Dự phòng chứng rối loạn tiểu tiện

10-02-2014 11:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Rối loạn tiểu tiện hay tiểu tiện liên tục là một dấu hiệu của nhiều bệnh, đặc biệt hay gặp ở người có tuổi.

Rối loạn tiểu tiện hay tiểu tiện liên tục là một dấu hiệu của nhiều bệnh, đặc biệt hay gặp ở người có tuổi.

Vì sao bị tiểu tiện liên tục?

Có rất nhiều nguyên nhân làm cho rối loạn tiểu tiện, đặc biệt là tiểu liên tục ở người cao tuổi (NCT). Hệ thống đường tiểu (hệ tiết niệu) bao gồm thận, bàng quang, niệu quản và lỗ đái. Bộ phận nào cũng có thể lâm bệnh, nhưng trong chứng tiểu tiện liên tục thì nên quan tâm đến bàng quang, vì nó là cơ quan chứa nước tiểu và có thể mắc một số bệnh khá rắc rối. Viêm bàng quang là một trong các căn nguyên gây nên tiểu tiện liên tục, bệnh có thể gặp ở cả nam và nữ nhưng nữ giới thường chiếm tỷ lệ cao hơn. Nguyên nhân thường do nhiễm khuẩn, hay gặp nhất là do vi khuẩn E.coli, cầu khuẩn (Staphylococcus), hiếm gặp hơn là do vi khuẩn lao (Mycobacterium). Với bàng quang còn có thể do viêm bàng quang kẽ gây nên hội chứng đau bàng quang, ngoài rối loạn tiểu tiện, tức vùng bụng dưới, mỗi lần đi tiểu đau, rát, thêm vào đó có thể gây rối loạn giấc ngủ, đau đầu, mệt mỏi. Nguyên nhân của viêm bàng quang kẽ cho đến nay chưa được xác định một cách chắc chắn, vì vậy, vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Ngoài ra còn gặp bệnh sa bàng quang cũng gây nên tiểu liên tục. Bệnh thường gặp do cơ sàn chậu hông và dây chằng bị yếu bởi sinh đẻ nhiều lúc đương thời (phụ nữ cao tuổi). Ở NCT thì phì đại tiền liệt tuyến, viêm tiền liệt tuyến hoặc ung thư tiền liệt tuyến là những bệnh gây nên tiểu tiện liên tục, tiểu són, mót tiểu cả ban ngày lẫn ban đêm. Tiểu tiện liên tục còn có thể do mắc chứng ngưng thở khi ngủ kéo dài (khoảng trên 30 giây), bệnh đái tháo đường, bệnh suy tuyến giáp. Đối với bệnh đái tháo đường, do lượng đường trong máu không được kiểm soát, tăng cao sẽ gây tổn thương đến hệ thần kinh, gây mất cảm giác, không điều khiển cơ bắp dẫn đến đi tiểu nhiều, són tiểu. Suy giáp nếu không được điều trị sẽ dần dần làm giảm chức năng tuyến giáp, ảnh hưởng trực tiếp đến chuyển hóa và gây ra nhiều biến chứng, trong đó có các loại bệnh về bàng quang gây rối loạn tiểu tiện (tiểu dắt, buốt, tiểu nhiều lần cả ngày và đêm). Một số tác giả cho rằng khi NCT tăng trọng lượng, nhất là có hiện tượng béo phì cũng có liên quan đến sức khỏe của bàng quang, bởi vì khi dư thừa trọng lượng cơ thể sẽ tác động lên cơ sàn chậu hông và lâu dần các cơ này bị suy yếu (đặc biệt là cơ bộ phận tiết niệu) làm rối loạn tiểu tiện.

Người cao tuổi tích cực đi bộ để tăng cường chức năng bài tiết của hệ tiết niệu.

Điều trị và dự phòng chứng tiểu tiện liên tục như thế nào?

Tiểu liên tục ở NCT là một chứng bệnh do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên, do đó, việc điều trị cũng gặp không mấy khó khăn. Vì vậy, khi mắc chứng tiểu tiện liên tục, cần đi khám bệnh ở các cơ sở y tế có đủ điều kiện để có cơ hội tìm ra nguyên nhân. Người bệnh không nên quá lo lắng và nên tuân theo chỉ định điều trị, tư vấn của bác sĩ. Nếu bệnh nhân đang dùng các thuốc như lợi tiểu, an thần... thì cần xin ý kiến của bác sĩ khám bệnh xem có nên giảm liều hoặc ngừng thuốc hay không. Đối với người tiểu tiện không tự chủ do không nhịn được khi chưa kịp vào nhà vệ sinh thì mỗi khi buồn tiểu, không nên ra nhà vệ sinh ngay mà cố gắng nhịn khoảng 5 phút rồi hãy đi. Lúc đầu có thể “tè” ra quần, nhưng sau đó bàng quang sẽ quen dần cho đến khi có thể chủ động đi tiểu được. Ngoài ra, cần vệ sinh bộ phận tiết niệu ngoài sạch hằng ngày, nhất là nữ giới, để tránh mắc bệnh viêm đường tiết niệu. Luyện tập cơ thể thường xuyên, đúng động tác, chọn phương pháp phù hợp với từng người là hết sức cần thiết, trong đó nên lưu ý phương pháp đi bộ vì không tốn kém, dễ thực hiện. Những người có điều kiện thì nên chọn cho mình chế độ dinh dưỡng hợp lý, hạn chế ăn tinh bột ngọt, mỡ động vật, tăng cường ăn rau, trái cây để tránh béo phì và tạo cho việc tiêu hóa tốt.

PGS.TS.TTƯT. Bùi Khắc Hậu

 


Ý kiến của bạn