Hà Nội

Dự phòng ung thư bạn nghe nhiều nhưng đã biết cách làm chưa?

BS. Phạm Thị Vân Ngọc

BS. Phạm Thị Vân Ngọc

16-12-2022 13:30 | Y học 360
google news

SKĐS - Chúng ta hầu như ai cũng biết đến khẩu hiệu: Phòng bệnh hơn Chữa bệnh. Vậy phòng bệnh là như thế nào, nhất là dự phòng ung thư? Chúng ta sẽ tìm hiểu về khái niệm này ngay sau đây.

Các cấp độ dự phòng bệnh

Về cơ bản dự phòng bệnh được chia làm 3 cấp độ:

  • Dự phòng cấp 1- Dự phòng ban đầu (Primary Prevention): Là những biện pháp can thiệp không để bệnh xảy ra thông qua các chương trình như (1) tiêm chủng, (2) truyền thông cộng đồng khuyến khích lối sống lành mạnh, và (3) cũng như đưa ra các văn bản pháp luật để hạn chế những tác động có hại tới sức khỏe như luật phòng chống rượu bia, thuốc lá...
  • Dự phòng cấp 2 – Dự phòng thứ cấp (Secondary Prevention): Là các chương trình khám sàng lọc để phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm trước khi có các dấu hiệu, triệu chứng.
  • Dự phòng cấp 3 – Dự phòng bệnh tiến triển (Tertiary Prevention): Là biện pháp dự phòng can thiệp sau khi phát hiện bệnh giúp hạn chế tử vong và những thiệt hại do bệnh tật gây ra.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, 30-50% ung thư có thể dự phòng được. Ảnh minh hoạ

Theo Tổ chức Y tế thế giới, 30-50% ung thư có thể dự phòng được. Ảnh minh hoạ

Các cấp độ dự phòng được diễn ra như thế nào?

Dự phòng cấp 1:

  • Theo Tổ chức Y tế thế giới, 30-50% ung thư có thể dự phòng được, nghĩa là ta có thể làm cho nó không xảy ra bằng các biện pháp như:
  • Không hút thuốc lá: thuốc lá có tới 700 loại hóa chất, trong đó ít nhất 250 loại có hại cho sức khỏe và 69 loại có thể gây ung thư. Trên thế giới, thuốc lá là yếu tố nguy cơ gây ung thư lớn nhất, gây ra tử vong cho 8 triệu người mỗi năm (ung thư và bệnh khác). Vì vậy thế giới và nhiều quốc gia đã ban hành luật phòng chống thuốc lá để giảm thiểu nguy cơ này.
  • Kiểm soát cân nặng: béo phì, thừa cân gây ra 3.4% tổng số ca ung thư (2012), có liên quan tới các loại ung thư thư thực quản, đại trực tràng, vú, nội mạc tử cung và thận. Vì vậy luyện tập thể dục thể thao thường xuyên và giữ cân nặng vừa phải, chế độ ăn lành mạnh sẽ giúp dự phòng ung thư.
  • Không hoặc hạn chế uống rượu: rượu là yếu tố nguy cơ cho nhiều loại ung thư như hầu họng, thanh quản, thực quản, gan, đại trực tràng và vú. Nguy cơ sẽ tăng lên theo số lượng tiêu thụ. Năm Năm 2016, các bệnh ung thư do rượu được ước tính là nguyên nhân gây ra 400.000 ca tử vong trên toàn thế giới, chủ yếu là ở nam giới.
  • Tiêm chủng: virus viêm gan B, C và vi rút gây u nhú ở người (HPV) là yếu tố nguy cơ gây ung thư gan, cổ tử cung. Ở các nước nghèo, các loại virus này gây ra khoảng 25% trường hợp ung thư. May mắn là chúng ta có vaccine viêm gan B và HPV để tiêm cho người mạnh khỏe và dự phòng.
  • Hạn chế ô nhiễm môi trường: Người ta ước tính rằng ô nhiễm không khí ngoài trời đã góp phần gây ra 4,2 triệu ca tử vong sớm trên toàn thế giới vào năm 2016, trong đó 6% là tử vong do ung thư phổi. Ngoài ra, gần 4 triệu người chết sớm vì bệnh tật do ô nhiễm không khí trong nhà do nấu ăn bằng nhiên liệu rắn và dầu hỏa. Vì vậy cần có các chính sách quốc gia, quốc tế về giảm thải ra môi trường cũng như mỗi gia đình cần biết sử dụng nhiên liệu an toàn, hợp lý để phòng tránh.
  • Hạn chế chất gây ung thư do nghề nghiệp: Các chất gây ung thư do nghề nghiệp (chủ yếu amiăng) có thể gây ung thư phổi, ung thư trung biểu mô và ung thư bàng quang. Vì vậy cần có các chế độ bảo hộ lao động an toàn cho người tiếp xúc.
  • Bức xạ: Tiếp xúc với bức xạ ion hóa làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại bệnh ung thư như bạch cầu và một số khối u khác. Nguy cơ tăng cao khi phơi nhiễm ở độ tuổi trẻ và khi lượng phơi nhiễm cao. Bức xạ tia cực tím (UV), đặc biệt là bức xạ mặt trời, là chất gây ung thư cho con người, gây ra tất cả các loại ung thư da, như ung thư biểu mô tế bào đáy (BCC), ung thư biểu mô tế bào vảy (SCC) và ung thư hắc tố. Tránh tiếp xúc quá nhiều, sử dụng kem chống nắng và quần áo bảo hộ là những biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Các thiết bị nhuộm da phát ra tia cực tím hiện cũng được phân loại là chất gây ung thư cho con người dựa trên mối liên hệ của chúng với ung thư hắc tố da và mắt.

Dự phòng cấp 2

Tập trung chủ yếu vào các chương trình khám sàng lọc nhằm phát hiện những tổn thương tiền ung thư hoặc ung thư ở giai đoạn sớm trước khi chúng xuất hiện triệu chứng. Việt Nam chúng ta chưa có chương trình khám sàng lọc ung thư như ở các nước phát triển Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc … Vì vậy, việc khám sàng lọc chủ yếu là do sự nhận thức của mỗi cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức … Ngày nay ung thư khá thường gặp ở xung quanh chúng ta nên nhiều cá nhân, tập thể cũng đã ý thức hơn trong việc thăm khám cho cá nhân hay đơn vị mình. Nhưng thực tế vẫn còn nhiều người chưa biết đến vai trò của việc khám sàng lọc, phát hiện sớm, họ vẫn nói rằng: Tôi vẫn khỏe mạnh, chưa có vấn đề gì nên chưa phải đi khám. Thực tế đáng tiếc là: Khi có vấn đề mới đi khám thì hầu hết ung thư đã ở giai đoạn muộn.

Để phòng tránh không mắc ung thư thì chúng ta cần có một lối sống lành mạnh. Ảnh minh hoạ

Để phòng tránh không mắc ung thư thì chúng ta cần có một lối sống lành mạnh. Ảnh minh hoạ

Dự phòng cấp 3:

Khi đã bị mắc ung thư rồi thì chúng ta không thể phủ nhận sự thật đó, chỉ còn cách tốt nhất là phải đối diện với nó, nỗ lực điều trị và can thiệp phục hồi nhằm giảm thiểu những thiệt hại do bệnh tật gây ra và cải thiện cuộc sống. Bằng các biện pháp như:

  • Điều trị đúng và kịp thời: giúp can thiệp sớm và mang lại hiệu quả điều trị cao nhất có thể, đặc biệt là can thiệp trong giai đoạn vàng, có thể chữa khỏi cho nhiều người bệnh hoặc giảm thiểu biến chứng.
  • Tuân thủ điều trị: người bệnh thực hiện nghiêm túc theo chỉ định của bác sỹ điều trị. Nếu bỏ dở điều trị, nguy cơ bệnh nặng hơn hoặc tái phát bệnh cao.
  • Tuân thủ lịch trình theo dõi bệnh sau điều trị: nhằm điều chỉnh liệu trình điều trị kịp thời, phát hiện sớm biến chứng/tác dụng phụ, tổn thương ung thư mới hoặc những tổn thương tái phát …
  • Chăm sóc sức khỏe thể chất: dinh dưỡng, luyện tập thể dục thể thao thường xuyên theo lời khuyên của bác sỹ hoặc chuyên gia.
  • Chăm sóc sức khỏe tinh thần: thể dục thể chất cũng là một cách củng cố sức mạnh tinh thần và cải thiện cảm xúc. Tuy nhiên, người bệnh ung thư cũng nên có sự hướng dẫn thêm của các chuyên gia tâm lý, tâm linh, xã hội … để vững vàng và tích cực hơn trong hành trình điều trị và nâng cao chất lượng cuộc sống của mình.

Vậy tóm lại, để phòng tránh không mắc ung thư thì chúng ta cần có một lối sống lành mạnh (rèn luyện thể dục thể thao, dinh dưỡng mạnh khỏe, hạn chế ảnh hưởng của môi trường ô nhiễm, không hút thuốc lá, hạn chế bia rượu … đi khám sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện bệnh sớm). Nếu đã mắc ung thư rồi thì cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sỹ và chịu khó rèn luyện bản thân để giảm thiểu thiệt hại do bệnh cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tùy từng người bệnh, cơ sở khám chữa bệnh cũng như bác sỹ chỉ định mà có thể có những điều chỉnh khác nhau cho phù hợp. Bài viết trên đây không có mục đích thay thế vai trò của bác sỹ lâm sàng mà chỉ cung cấp cho người đọc những khái niệm, kiến thức tham khảo cơ bản về các cấp độ dự phòng trong ung thư dựa trên các tài liệu tham khảo chính thống của thế giới. Mong rằng, mỗi chúng ta đều có thể trở thành những người thầy thuốc cho chính mình, phối hợp cùng các nhà chuyên môn để chăm sóc sức khỏe cho cá nhân mình và gia đình mình một cách tốt nhất.

Xem thêm video được quan tâm

Những quan điểm sai lầm về chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân ung thư


BS. Phạm Thị Vân Ngọc
Chuyên khoa Nội soi tiêu hóa và y học cộng đồng
Ý kiến của bạn