Dự phòng HIV bằng phương pháp y sinh mới, bước tiến vượt bậc mang lại hiệu quả phòng ngừa tới 99%

14-11-2024 16:48 | Dược
google news

SKĐS - Trong bốn thập kỷ kể từ khi HIV/AIDS được phát hiện, cuộc chiến chống lại đại dịch này đã chứng kiến những bước tiến vượt bậc trong y học. Trong đó, việc ứng dụng các phương pháp y sinh trong chiến lược dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) đã mang lại hy vọng cho hàng triệu người nhiễm và có nguy cơ nhiễm HIV trên toàn cầu.

Theo thống kê, Việt Nam đã ngăn ngừa gần 1,2 triệu người nhiễm HIV và 320.000 người tử vong do AIDS nhờ một loạt biện pháp quan trọng mà ngành y tế đã triển khai. Trong đó, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) cho người có hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV là "vũ khí" tối ưu, hạn chế lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Năm 2023, Việt Nam là quốc gia dẫn đầu châu Á - Thái Bình Dương trong chương trình PrEP.

Theo các nghiên cứu, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) bằng phương pháp y sinh có thể mang lại hiệu quả dự phòng tới 99% khi thuốc được sử dụng theo đúng chỉ định. Có những loại thuốc PrEP mới có tác dụng lâu dài, an toàn, được tiêm 2 hoặc thậm chí 6 tháng một lần.

Phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống đã có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Ramona Bhatia, Ban HIV/TB toàn cầu, CDC Hoa Kỳ về những thành tựu trong triển khai PrEP tại Việt Nam, cũng như những triển vọng, khó khăn và giải pháp trong việc áp dụng phương pháp y sinh, hướng tới sớm kết thúc dịch bệnh AIDS.

Dự phòng HIV bằng phương pháp y sinh mới, bước tiến vượt bậc mang lại hiệu quả phòng ngừa tới 99%- Ảnh 1.

Tiến sĩ Ramona Bhatia, Ban HIV/TB toàn cầu, CDC Atlanta

Phóng viên: Thưa bà, trong nhiều thập kỷ qua, cuộc chiến chống lại HIV/AIDS đã có những bước tiến vượt bậc. Các chiến lược và phương pháp mới đã được phát triển để kiểm soát, phòng ngừa HIV/AIDS, tiến tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Trong đó điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) là một biện pháp can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV một cách hữu hiệu. Bà đã có thời gian làm việc tại Việt Nam, vậy bà đánh giá như thế nào về công tác triển khai PrEP tại Việt Nam?

Tiến sĩ Ramona Bhatia, Ban HIV/TB toàn cầu, CDC Atlanta: Chương trình PrEP của Việt Nam là một trong những chương trình mạnh nhất trong khu vực. Hiện nay, đã có hàng ngàn người tham gia điều trị PrEP trên toàn quốc. Để có được sự thành công đó, không thể không nhắc tới vai trò của Cục Phòng chống HIV/AIDS.

Trước hết, chương trình PrEP tại Việt Nam đã huy động được sự hưởng ứng tham gia mạnh mẽ của cộng đồng. Việc sẵn sàng, nhanh chóng áp dụng các đổi mới của PrEP và hợp tác chặt chẽ với cộng đồng đã tăng khả năng tiếp cận những nhóm người có thể hưởng lợi nhiều nhất từ PrEP.

Ngoài ra, công tác truyền thông cũng được đẩy mạnh, Cục Phòng chống HIV/AIDS đã hợp tác chặt chẽ với cơ sở, đơn vị, các cán bộ y tế để họ có thể hiểu được tầm quan trọng của chương trình PrEP, giúp họ có kiến thức vững vàng trong việc thuyết phục khách hàng sử dụng PrEP cũng như cung cấp dịch vụ PrEP cho khách hàng.

Để đạt được mục tiêu quốc gia về kiểm soát HIV vào năm 2030, Cục Phòng chống HIV/AIDS đã ưu tiên chương trình PrEP như một chiến lược chủ chốt để mở rộng quy chương trình này một cách mạnh mẽ.

Cục Phòng chống HIV/AIDS cũng cam kết đa dạng hóa các loại hình điều trị PrEP khác nhau để tiếp cận và cung cấp dịch vụ cho đa dạng các đối tượng. Việc này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thu hẹp các khoảng trống trong chương trình PrEP, bao gồm vận động tiếp cận các loại thuốc PrEP mới vào Việt Nam, trong đó có các loạt thuốc có tác dụng kéo dài, mang lại hiệu quả cao được gọi là cabotegravir (CAB LA) và lenacapavir (LEN).

Phóng viên: Thưa bà, dự phòng HIV bằng các phương pháp y sinh học là như thế nào? Bà có thể cho biết về các kết quả trong triển khai PrEP cũng như các biện pháp dự phòng bằng phương pháp y sinh học khác hiện đang được triển khai trên toàn cầu đối với công tác dự phòng lây nhiễm HIV?

Tiến sĩ Ramona Bhatia: Dự phòng HIV bằng các phương pháp y sinh có nghĩa là sử dụng thuốc kháng virus để ngăn chặn lây truyền HIV. Phương pháp dự phòng y sinh là phương pháp hiệu quả nhất trong dự phòng lây truyền HIV.

Một phương pháp dự phòng y sinh nổi bật nhất là người nhiễm HIV dùng thuốc ARV để điều trị HIV, khi tải lượng virus của họ ở dưới ngưỡng phát hiện người nhiễm HIV sẽ không có khả năng lây truyền HIV sang người khác qua quan hệ tình dục (còn gọi là Không phát hiện = Không lây truyền hay K=K). Chiến lược y sinh này có hiệu quả 100% trong việc ngăn ngừa lây nhiễm HIV.

Dự phòng HIV bằng phương pháp y sinh mới, bước tiến vượt bậc mang lại hiệu quả phòng ngừa tới 99%- Ảnh 3.

Hiện nay, có những loại thuốc PrEP mới có tác dụng lâu dài, như thuốc tiêm CAB-LA và LEN được tiêm 2 hoặc thậm chí 6 tháng một lần – những loại thuốc này thậm chí còn hiệu quả hơn so với các loại thuốc bằng đường uống.

Còn PrEP hay điều trị dự phòng trước phơi nhiễm là một chiến lược phòng ngừa y sinh khác. Trong chiến lược này, PrEP sử dụng thuốc ARV cho người chưa nhiễm HIV, nhưng có nguy cơ cao nhiễm HIV, nhằm ngăn chặn virus xâm nhập và nhân lên trong cơ thể, nếu phơi nhiễm xảy ra. 

Phương pháp này có hiệu quả dự phòng lên đến 99% nếu thuốc được sử dụng theo đúng chỉ định. Hiện nay, có những loại thuốc PrEP mới có tác dụng kéo dài, như thuốc tiêm CAB-LA và LEN được tiêm 2 hoặc thậm chí 6 tháng một lần – những loại thuốc này thậm chí còn hiệu quả hơn so với các loại thuốc bằng đường uống, đồng thời an toàn cho người bệnh hơn.

Phóng viên: Bà có lời khuyên gì trong việc thực hiện các phương pháp mới này tại Việt Nam?

Tiến sĩ Ramona Bhatia: Trong cuộc chiến phòng chống HIV/AIDS, chương trình K=K và PrEP được nhận định là 2 chương trình tốt nhất. Việt Nam dẫn đầu toàn cầu về các chương trình K=K và PrEP. Hiện nay, nhiều nước khác cũng đang học hỏi Việt Nam về các chương trình này. Tôi được biết, Cục phòng chống HIV/AIDS cũng rất cởi mở và sẵn sàng tiếp nhận những sáng kiến, những loại thuốc mới này để triển khai, nhằm đem lại hiệu quả dự phòng HIV cao nhất.

Phóng viên: Thưa bà, mặc dù việc triển khai PrEP trên toàn cầu đang gia tăng với 3,5 triệu người sử dụng vào năm 2023, nhưng chỉ có 15% nhu cầu PrEP được đáp ứng. Đánh giá của bà thế nào về tỉ lệ trên? Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?

Tiến sĩ Ramona Bhatia: Cơ quan phòng, chống HIV/AIDS của Liên Hợp Quốc (UNAIDS) đã đặt mục tiêu toàn cầu đầy tham vọng là có 25 triệu người sử dụng PrEP vào năm 2025, nhưng trên thực tế vẫn chưa thực hiện được vì một số lý do:

Đầu tiên, mặc dù Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong việc giảm kỳ thị và phân biệt đối xử đối với các nhóm nguy cơ cao như nam quan hệ tình dục đồng giới, nhưng đây vẫn là một vấn đề mang tính toàn cầu. Điều này khiến những người trong cộng đồng LGBT chưa được tiếp cận với việc điều trị.

Thứ hai, không phải tất cả những người cần được sử dụng PrEP thì đều có kiến thức và thông tin về loại hình dịch vụ này. Một số nhân viên y tế và quan chức y tế công cộng thậm chí không hiểu rõ hoặc tán thành nó. Do đó, cần chú ý nhiều hơn đến việc nâng cao nhận thức và giáo dục về chương trình PrEP.

Thứ ba, có thể đối tượng nguy cơ không đủ khả năng chi trả cho PrEP. Đặc biệt, các loại thuốc tiêm PrEP mới có tác dụng kéo dài đang có giá rất cao.

Cuối cùng, các dịch vụ PrEP có thể không thuận tiện cho khách hàng, đặc biệt là người thích các mô hình phi truyền thống. Ví dụ, họ thích được nhận dịch vụ PrEP từ xa hơn là phải đến cơ sở y tế để tiếp nhận. Nhóm khách hàng trẻ tuổi rất cần sử dụng những dịch vụ phù hợp với nhu cầu, đa dạng hơn rất nhiều so với PrEP đơn thuần.

 Ví dụ, giới trẻ thường lựa chọn cho các mô hình cung cấp dịch vụ toàn diện về dự phòng và điều trị HIV hay còn gọi là một điểm đến đa dịch vụ (One stop shop - OSS). Việt Nam đã thành công trong việc nhân rộng mô hình này để đáp ứng nhu cầu của giới trẻ.

Dự phòng HIV bằng phương pháp y sinh mới, bước tiến vượt bậc mang lại hiệu quả phòng ngừa tới 99%- Ảnh 4.

Giới trẻ thường lựa chọn cho các mô hình cung cấp dịch vụ toàn diện về dự phòng và điều trị HIV hay còn gọi là một điểm đến đa dịch vụ (One stop shop - OSS)

Trên thế giới, vẫn đang kêu gọi có thêm nhiều loại thuốc PrEP khác nhau để khách hàng có thêm nhiều lựa chọn, đồng thời đa dạng hóa mô hình cung cấp dịch vụ PrEP. Chỉ có như vậy mới có thể làm tăng nhu cầu PrEp được đáp ứng trên toàn cầu.

Ngoài ra, một nguyên nhân khác nữa là có thể do thiếu các loại thuốc khác nhau để lựa chọn hoặc thiếu nguồn lực cung cấp dịch vụ, như thiếu cán bộ y tế, thiếu cơ sở cung cấp dịch vụ khiến cho lượng người tiếp cận PrEP còn thấp.

Phóng viên: Bà có đánh giá thế nào về hiệu quả của dự phòng HIV bằng phương pháp y sinh khi triển khai tại Việt Nam?

Tiến sĩ Ramona Bhatia: Hiện nay, Cục Phòng chống HIV/AIDS cũng đang cố gắng hỗ trợ và triển khai các mô hình PrEP đa dạng để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Trong đó có mô hình PrEP toàn diện OSS. 

Việc cung cấp dịch vụ toàn diện về dự phòng và điều trị HIV theo cách tiếp cận lấy khách hàng làm trung tâm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe thiết yếu, đa dạng và có liên quan với nhau của khách hàng, đặc biệt là những người trong nhóm nguy cơ lây nhiễm HIV cao như nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), người chuyển giới nữ…

Cục Phòng chống HIV/AIDS cũng cởi mở và tiếp nhận các sáng kiến mới về điều trị PrEP. Chính vì thế, Cục cũng rất muốn sớm triển khai được dịch vụ PrEP sử dụng các loại thuốc mới, bao gồm các loại thuốc bằng đường tiêm. Khi chúng ta triển khai thêm được các loại thuốc này, chúng ta sẽ đáp ứng được nhu cầu của nhiều khách hàng hơn, tiến gần hơn tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Phóng viên: Xin cảm ơn Tiến sĩ.

Dự phòng HIV trên toàn cầu bằng phương pháp y sinh mới đang mở ra nhiều triển vọng nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức. Chi phí cao và yêu cầu về cơ sở hạ tầng y tế để tiêm thuốc định kỳ là những rào cản chính cho việc triển khai rộng rãi, đặc biệt ở các nước đang phát triển.

Tại Việt Nam, việc triển khai tích hợp hiệu quả các phương pháp y sinh mới vào hệ thống y tế quốc gia là chìa khóa để đạt được mục tiêu 95-95- 95 và tiến tới chấm dứt dịch AIDS.

Cuộc cách mạng trong điều trị và dự phòng HIV/AIDS không chỉ là câu chuyện về khoa học và y học, mà còn là minh chứng cho sức mạnh của sự hợp tác toàn cầu và quyết tâm không ngừng nghỉ của cộng đồng quốc tế. Với những tiến bộ hiện tại và triển vọng trong tương lai, hy vọng về một thế giới mà HIV/AIDS không còn là mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Bộ Y tế bác bỏ thông tin sử dụng muối iod có nguy cơ mắc cường giáp và 1 số bệnh khác | SKĐS


P. Huyền
Ý kiến của bạn