PrEP là cụm từ viết tắt của Pre-Exposure Prophylaxis trong tiếng anh, nghĩa là điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV. Đối tượng là người nhiễm HIV/AIDS, vợ hoặc bạn tình người nhiễm HIV, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới và nhóm sử dụng ma túy, tất cả các cá nhân chưa bị nhiễm HIV (HIV âm tính), đặc biệt cần thiết với những người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao như những người có nhiều bạn tình, quan hệ không sử dụng bao cao su, quan hệ với người nhiễm HIV/AIDS, sử dụng bơm kim tiêm chung...
PrEP giúp phòng ngừa lây nhiễm HIV trong cơ thể bằng cách ngăn cản sự phát triển chất xúc tác sinh học (enzim) là chất mà HIV dùng để tạo ra các bản sao virus mới. Nếu sử dụng đúng khuyến cáo, PrEP có thể giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm HIV tới 90% và hiện được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyên nên sử dụng với những trường hợp có nguy cơ lây nhiễm HIV cao.
Nguồn thuốc PrEP trong năm 2019 - 2020 sẽ được Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cấp phát miễn phí cho các khách hàng nhờ sự hỗ trợ của Kế hoạch Cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống HIV/AIDS (PEPFAR). Dự kiến từ nay đến cuối năm 2020, Đại học Y Hà Nội sẽ điều trị PrEP miễn phí trong vòng 12 tháng cho khoảng 1.500 đến 2.000 người.
Bệnh viện cũng sẽ tiến hành song song kế hoạch điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) cho tất cả các khách hàng có nhu cầu từ tháng 5 năm 2019.
Những bệnh nhân HIV/AIDS được khám, cấp thuốc ARV từ nguồn Quỹ Bảo hiểm Y tế. Ảnh: Dương Ngọc
Theo báo cáo của chương trình phối hợp Liên hợp quốc về HIV/AIDS, dù dịch HIV đã có xu hướng giảm nhưng vẫn có khoảng 2 triệu người phát hiện nhiễm HIV mới mỗi năm.
Tại Việt Nam, đến hết năm 2018, ước tính số người nhiễm HIV hiện còn sống là 250.000 người, trong đó hàng năm trung bình khoảng 10.000 người phát hiện nhiễm HIV mới.
Theo kết quả giám sát tại các tỉnh, thành phố, năm 2018 trong khi tỷ lệ nhiễm HIV ở hầu hết các nhóm có hành vi nguy cơ cao như người nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm có xu hướng giảm nhanh thì tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới lại tăng.
Cụ thể, trước đây tỷ lệ nhiễm HIV nhóm nghiện chích ma túy chiếm 29-30% thì nay giảm còn 9-10%, ở phụ nữ bán dâm cũng giảm từ 5% xuống 3,4%. Riêng tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ đồng giới tăng cao, từ 7,4% năm 2016 lên 11,4% năm 2018.
Theo ước tính, cả nước có khoảng 174.000 nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) trong độ tuổi 15-49 và riêng Hà Nội có tới hơn 30.000 MSM (chiếm khoảng 17,5% số MSM cả nước).
Với mục tiêu hướng tới không còn người nhiễm HIV năm 2030, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo bên cạnh các biện pháp can thiệp giúp giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV đối với những người nhiễm HIV, thì điều trị dự phòng trước phơi nhiễm là một biện pháp can thiệp có hiệu quả nhất để dự phòng lây nhiễm HIV cho nhóm nguy cơ cao như MSM, người chuyển giới nữ, người tiêm chích ma túy, vợ/chồng/bạn tình của người nhiễm HIV.
Hiện nay, dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm là một phần trong chiến lược dự phòng HIV toàn diện, bao gồm cả việc sử dụng bao cao su.
Năm 2016, PrEP được thí điểm đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Năm 2018, Bộ Y tế đã phê duyệt kế hoạch triển khai dự phòng trước phơi nhiễm HIV giai đoạn 2018-2020. Giai đoạn mở rộng PrEP 2018-2020, thuốc kháng HIV cho điều trị PrEP được cung cấp miễn phí. Đây là cơ hội và điều kiện thuận lợi để nhóm có nguy cơ cao được dễ dàng tiếp cận dịch vụ dự phòng với chi phí thấp và hiệu quả cao.
Trong giai đoạn mở rộng hiện nay, Cục Phòng, chống HIV/AIDS phối hợp với các dự án/tổ chức triển khai dịch vụ PrEP tại 11 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hải phòng, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tây Ninh và Tiền Giang với 43 cơ sở y tế tư nhân và nhà nước. Hiện nay, hơn 2.000 người sử dụng dịch vụ PrEP.
Hà Nội là đơn vi tiên phong triển khai thí điểm PrEP từ năm 2016. Phòng khám đa khoa số 3-Trung tâm Y tế Đống Đa là 1 trong 8 cơ sở y tế tại Hà Nội triển khai dịch vụ này trong năm 2019.