Táo bón gây nhiều tác động tiêu cực cho sức khỏe và cuộc sống của bạn. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu cũng chứng minh được rằng: việc chậm đào thải phân sẽ làm kéo dài thời gian tiếp xúc của thành đại tràng với các tác nhân gây ung thư sẵn có trong phân.
Điều trị táo bón có nhiều phương pháp, trong đó tự điều trị cũng rất quan trọng, tuy nhiên để đạt được hiệu quả như mong muốn thì đòi hỏi người bệnh phải có đủ kiến thức, đủ tính kiên trì và phải thực hiện trong một thời gian khá dài.
Vì thế việc dự phòng táo bón có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đảm bảo duy trì chất lượng cuộc sống và đảm bảo chức năng hoạt động bình thường của cơ quan tiêu hóa nói riêng, toàn bộ cơ thể nói chung.
Nguyên nhân gây bệnh táo bón
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến táo bón, trước hết phải kể đến những nguyên nhân cơ năng như rối loạn co bóp của cơ trơn thành ruột gặp trong những người ít vận động, mặc bệnh nặng cần phải nằm lâu (tai biến, .v.v…), suy nhược cơ thể, dùng thuốc dài ngày .v.v….
Các nguyên nhân gây tắc nghẽn đường ruột như các bệnh lý thực thể đường tiêu hóa như u đại tràng, u mạc treo .v.v....
Ngoài ra, trong thời đại công nghiệp "kỹ thuật số" ngày càng phát triển, con người phải hoạt động theo các "lập trình" mà thường không phù hợp với sinh lý tự nhiên của cơ thể, kèm theo sự căng thẳng kéo dài đã góp phần gây nên tình trạng táo bón ngày càng trở nên phổ biến.
Phòng và trị táo bón hiệu quả- Cách gì?
- Trước hết phải nói đến chế độ sinh hoạt
Phải có chế độ sinh hoạt, vận động khoa học và hợp lý: Thường xuyên rèn luyện thể dục, ít nhất 30 phút mỗi ngày, tránh làm việc kéo dài trong cùng một tư thế, phải vận động toàn thân sau mỗi giờ làm việc.
Phải tích cực tập thể dục cho bụng bằng các động tác có liên quan đến cơ vùng bụng (cúi gập người, tập thở bụng .v.v…), bên cạnh đó, mỗi sáng thức dậy nên uống khoảng 300 ml nước ấm. Sau đó dùng 1 hoặc 2 bàn tay úp lại xoa bụng theo chiều kim đồng hồ, thực hiện khoảng 30 vòng (xoa dọc khung đại tràng theo chiều nhu động).
Trong những ngày đầu có thể chưa đi đại tiện được, nhưng nếu thực hiện những hướng dẫn trên một cách tích cực và kiên trì thì việc đi đại tiện sẽ trở nên dễ dàng và đều đặn hơn. Ngoài ra chúng ta có thể dùng nắm đấm phía mu tay kích thích vùng cùng cụt, vì ở đây có hệ thần kinh chi phối vùng đại tràng.
Sắp xếp công việc hợp lý, tránh ngồi làm việc lâu, tối đa sau một tiếng rưỡi đồng hồ, cho dù bận bịu đến đâu đi nữa cũng nên đứng dậy thực hiện một vài động tác vươn vai, cử động tất cả hệ thống khớp trên cơ thể, kết hợp hít thở sâu … thực hiện tối thiểu 5 phút.
- Chế độ ăn uống
Ăn uống phải khoa học, ăn đúng giờ, ăn đủ thời gian, tránh ăn quá nhanh, thông thường khoảng 30 phút cho một bữa ăn, nếu ngày ăn 3 bữa thì khoảng cách giữa các bữa là 3-4 tiếng đồng hồ.
Trong chế độ ăn phải ưu tiên có nước (canh, thực phẩm lỏng .v.v….). Thức ăn phải có đủ chất xơ, như rau củ quả, tăng cường sinh tố hằng ngày. Mỗi lần thấy đói thì nên ăn nhẹ bằng trái cây, tránh ăn nhiều đạm, mỡ. Chú ý các thức ăn có tác dụng nhuận trường như: rau đay, rau mồng tơi, rau lang, bí đỏ, mướp, chuối .v.v…. Nên vận động nhẹ trước và sau mỗi bữa ăn, và chú ý nên hạn chế "làm việc riêng" trong bữa ăn như xem TV, đọc sách, nói chuyện quá nhiều .v.v…
Trong bữa ăn nên chú ý: Các loại thức ăn (lỏng hoặc đặc) phải được ăn xen kẽ với nhau, để đảm bảo thức ăn được nhào trộn tốt nhất.
Chúng ta nên ăn vừa đủ, không nên quá no mà ảnh hưởng đến sức co bóp của dạ dày cũng như khả năng tiết các dịch để tiêu hóa thức ăn. Đặc biệt chú ý vào buổi tối, vì lúc này đường tiêu hóa cũng cần được nghỉ ngơi sau một ngày làm việc liên tục.
Phải uống đủ nước (khoảng 1,5 – 2 lít mỗi ngày), tăng cường các loại nước trái cây, nên hạn chế uống nước ngọt có phẩm màu, cà phê, hoặc nước có cồn (rượu bia), vì những thức uống này gây tăng hấp thu nước từ ruột và làm phân cứng hơn.
- Tránh stress
Tâm lý có những ảnh hưởng đáng kể đến vấn đề đại tiện, kể cả trẻ em hay người lớn. Như vậy để tránh táo bón, chúng ta cần phải giữ cho tinh thần thoải mái, tránh các stress trong công việc và trong sinh hoạt, chúng ta cần chú ý là phải ngủ đủ giấc (trung bình 8 tiếng mỗi ngày), vì mất ngủ cũng là nguyên nhân dẫn đến táo bón.
- Thiết lập phản xạ đi cầu hằng ngày
Phải thiết lập phản xạ đi cầu hằng ngày vào giờ cố định, không nên nín đi cầu (đôi khi vì công việc), phải dành sự quan tâm đến việc đi cầu và xem nó như một "chế độ" bắt buộc mỗi ngày hay mỗi 2 đến 3 ngày. Và cũng nên tạo sự thoải mái bằng cách xác định rằng thời gian đi cầu là "không hạn chế".
Bên cạnh đó, tư thế đi đại tiện cũng khá quan trọng, tư thế đúng nhất là kê thêm một chiếc ghế nhỏ đặt dưới chân và ngồi sao cho phần bụng và đùi tạo thành một góc 35 độ. Tư thế này làm đại tràng thẳng hơn giúp việc đi ngoài trở nên dễ dàng hơn.
- Không để táo bón xảy ra quá lâu
Vì càng để lâu, càng khó xử trí, dễ dẫn đến bán tắc hoặc tắc ruột do phân, đi kèm với đó là các rối loạn về nước và điện giải. Nếu trên một tuần mà vẫn chưa đi cầu, trước khi đi khám bệnh thì chúng ta có thể thử bơm hậu môn kích thích đi cầu bằng ống thuốc Microlax, có thể bơm 2-3 ống, sau khi bơm nín khoảng 15 – 20 phút sau rồi mới đi đại tiện.
Có thể thực hiện 1 lần mỗi ngày trong tối đa 3 ngày. Riêng phụ nữ có thai thì nên dùng Forlax, thuốc này không được hấp thụ trong cơ thể, không chuyển hóa trong đường ruột cho nên không ảnh hưởng gì đến thai nhi và sữa mẹ. Ngoài ra chúng ta có thể dùng tay (đã đeo găng) bôi vaselin đưa vào hậu môn để kích thích đi cầu (có thể nhờ đến sự hỗ trợ bởi người khác).
Dùng thuốc nhuận trường chống táo bón trong trường hợp này phải hết sức thận trọng, chỉ được dùng sau khi được bác sĩ thăm khám và kê đơn.
- Điều trị các bệnh liên quan
Điều trị các bệnh liên quan đến răng miệng, ảnh hưởng đến sức nhai (đau răng, mất răng), để đảm bảo thức ăn phải được nghiền nhỏ trước khi đưa vào dạ dày, nếu điều trị chưa dứt hoặc chưa điều trị thì phải ăn các thức ăn lỏng, xắt mỏng, hoặc bằm nhỏ để dễ tiêu hóa và từ đó mới dễ đi đại tiện.
Điều trị các căn bệnh có thể liên quan đến táo bón như viêm đại tràng, u đại trực tràng, bệnh trĩ, bệnh thoát vị bẹn, thoát vị thành bụng, các bệnh viêm nhiễm phụ khoa, bệnh tim mạch .v.v… sau điều trị là dự phòng tái phát.
Chú ý: Người bệnh cần đi khám ngay, không được điều trị ở nhà nếu có một trong các dấu hiệu sau: táo bón kéo dài 3 tuần, đi cầu có máu, có nôn mửa kèm theo, có sốt kèm theo, đau bụng nhiều, táo bón tái đi tái lại, hoặc táo bón có kèm sút cân rõ mà không xác định nguyên nhân.
- Sử dụng thuốc hợp lý
Chỉ sử dụng theo chỉ định của bác sĩ, chú ý các thuốc có thể gây táo bón như các thuốc giảm đau gây nghiện, thuốc dãn cơ trơn, các thuốc chống động kinh, chống trầm cảm .v.v…. Một sai lầm của nhiều người là khi có triệu chứng đau bụng là đi mua thuốc uống (thường là thuốc dãn cơ trơn) và có thể vô tình không biết là cơn đau này là do táo bón.
Vì thế nếu có đau bụng lâm râm, điều đầu tiên phải nghĩ đến là vấn đề đại tiện. Trong bệnh viện cũng vậy, vấn đề lưu thông đường tiêu hóa được lưu tâm trước tiên đối với tất cả bệnh nhân mắc bệnh về tiêu hóa.
Tóm lại: Bệnh táo bón có thể không nghiêm trọng như các bệnh khác ở đường tiêu hóa, nhưng nó đã gây ảnh hưởng đáng kể đến công việc, đến lao động và sinh hoạt hằng ngày, Trong điều trị, không nên lệ thuộc vào thuốc mà trước tiên phải tự điều trị và các biện pháp dự phòng trở nên vô cùng quan trọng, không những tốt cho đường tiêu hóa nói riêng, mà còn tốt cho sức khỏe nói chung.
Video có thể bạn quan tâm
Những bài tập thể dục buổi sáng giúp bạn tăng cường sức khỏe