Dự phòng cảm mạo, viêm đường hô hấp với cành lá bọ mẩy

08-03-2024 06:25 | Vị thuốc quanh ta

SKĐS - Cây bọ mẩy trong dân gian còn gọi là cây rau đắng, cây rau đốm, cây bọ nẹt. Cành lá bọ mẩy có thể làm rau ăn và làm thuốc phòng chống cảm mạo, chống ho trừ đờm.

Cảm mạo là một nhóm bệnh truyền nhiễm phát sinh ở cả bốn mùa trong năm nhưng thường gặp nhiều hơn vào hai mùa đông và xuân.

Theo Đông y, nguyên nhân gây nên cảm mạo thường có hai yếu tố: Một là chính khí (sức đề kháng) của cơ thể giảm sút; hai là các tà khí (mầm bệnh) như phong, hàn, thấp, thử… xâm nhập vào cơ thể mà sinh bệnh.

Đặc điểm và công dụng của cây bọ mẩy

Bọ mẩy là loại cây nhỏ, cao khoảng 1m. Tên khoa học là Clerodendron cyrtophyllum Turcz., họ Cỏ roi ngựa.

Cành tròn, lúc non có lông, khi già thì nhẵn. Lá mọc đối, hình mác, đầu nhọn, phía cuống cũng nhọn hay hơi tròn, hai mặt đều nhẵn, màu xanh lục thẫm, dài 5 - 13cm, rộng 3 - 7cm, gân nổi rõ ở mặt dưới, khi vò lá thấy có mùi hôi đặc trưng. Hoa màu trắng, hợp thành ngù, mọc ở đầu cành trên ngọn cây, nhị thò dài. Quả hạch, hình trứng, bọc trong đài.

Dự phòng cảm mạo, viêm đường hô hấp với cành lá bọ mẩy- Ảnh 1.

Cành lá bọ mẩy có thể làm rau ăn và làm thuốc.

Để làm thuốc thường thu hái lá kèm theo cành non của cây bọ mẩy, bỏ tạp chất rửa sạch, cắt đoạn ngắn, phơi hoặc sấy khô, bảo quản dùng dần. Một số trường hợp chữa bệnh còn sử dụng cả rễ bọ mẩy.

Theo Đông y: Cành và lá bọ mẩy có vị đắng, khí hàn; vào hai kinh Tâm và Vị. Có tác dụng thanh nhiệt, tả hỏa, giải độc, lương huyết (mát máu), tán ứ, chỉ huyết (cầm máu). Thường dùng chữa các chứng bệnh do "hỏa độc" gây nên như sốt cao phiền khát, cảm mạo, viêm gan cấp tính do nhiễm trùng, lỵ nhiễm khuẩn, viêm đường ruột cấp tính, viêm phổi, quai bị (viêm tuyến nước bọt), ho ra máu, chảy máu cam, mụn nhọt ngoài da.

Phòng cảm mạo, chống ho từ cành lá bọ mẩy

Dự phòng bệnh cúm, cảm mạo

Dùng bài: Lá bọ mẩy tươi 24g, sắc với 400ml nước, còn 200ml. Có thể sắc 2 nước, hợp 2 nước lại, chia 2 phần, uống trong ngày, uống liên tục trong 5 ngày.

Dự phòng cảm mạo, viêm đường hô hấp với cành lá bọ mẩy- Ảnh 2.

Lá nhót tươi kết hợp với cành lá bọ mẩy tươi, hạt củ cải hỗ trợ trị viêm phế quản mạn.

Chống ho, trừ đờm, hỗ trợ điều trị viêm phế quản mạn tính

Dùng bài: Cành lá bọ mẩy tươi 30g, lá nhót tươi 30g, hạt củ cải 15g. Các vị thuốc sắc với 750ml nước còn 250ml. Chia 2 phần, uống trong ngày.

Phòng và hỗ trợ điều trị viêm đường hô hấp trên

Dùng bài: Lá kèm cành non bọ mẩy 15 - 20g sắc với 400ml nước còn 200ml. Có thể sắc 2 nước, hợp 2 nước lại, chia 2 phần, uống trong ngày. Uống liền trong 7 ngày.

Kinh nghiệm dân gian thường dùng cành lá bọ mẩy sao vàng, sắc nước uống cho phụ nữ sau sinh giúp ăn ngon miệng và chóng lại sức. Rễ bọ mẩy có tính năng tương tự như cành lá, nhưng còn có thêm tác dụng trừ phong thấp và chống đau nhức.

Mời bạn xem thêm video

Những lợi ích sức khỏe không ngờ của dâu tây - SKĐS

Lương y Hoài Vũ
Ý kiến của bạn