Dự phòng nguy cơ tim mạch ở người đái tháo đường

04-06-2020 14:30 | Y học 360
google news

SKĐS - Đái tháo đường là bệnh lý không lây nhiễm gây tử vong hàng đầu tại nước ta, bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe và thậm chí là tính mạng con người. Chúng là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm, trong đó tim mạch là biến chứng phổ biến và nguy hiểm hàng đầu hiện nay.

Chia sẻ tại Hội thảo khoa học trực tuyến “Từ ACC đến VNHA 2020” Cập nhật xu hướng đẩy lùi nổi bật và ứng dụng thực tiễn lâm sàng tại Việt Nam do Hội Tim mạch học Việt Nam phối hợp với Công ty Sanofi Việt Nam tổ chức vừa qua, TS.BS. Lâm Văn Hoàng - Tổng thư ký Hội Đái tháo đường & Nội tiết TP.HCM cho biết: “Đái tháo đường và Tăng huyết áp là hai bệnh lý không lây nhiễm chiếm tỉ lệ khá lớn và là gánh nặng của cá nhân gia đình và cả xã hội. 40 - 50% người bệnh bị đái tháo đường có kèm cả tăng huyết áp nên càng dễ dẫn đến nhiều biến chứng trên tim mạch.”

Hội thảo khoa học trực tuyến Từ ACC đến VNHA 2020” là năm thứ 6 hội thảo được tổ chức bởi Hội Tim mạch học Việt Nam phối hợp với công ty Sanofi Việt Nam nhằm cập nhật những xu hướng mới trong chữa trị tim mạch và ứng dụng thực tiễn lâm sàng tại Việt Nam.

Tại hội thảo, TS.BS. Lâm Văn Hoàng nhận định đái tháo đường và tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nguy cơ biến cố tim mạch cũng như biến chứng thận.

Bệnh đái tháo đường có nguy cơ cao dẫn đến các bệnh lý nghiêm trọng ảnh hưởng đến tim, mạch máu, mắt, thận, thần kinh và răng. Ngoài ra, những người bệnh đái tháo đường cũng có nguy cơ cao mắc các bệnh nhiễm khuẩn. Ở hầu hết các quốc gia có thu nhập cao, bệnh đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tim mạch, mù lòa, suy thận và cắt cụt chi dưới.

Theo TS.BS. Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết- Đái Tháo đường, Bệnh viện Bệnh Mai thì người bệnh đái tháo đường có nguy cơ cao bị các biến chứng tim mạch và tử vong do các biến chứng tim mạch như nhồi máu cơ tim hay suy tim.

Cũng trong khuôn khổ hội thảo, TS.BS. Nguyễn Quang Bảy có thông tin thêm về kiểm soát bệnh đái tháo đường trong đại dịch COVID-19: Nếu thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa thì đái tháo đường không phải là nguy cơ khiến người bệnh dễ mắc COVID-19. Tuy nhiên nếu người bệnh có bệnh nền là đái tháo đường chẳng may mắc COVID-19 thì dễ bị biến chứng nặng và nguy cơ tử vong sẽ cao hơn”.

Theo TS. BS Nguyễn Quang Bảy, trong tình hình dịch bệnh COVID-19, người  bệnh đái tháo đường và huyết áp nên tiếp tục duy trì điều trị, không nên tự ý thay đổi hoặc ngừng thuốc khi chưa có sự tham vấn của bác sỹ.

Có thể thấy, việc kiểm soát ngăn ngừa và dự phòng tim mạch ở người bệnh đái tháo đường và huyết áp là hết sức cần thiết. Theo những nghiên cứu mới nhất từ Hội nghị ACC ở Hoa Kỳ được cập nhật tại Hội thảo khoa học trực tuyến “Từ ACC đến VNHA 2020” vừa qua, việc quản lý cả 3 yếu tố tim mạch, huyết áp và đái tháo đường để phòng ngừa các biến chứng tim mạch và thận là xu hướng tất yếu.

Đối với người đái tháo đường, cần phải kiểm soát tốt đường huyết bằng thuốc theo phác đồ điều trị của bác sĩ bên cạnh duy trì lối sống lành mạnh. Đồng thời theo dõi các biến chứng tim mạch và thận để phát hiện và có biện pháp can thiệp kịp thời.

PGS.TS.BS. Châu Ngọc Hoa – Phó Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam chia sẻ về việc xử lý bệnh Tim mạch cho người bệnh đái tháo đường.

“Trong điều trị đái tháo đường có kèm bệnh tăng huyết áp, để phòng ngừa biến chứng tim mạch hay biến chứng thận, việc sử dụng thuốc nên dựa vào những bằng chứng y học đã được chứng minh để mang lại hiệu quả tốt và giảm biến cố tử vong cho người bệnh.”, PGS.TS.BS. Châu Ngọc Hoa – Phó Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam.

Nguồn thông tin:

(1) http://soyte.namdinh.gov.vn/home/hoat-dong-nganh/giao-duc-suc-khoe/bien-chung-tim-mach-do-dai-thao-duong-922

(2) http://daithaoduong.kcb.vn/bien-chung/


Ý kiến của bạn