự nguyện chi trả của đơn vị sự nghiệp y tế do đây không phải là nguồn vốn nhà nước và để đảm bảo quyền tự chủ của đơn vị. Điều này sẽ đảm bảo cho các đơn vị chủ động kịp thời mua sắm vật tư trang thiết bị y tế, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế của người dân. Bên cạnh đó, đề nghị cân nhắc có quy định cơ chế mới về mua sắm qua tổ chức quốc tế phi chính phủ có giá rẻ hơn so với đấu thầu.

Nhấn mạnh, đặc thù trong lĩnh vực y tế là chất lượng và tính kịp thời, y tế dự trù hàng hóa phụ thuộc vào tình trạng bệnh nên xảy ra trường hợp đấu thầu xong nhưng tình hình thực tế phát sinh có thể dẫn đến thiếu hoặc thừa thuốc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị cần rà soát để tháo gỡ tình trạng này, nhất là trong bối cảnh thiếu thuốc tại một số bệnh viện thời gian qua; cần có quy định để tạo căn cứ vững chắc trong thẩm định giá trong đấu thầu.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Nguyễn Đức Hiển đề nghị tiếp tục rà soát các quy định để bảo đảm yêu cầu thực hiện đấu thầu công khai, minh bạch. 

Có cùng quan điểm về việc bảo đảm công khai, minh bạch trong thực hiện đấu thầu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phạm Thúy Chinh cho rằng không nên mở rộng thêm nhiều trường hợp chỉ định thầu. Đây cũng là đề xuất của Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Thiếu tướng Trần Đức Thuận.

Theo đó đối với chỉ định thầu, dự thảo Luật quy định 11 trường hợp chỉ định thầu. Dự thảo Luật đã bổ sung, mở rộng thêm nhiều trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu. Điều này là chưa thực sự phù hợp với mục tiêu "nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế". 

Do vậy, cần giới hạn việc áp dụng chỉ định thầu với các trường hợp đặc thù như Dự án cấp bách; Đảm bảo bí mật liên quan đến an ninh, quốc phòng; Đầu tư mua sắm thuốc, hóa chất, sinh phẩm, trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch bệnh trong trường hợp khẩn cấp; Các trường hợp đặc thù gắn với việc đảm bảo yêu cầu đồng bộ về công nghệ, nghiên cứu thử nghiệm, mua bán bản quyền sở hữu trí tuệ. 


Lê Bảo
Ý kiến của bạn