Khoảng 50 triệu cử tri Thái Lan hôm 7/8 đã tham gia cuộc trưng cầu ý dân về bản dự thảo hiến pháp mới. Người dân Thái Lan sẽ lựa chọn trả lời có hoặc không đối với hai câu hỏi: Họ có đồng ý với dự thảo hiến pháp không và Thượng viện có được cùng tham gia với Hạ viện để chọn Thủ tướng không? Kết quả cuộc trưng cầu ý dân về dự thảo hiến pháp mới sẽ tác động mạnh đến chính trường Thái Lan những ngày tới.
Bản hiến pháp mới được coi là sự mở đường cho cuộc tổng tuyển cử vào năm 2017, đảm bảo nền kinh tế phát triển vững mạnh và chấm dứt một thập kỷ bất ổn về chính trị ở Thái Lan. Văn kiện dày 105 trang với 279 điều khoản này sẽ tác động mạnh mẽ đến tình hình chính trị Thái Lan những ngày tới.
Tuy nhiên, phe phản đối cho rằng, dự thảo hiến pháp này nhằm mở đường cho quân đội tiếp tục nắm chính quyền sau tổng tuyển cử trong khi phe ủng hộ khẳng định, việc để quân đội tham gia vào chính trường sẽ giúp ổn định đất nước. Quân đội Thái Lan nhấn mạnh, họ là lực lượng duy nhất có thể duy trì sự ổn định trong một đất nước đã bị chia rẽ nghiêm trọng. Thủ tướng Prayuth Chan-ocha tuyên bố, ông ủng hộ bản dự thảo hiến pháp này. Ông nhấn mạnh, Chính phủ của ông không muốn níu kéo quyền lực nhưng Thái Lan cần sự ổn định trong ít nhất 5 năm tới để có thể thực hiện cải cách và chiến lược phát triển. Thái Lan cần một sự thay đổi, một hiến pháp mới và một Chính phủ mới. Chính vì vậy, cuộc trưng cầu ý dân ngày 7/8 được xem như phép thử về uy tín của chính quyền quân sự Thái Lan.
An ninh thắt chặt trong ngày trưng cầu dân ý ở Thái Lan.
Cuộc trưng cầu ý dân được diễn ra đồng loạt trên cả nước với 94.259 điểm bỏ phiếu được mở cửa từ 8 giờ sáng và kết thúc lúc 16 giờ cùng ngày. Dự kiến, kết quả chính thức sẽ được công bố sau đó 3 ngày. Nếu được thông qua, đây sẽ là bản hiến pháp thứ 20 của Thái Lan kể từ khi bãi bỏ chế độc quân chủ chuyên chế vào năm 1932.
Khoảng 200.000 cảnh sát đã được triển khai nhằm đảm bảo an ninh cho cuộc trưng cầu ý dân. Trước thềm diễn ra sự kiện trên, 19 thủ lĩnh của Mặt trận thống nhất dân chủ chống độc tài (UDD, phe Áo Đỏ tại Thái Lan) đã bị cáo buộc vi phạm lệnh cấm tụ họp chính trị và bị bắt giữ.
Tương lai sẽ thay đổi?
Trước khi có kết quả chính thức, đã có những mâu thuẫn xuất hiện xung quanh dự thảo Hiến pháp mới. Theo thống kê, gần 50% dân số Thái Lan (tức khoảng 30 triệu người) sống ở vùng Đông Bắc và phần lớn được cho là chịu ảnh hưởng của lực lượng Áo Đỏ, đã tuyên bố phản đối dự thảo hiến pháp. Trong khi đó, bất đồng cũng đã diễn ra trong Lực lượng Áo Vàng. Việc mới đây Chủ tịch đảng Dân chủ, cựu Thủ tướng Abhisit Veijjajiva tuyên bố phản đối dự thảo hiến pháp là một ví dụ.
Trên thực tế, nếu dự thảo hiến pháp được thông qua sau cuộc trưng cầu ý dân này, như cuộc trưng cầu hiến pháp năm 2007, cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra theo đúng lộ trình mà Hội đồng Trật tự và Hòa bình quốc gia (NCPO) đã vạch ra.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha khẳng định, cho dù kết quả của cuộc trưng cầu ý dân về bản dự thảo hiến pháp như thế nào, nhưng cuộc tổng tuyển cử sẽ được tổ chức như kế hoạch trong năm 2017. “Không có bản hiến pháp nào làm vừa lòng 100% người dân”, Thủ tướng Prayuth nói.
Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo nếu cuộc Tổng tuyển cử vẫn diễn ra bất chấp kết quả trưng cầu ý dân về bản hiến pháp, rất có thể bất ổn chính trị sẽ lại xảy ra ở Thái Lan.
Chủ tịch Ủy ban Soạn thảo hiến pháp (CDC) của Thái Lan, ông Meechai Ruchupan trước đó cho rằng khi dự thảo bị bác bỏ, các lộ trình đến dân chủ và khung thời gian mà chính quyền quân sự đã đặt ra sẽ bị xáo trộn. Khi đó, Thủ tướng Prayut sẽ phải chịu áp lực rời bỏ cương vị bởi những người chống đối sẽ tận dụng cơ hội này để phát động chiến dịch phản đối rầm rộ. Và nếu cuộc Tổng tuyển cử vẫn diễn ra vào tháng 7/2017, tình hình chính trị Thái Lan sẽ “trở lại con số 0” với kịch bản bất ổn kéo dài trong suốt nhiều năm qua.