Hà Nội

Dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS ở Khánh Hòa

30-10-2021 19:24 | Y tế
google news

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa đã nỗ lực thực hiện chức năng, nhiệm vụ chuyên môn được giao và đã đạt được một số kết quả khả quan. Củng cố tinh thần cho người nhiễm HIV/AIDS vững vàng, an tâm điều trị.

Nhiều chuyển biến tích cực

Việc thay đổi hành vi dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Tính đến ngày 30/9/2021, lũy tích số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện ở Khánh Hòa là 2.636 trường hợp. Lũy tích số người nhiễm HIV/AIDS đã tử vong đến 30/9/2021 là 1.285; 1.351 trường hợp đang còn sống và được quản lý tại các địa phương. Tỷ lệ người nhiễm HIV trong tỉnh chiếm 0,21% dân số (2.636 ca HIV/AIDS so với dân số 1.246.420).

Toàn tỉnh Khánh Hòa có 8/9 huyện, thị xã, thành phố (chiếm 86,3%) với 128/139 xã, phường có người nhiễm HIV/AIDS. Vậy nên công tác bao phủ thuốc ARV trong điều trị là mục tiêu quan trọng.

Để đảm bảo chất lượng số liệu giám sát phát hiện HIV, Khoa Phòng, chống HIV/AIDS (thuộc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa) đã triển khai rà soát số liệu người nhiễm HIV/AIDS và tử vong do AIDS, loại bỏ những trường hợp trùng lặp, bổ sung và cập nhật thông tin những trường hợp còn lại như mất dấu, chuyển đi, tử vong, những trường hợp không có thực tế. Đồng thời, những thông tin sau khi rà soát đã được cập nhật vào phần mềm HIV 3.1 và báo cáo Cục Phòng, chống HIV/AIDS theo quy định.

Dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS ở Khánh Hòa - Ảnh 1.

BS Tôn Thất Toàn khuyến cáo: Điều trị bằng thuốc ARV là giải pháp tốt trong điều trị HIV/AIDS

Việc thu thập, lập báo cáo, lưu trữ và phản hồi báo cáo được thực hiện đúng theo quy định tại Thông tư 09/2012/TT-BYT ngày 24/5/2012, Thông tư 37/2019/TT-BYT ngày 30/12/2019, Thông tư 03/2015/TT-BYT ngày 16/3/2015 của Bộ Y tế.

Trong các hoạt động trọng điểm thì việc điều trị dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS bằng thuốc ARV được triển khai tích cực, linh hoạt.

Khi uống thuốc, nồng độ thuốc ARV trong máu ngăn chặn không cho vi rút HIV xâm nhập và nếu vi rút có xâm nhập được vào cơ thể cũng không nhân lên trong cơ thể. Từ đó dự phòng được lây nhiễm HIV. Người sử dụng PrEP  nếu tuân thủ tốt theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc có thể làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV từ 96-99%.

Dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS ở Khánh Hòa - Ảnh 2.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa chuẩn bị thuốc cho người nhiễm HIV/AIDS

Theo hướng dẫn của ngành y tế, PrEP được sử dụng để dự phòng lây nhiễm HIV cho các nhóm nguy cơ như: Nam có quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Người chuyển giới nữ. Người bán dâm. Người tiêm chích ma túy. Bạn tình của người nhiễm HIV mà người nhiễm HIV đó chưa điều trị ARV hoặc điều trị ARV nhưng tải lượng HIV chưa đạt dưới ngưỡng phát hiện (cón ≥ 200 bản sao/ml máu)… Bỏ ảnh này

BS Tôn Thất Toàn, Phó GĐ Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa cho biết: PrEP được triển khai mạnh tại thành phố Nha Trang, Khánh Hòa từ cuối năm 2019. Đến nay đã mở rộng bao phủ đến các huyện/thành phố trong tỉnh này như: Cam Ranh, Ninh Hòa…Nhiều người nhiễm HIV tiếp cận điều trị bằng thuốc sức khỏe và đời sống đều ổn định. Phương pháp điều trị cũng như khả năng thích ứng với PrEP của các bệnh nhân đều cho kết quả khả quan. Chính vì thế, thuốc ngày càng được nhiều người lựa chọn. Độ bao phủ PrEP trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa ngày càng rộng. Hầu hết các nhóm yếu thế và người có nhu cầu đều được tư vấn, tiếp cận và sử dụng.

Nhiều bệnh nhân đang điều trị bằng PrEP chia sẻ: Để tiếp cận điều trị rất dễ dàng. Liên hệ ngay từ tuyến xã đã được hướng dẫn tận tình. Từ đó củng cố thêm niềm tin cho người bệnh.

Vì là thuốc kê đơn theo chỉ định của thầy thuốc nên hiện nay thuốc không bán tự do mà người có nhu cầu sử dụng PrEP cần phải đến các cơ sở cung cấp dịch vụ PrEP để được các bác sĩ khám, tư vấn, xét nghiệm, chỉ định điều trị và được, hướng dẫn sử dụng.

Quan hệ đồng giới nam-  nguy cơ cao nhiễm HIV/AIDS

Một trong những nhóm có nguy cơ cao lây nhiễm HIV/AIDS ở Khánh Hòa đó là quan hệ đồng giới nam. Từ đầu năm 2021 đến hết quý III/2021 đã ghi nhận trên 80 trường hợp quan hệ đồng giới giữa nam với nam dương tính với HIV/AIDS. Đáng lo ngại là số người nhiễm ngày càng trẻ hóa.

Nguyễn Duy C. (ở Nha Trang) bị nhiễm HIV do quan hệ đồng tính khi mới 20 tuổi bộc bạch, sợ nhất là gia đình buồn và xã hội kỳ thị nên khi biết bị nhiễm HIV, ban đầu không dám đi chữa trị cũng không dám cho bạn mình biết. Cứ để liều vậy cho đến khi diễn biến bệnh nặng thêm, được người thân động viên mới đi điều trị.

Nguyễn Văn Tr. ở Cam Ranh (Khánh Hòa) vừa phát hiện nhiễm HIV do quan hệ đồng tính cũng cho biết: Đồng giới cũng là bệnh. Vậy nên chúng tôi rất cần được cảm thông. Có người bị nhiễm khi còn là học sinh, sinh viên nên ảnh hưởng lớn đến học tập. Hiểu rõ tâm trạng của người cùng cảnh nên giờ khi biết ai bị như mình, chúng tôi đều tìm đến an ủi kịp thời. Cởi bỏ mặc cảm càng sớm, điều trị ngay từ đầu thì sẽ kiểm soát bệnh được tốt hơn, tránh tôi đa sự lây lan trong cộng đồng, người thân.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa thì kỹ năng truyền thông phòng, tránh nhiễm HIV trong người đồng giới được nâng cao, đổi mới liên tục. Thường xuyên có kế hoạch tiếp cận các nhóm, cặp đồng giới để kịp thời phát hiện người nhiễm HIV động viên, khích lệ họ đi xét nghiệm.

Bên cạnh đó các dịch vụ y tế trong điều trị HIV cũng không ngừng được nâng cao, thích ứng với hầu hết các nhóm đối tượng. Để ngăn ngừa sớm nhiễm HIV với người đồng giới là học sinh, sinh viên công tác phối hợp phổ biến kiến thức với các trường học cũng được thực hiện thường xuyên. Bất kể độ tuổi nào, khi có dấu hiệu nhiễm HIV hãy đến với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để nhận được tư vấn, phác đồ điều trị tốt nhất.

Các bậc phụ huynh, người thân khi có con em đồng giới nhiễm HIV nên động viên điều trị bằng thuốc ARV ngay từ đầu, xem người nhiễm là bệnh nhân đặc biệt để chăm sóc chu đáo.

Nỗ lực vì công tác phòng, chống HIV/AIDS

Trong những tháng cuối năm 2021, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa sẽ tiếp tục thực hiện công tác chỉ đạo tuyến đối với tuyến huyện, thị xã, thành phố. Giám sát hỗ trợ hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại các huyện, thị xã, thành phố trên toàn tỉnh.

Tiếp tục tăng cường, tranh thủ sự chỉ đạo công tác phòng chống HIV/AIDS của các cấp ủy đảng, chính quyền nhất là tại tuyến huyện và tuyến xã/phường. Chú trọng mạnh vào các hoạt động như: Hoạt động dự phòng và can thiệp giảm tác hại. Hoạt động xét nghiệm và giám sát dịch. Điều trị HIV/AIDS và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Thúc đẩy triển khai hiệu quả khám, chữa bệnh HIV/AIDS do BHYT chi trả. Tăng cường việc quản lý chất lượng điều trị HIV/AIDS, kiểm soát tải lượng vi rút. Đẩy mạnh điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP). Duy trì tốt phòng xét nghiệm khẳng định HIV tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật.

Theo dõi, giám sát chặt chẽ việc hỗ trợ việc triển khai điều trị viêm gan vi rút C trên người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan vi rút C do dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét tài trợ giai đoạn 2021-2023 được ban hành kèm theo Quyết định số 1207/QĐ-BYT ngày 09/02/2021 của Bộ Y tế theo chỉ đạo của Sở Y tế tại công văn số 1884/SYT-NVYT ngày 14/5/2021.

Tiếp tục thực hiện các hoạt động trong khuôn khổ dự án hỗ trợ kỹ thuật "Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS giai đoạn 2021-2023" ban hành kèm theo Quyết định số 402/QĐ-BYT ngày 20/01/2021 của Bộ Y tế.

Tiếp tục triển khai nghiên cứu SNaP (thực hiện chương trình can thiệp dựa trên bằng chứng về tư vấn và hỗ trợ chuyển gửi điều trị HIV cho người tiêm chích ma túy ở Việt Nam) tại 02 địa điểm nghiên cứu là Nha Trang và Cam Ranh theo  thỏa thuận  hợp tác số 05.05.2020/UNC-CDCKH đã ký giữa Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và Trường ĐH North Carolina (UNC) ngay 05/5/2020. Việc lồng ghép các hoạt động hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS cũng được thực hiện hiệu quả.

                                                                                              

 


Đ.H
Ý kiến của bạn