Dự phòng các phản ứng không mong muốn do thuốc

22-09-2012 09:31 | Thông tin dược học
google news

Không có thuốc chữa bệnh nào thực sự an toàn cho người sử dụng. Tất cả mọi loại thuốc đều mang trong nó các dược chất. Các alcaloid khá xa lạ đối với cơ thể dù là thuốc đông dược hay những thuốc bán không cần đơn,

(SKDS) - Không có thuốc chữa bệnh nào thực sự an toàn cho người sử dụng. Tất cả mọi loại thuốc đều mang trong nó các dược chất. Các alcaloid khá xa lạ đối với cơ thể dù là thuốc đông dược hay những thuốc bán không cần đơn, đều có nguy cơ gây ra các phản ứng không mong muốn cho người sử dụng ở nhiều mức độ khác nhau.

Thế nào là phản ứng phụ?

Các phản ứng không mong muốn do thuốc (còn được gọi là phản ứng phụ do thuốc) được định nghĩa là những tổn thương hoặc đáp ứng ngoài ý muốn đối với một loại thuốc được dùng cho mục đích chữa bệnh, có thể dẫn đến việc phải thay đổi phác đồ điều trị, đòi hỏi nhập viện hoặc kéo dài thời gian nằm viện. Trong thực tế, các phản ứng thuốc có biểu hiện hết sức đa dạng và phức tạp, thường gặp nhất là những tác dụng phụ liên quan đến tính chất dược lý của thuốc, biểu hiện dị ứng, nhiễm độc và tương tác thuốc. Các phản ứng thuốc có thể xảy ra ngay cả khi thuốc được dùng đúng, nhưng cũng có thể gây ra do việc dùng thuốc sai với y lệnh hoặc do các lỗi của thuốc xảy ra trong quá trình sản xuất, vận chuyển, phân phối hoặc sử dụng.

Các phản ứng thuốc có thể nhẹ và thoáng qua, nhưng cũng có nhiều trường hợp nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng. Việc xác định tần suất các phản ứng phụ do thuốc trong thực tế rất khó khăn do những phản ứng này thường không được người bệnh nhận biết và ghi nhận. Ngay tại một quốc gia phát triển như Mỹ cũng chỉ có khoảng 1% số phản ứng phụ do thuốc được người bệnh ghi nhận và báo cáo với nhân viên y tế.

Một số phản ứng phụ do thuốc có thể phòng tránh được, trong khi một số loại khác thì không thể. Những tác dụng dược lý thứ phát có thể dự đoán trước của thuốc thường không thể phòng tránh được. Ví dụ, các thuốc cường bêta giao cảm được dùng trong điều trị hen phế quản thường gây biểu hiện run chân tay và nhịp tim nhanh, những tác dụng phụ này hoàn toàn có thể dự báo trước nhưng không thể phòng tránh được. Những phản ứng thuốc có thể phòng tránh hoặc giảm thiểu thường là những phản ứng gây ra do các sai sót trong việc sử dụng thuốc, từ việc ra y lệnh đến phân phối và thực hiện dùng thuốc.

 Dị ứng thuốc - một phản ứng không mong muốn do thuốc

Làm gì để dự phòng?

Các phản ứng dị ứng như sốc phản vệ, nổi ban đỏ, mày đay… chiếm khoảng 10% tổng số các phản ứng phụ do thuốc. Mặc dù khó có thể dự đoán trước nhưng những phản ứng này có thể được giảm thiểu nếu trước khi kê đơn, thầy thuốc lưu ý khai thác kỹ tiền sử dị ứng của người bệnh, tránh kê đơn những loại thuốc mà người bệnh đã từng bị dị ứng, những thuốc cùng nhóm hoặc có mẫn cảm chéo với những thuốc đã từng gây dị ứng cho người bệnh. Ví dụ, nếu có tiền sử bị dị ứng với thuốc penicillin, người bệnh cần tránh sử dụng không chỉ penicillin mà cả các kháng sinh khác cùng nhóm như amoxycillin, ampicillin, oxacillin… Những trường hợp nghi ngờ, cần tiến hành thử phản ứng trên da với thuốc trước khi sử dụng.

Nguy cơ nhiễm độc hoặc tương tác thuốc tăng lên rõ rệt khi dùng đồng thời nhiều loại thuốc, do đó, hạn chế tối đa số loại thuốc trong mỗi lần kê đơn là cần thiết để giảm thiểu các phản ứng phụ loại này, đặc biệt với những đối tượng bị suy giảm khả năng đào thải thuốc như người già, người mắc bệnh gan thận… Các thuốc có khả năng tương tác với nhau dẫn đến tăng nguy cơ độc tính cũng nên tránh được kê đơn đồng thời với nhau, ví dụ như tương tác giữa theophyllin với erythromycin hoặc ciprofloxacin.
 
Khi dùng thuốc cần lưu ý thực phẩm và đồ uống nếu được dùng đồng thời với các loại thuốc cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình hấp thu và chuyển hóa của thuốc, dẫn đến tăng độc tính của thuốc, ví dụ như nước ép của quả bưởi chùm có thể làm tăng hấp thu, dẫn đến tăng độc tính của các thuốc terfenadine và cyclosporine. Những trường hợp có suy giảm chức năng gan hoặc thận, cần hạn chế sử dụng những loại thuốc có đường đào thải chủ yếu qua những cơ quan đã bị suy giảm chức năng. Ví dụ, người bị suy thận cần tránh sử dụng các thuốc kháng sinh nhóm aminoglycoside như gentamycin, amikacin... Những người bệnh phải dùng thuốc kéo dài tại nhà để điều trị các bệnh mạn tính như tiểu đường, tăng huyết áp, cần báo cho thầy thuốc tên tất cả các loại thuốc mà mình đang sử dụng để tránh những tương tác thuốc nguy hiểm mỗi khi đi khám bệnh.
 
Phản ứng thuốc còn có thể liên quan đến các sai sót trong quá trình dùng thuốc do lỗi của hệ thống y tế hoặc chính bản thân người bệnh. Các nghiên cứu cho thấy rằng, đối với những sai sót dùng thuốc do trách nhiệm của hệ thống y tế hoặc các nhân viên y tế, việc tìm ra và giải quyết các lỗ hổng trong cả hệ thống tốt hơn nhiều so với việc qui trách nhiệm cho một cá nhân đơn lẻ cho mỗi sai sót xảy ra. Ghi nhận sai sót là khâu đầu tiên nhưng vô cùng cần thiết để có thể tìm hiểu, xác định nguyên nhân và sửa chữa các sai sót.
 
Đối với những sai sót do người bệnh vô tình hoặc cố ý dùng thuốc không đúng, cần được hướng dẫn và giải thích đầy đủ cho người bệnh và những người thân trong gia đình hoặc những người trực tiếp chăm sóc người bệnh về lý do sử dụng từng loại thuốc, thời điểm, thời gian và cách thức dùng từng loại, các phản ứng phụ có thể xảy ra, cách phát hiện và hành động cần thiết khi chúng xảy ra… Giáo dục để tăng cường ý thức của cộng đồng trong việc dùng thuốc đúng cũng đóng vai trò hết sức quan trọng góp phần hạn chế các sai sót trong việc dùng thuốc tại cộng đồng.      

BS. Nguyễn Hữu Trường


Ý kiến của bạn