Theo tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế có dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 40 điều về: đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, trách nhiệm đóng, quyền lợi, phạm vi hưởng, tổ chức khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, quản lý quỹ và một số quy định kỹ thuật… Đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam có liên quan đến bảo hiểm y tế.
Trong đó có vấn đề khám chữa bệnh theo tuyến được rất nhiều người quan tâm. Bộ Y tế đề xuất sửa đổi quy định về khám bệnh, chữa bệnh đúng tuyến và thông tuyến (không đúng tuyến) được cập nhật theo cấp chuyên môn kỹ thuật dựa vào Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 và trên cơ sở giữ ổn định tỷ lệ hưởng BHYT theo quy định mới nhất của luật hiện hành.
Theo đó, dự thảo luật đề xuất bỏ thủ tục chuyển tuyến với các trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo… sẽ được chuyển thẳng lên cấp chuyên môn cao để giảm thủ tục và tạo thuận lợi, chi phí cho người dân cũng như tiết kiệm chi phí cho quỹ.
Trong dự thảo cũng bổ sung thêm hình thức thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho đối tượng đặc thù là lực lượng vũ trang, nhân dân ở khu vực biên giới, các xã đặc biệt khó khăn, biển đảo.
Dự thảo luật cũng bổ sung thêm cơ chế thanh toán điều chuyển thuốc đối với trường hợp đã mua sắm theo quy định thuận tiện nhất của Luật Đấu thầu mới nhưng vẫn gặp tình trạng thiếu thuốc. Đây là cách để khắc phục tình trạng thiếu thuốc và giúp đảm bảo quyền lợi của người dân khi tham gia BHYT, không để xảy ra tình trạng người bệnh phải tự mua, tự chi trả.
Trước đó, Bộ Y tế cũng đưa ra đề xuất sửa đổi và bổ sung một số quy định về đối tượng bắt buộc tham gia BHYT (đã được quy định tại Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế) để phù hợp với tình hình thực tiễn trong thời gian qua. Cụ thể, Bộ Y tế đề xuất sửa đổi và bổ sung quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 12 cho những đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế bao gồm:
- Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên kể cả trường hợp người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên
- Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật
- Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã có hưởng tiền lương.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng bổ sung thêm người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.
Trường hợp người lao động quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất, thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại các điểm c, d Khoản 1 Điều 12 và một số đối tương khác.
Luật bảo hiểm y tế số 25/2008/QH12 được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 14/11/2008 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2009. Luật BHYT được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Luật BHYT số 46/2014/QH13 đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hệ thống pháp luật về BHYT. Đây là cơ sở pháp lý cao nhất để thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân. Sau 15 năm triển khai thực hiện, Luật BHYT tế đã thực sự đi vào cuộc sống, khẳng định tính đúng đắn, tính phù hợp và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai có phát sinh những bất cập, vướng mắc và hạn chế cần phải được điều chỉnh như: đối tượng tham gia BHYT, phạm vi hưởng, quy định khám bệnh chữa bệnh thông tuyến, mức đóng bảo hiểm….
Xem thêm video được quan tâm:
Cấp cứu sốc phản vệ độ 2 sau khi sử dụng thuốc nhuộm tóc | SKĐS