Có rất nhiều nguyên nhân
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra thai chết lưu và cũng có nhiều trường hợp thai chết lưu mà không tìm được nguyên nhân. Tuy nhiên, có thể do người mẹ có điều kiện kinh tế thấp kém, ăn uống thiếu chất, suy dinh dưỡng, hoặc do mẹ bị các bệnh lý nội khoa mạn tính hay cấp tính, bệnh nhiễm khuẩn hoặc sử dụng một số dược chất nguy hiểm cho sự phát triển và sự sống của thai nhi… Còn nguyên nhân do thai nhi thường gặp nhất là bất thường nhiễm sắc thể, xung khắc nhóm máu mẹ và con, dị dạng thai nhi hoặc do nhiễm khuẩn trong bụng mẹ. Tỉ lệ thai chết lưu thường giảm dần theo tuổi thai, tuy nhiên không phải không có trường hợp thai to chết lưu. Vì thế, phụ nữ mang thai cần cẩn trọng theo dõi và chú ý.
Khám thai cho người dân huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Ảnh: D.N |
Có thể dự phòng được trong một số trường hợp
Đối với chị em phụ nữ chuẩn bị mang thai cần được khám tư vấn tiền hôn nhân. Các cặp đôi nên có kế hoạch khám, tư vấn trước khi cưới khoảng 3 - 6 tháng. Đặc biệt đối với những người dự định sinh con ngay sau khi kết hôn thì việc khám sức khỏe tiền hôn nhân là rất quan trọng để đảm bảo sức khỏe cho con sau này. Khi đó, các bác sĩ sẽ xem xét tiền sử bệnh của hai bên, kiểm tra các bệnh về rối loạn tâm thần, bệnh di truyền (hội chứng Down, câm điếc bẩm sinh, ung thư, rối loạn đông máu Thallasemia…), bệnh truyền nhiễm, các quan hệ huyết thống, bệnh sử gia đình... rất cần thiết để có thể sinh con khỏe mạnh. Ngoài ra, không nên kết hôn, sinh con sớm; Cần đẻ thưa, đẻ ít con để giảm các nguy cơ.
Đối với những phụ nữ mắc các bệnh lý nội khoa, mạn tính như: thận, tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch… thì cần điều trị cho thật ổn định và tầm soát một số bệnh lý nhiễm khuẩn qua các xét nghiệm huyết thanh học trước khi mang thai và cần có sự tư vấn của các bác sĩ tư vấn về việc mang thai, sinh con.
Đối với thai phụ có tiền sử thai chết lưu cần thiết phải khám tìm nguyên nhân trước khi mang thai lại. Khi có thai phải đi khám thai sớm, ngay khi trễ kinh hoặc muộn nhất là 3 tháng đầu thai kỳ. Sau đó cần khám thai đều đặn, theo dõi sát để phát hiện kịp thời những trường hợp thai kỳ có nguy cơ cao, thai nhi bị suy dinh dưỡng trong tử cung,…
Người mẹ cũng cần có chế độ dinh dưỡng đúng mức và hợp lý trong khi mang thai, giữ vệ sinh thân thể vệ sinh thai nghén tốt. Không nên sử dụng bất kỳ một dược phẩm, các loại thuốc uống nào nếu chưa hỏi ý kiến bác sĩ. Đồng thời hãy đến bệnh viện ngay khi có các dấu hiệu bất thường như đau bụng, nhức đầu, mờ mắt, ra huyết…
Không tiếp xúc với môi trường độc hại, ô nhiễm, tránh ăn thực phẩm nhiễm hóa chất bảo quản để tránh nguy cơ thai chết lưu.
Do vậy, biện pháp hữu hiệu nhất, an toàn nhất là cần giữ cho mình sự ổn định về sức khỏe cả thể chất lẫn tinh thần khi mang thai, điều này sẽ giúp cả mẹ và con đều khỏe mạnh.
Cần phát hiện sớm thai chết lưu
Thông thường, thai nhi bắt đầu cử động từ tuần thứ 7 hoặc 8 của thai kỳ nhưng bạn chỉ có thể cảm nhận được thai máy từ tuần thứ 16 ± 22 trở đi. Thai máy là những cử động gần giống như nhịp gõ vào thành bụng hay cảm giác lúng búng trong bụng.
Ở giai đoạn sớm của thời kỳ thai nghén, các dấu hiệu để nghĩ đến thai chết lưu rất ít và không rõ ràng. Đó là những phụ nữ đã được xác định là có thai (mất kinh, nghén, thử HCG dương tính...) tự nhiên thấy ra máu ở âm đạo ít một, máu sẫm màu, các dấu hiệu nghén giảm đi, bụng không thấy to lên.
Ở giai đoạn muộn của thời kỳ thai nghén, các triệu chứng thường rõ ràng hơn. Dấu hiệu sớm nhất là sản phụ không thấy thai "đạp" hay "máy" nữa (cần chú ý vì đôi khi thành bụng dày nên không rõ thai đạp, hoặc sau khi thai chết, tử cung xuất hiện những cơn co nhẹ mà sản phụ nhầm đó là thai đạp). Nếu chết ở giai đoạn muộn có thể thấy bụng không lớn lên mà nhỏ dần đi, đôi khi có thể ra máu đen ở âm đạo, hai vú tự nhiên tiết ra sữa non. Nếu thai phụ có một số bệnh kèm theo như nhiễm độc thai nghén, bệnh tim… thì thấy bệnh thuyên giảm, dễ chịu hơn.
Một số trường hợp thai chết không bị sảy ngay mà nằm lại trong buồng tử cung một thời gian. Nếu không phát hiện sớm thì bà mẹ co thể bị nhiễm khuẩn nặng hoặc gây nên rối loạn đông máu, nguy hiểm đến tính mạng.
Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Minh