Hà Nội

Dự phòng biến chứng Parkinson

19-10-2022 06:47 | Bệnh người cao tuổi
google news

SKĐS - Parkinson là một bệnh do thoái hóa hệ thần kinh gây ra. Đây là bệnh rối loạn thoái hóa tiến triển với biểu hiện rối loạn vận động bao gồm: run, chậm chạp, cứng đờ, rối loạn thăng bằng và kiếm soát cơ thể bệnh nhân.

Bệnh Parkinson thường gặp ở người cao tuổi và có xu hướng mắc bệnh tăng lên do tuổi thọ trung bình tăng lên. Các thống kê cho thấy Parkinson thường bắt đầu lúc đã trên 60 tuổi, tuy nhiên có khoảng 1/10 số bệnh nhân bị khởi bệnh trước 50 tuổi và rất hiếm khi có người khởi phát ở 30 tuổi.

Theo thông tin của Hiệp hội Bệnh Parkinson Hoa Kỳ, ước tính khoảng 10 đến 20% những người mắc Parkinson được chẩn đoán khi còn trẻ tuổi, tỷ lệ chiếm khoảng từ 6.000 đến 12.000 người dưới 50 tuổi ở Hoa Kỳ. Ở nước ta, tỷ lệ mắc Parkinson so với các bệnh thần kinh khác là khoảng 1,6%. Vì vậy việc phát hiện sớm ra bệnh để điều trị đúng nhằm dự phòng biến chứng là vô cùng quan trọng.

1. Dấu hiệu sớm của bệnh Parkinson

Khi mắc bệnh Parkinson ở giai đoạn sớm có thể biểu hiện hay gặp có thể là: mệt mỏi, đau cơ, vụng về khi thực hiện các động tác đơn giản trong sinh hoạt hằng ngày như đi tất, đi giầy, đi dép…. Người bệnh có thể bị rối loạn chữ viết, táo bón, giảm hoạt động một tay khi vận động, vã mồ hôi hoặc triệu chứng sớm là  run khi nghỉ không liên tục, kín đáo.

Ở giai đoạn điển hình người bệnh Parkinson có các biểu hiện như sau:

+Biểu hiện run: Người bệnh Parkinson sẽ có biểu hiện run khi nghỉ, thấy rõ ở đầu chi, môi, lưỡi. Biểu hiện run thường khu trú ở một bên cơ thể trong nhiều năm đầu, xuất hiện khá sớm, run nhẹ, run có thể tạm mất nhưng sau đó lại xuất hiện lại, khi ngủ hết run, nếu người bệnh xúc động biểu hiện run lại tăng. Trên thực tế, đa phần người bệnh run nhưng cũng có trường hợp hoàn toàn không run.

Dự phòng biến chứng Parkinson - Ảnh 1.

Người bệnh Parkinson còn đối mặt với nguy cơ ngã do mất thăng bằng

+ Biểu hiện cứng đơ: Biểu hiện căng cứng thường là triệu chứng sớm nhất và vô cùng quan trọng. Người bệnh thường khó quay cổ, xoay người, đang ngồi trên ghế đứng dậy, trở mình khi nằm trên giường. Các biểu hiện cứng đơ khiến người bệnh khó làm những cử động khéo léo của các ngón tay. Người bệnh Parkinson có nét mặt đờ đẫn, ít biểu lộ cảm xúc như người bình thường, dáng người đi hơi còng xuống.

+ Biểu hiện chậm vận động: Người bệnh Parkinson khó khởi động các cử động của mình, mọi việc đều làm rất chậm chạp. Biểu hiện giảm vận động ở các động tác thường ngày cài, mở khuy áo, xỏ giầy dép, cắt gọt trái cây. Chữ viết nhỏ dần và viết chậm.

+ Biểu hiện rối loạn giữ thăng bằng: Khi có biểu hiện này người bệnh sẽ ngồi xuống, đứng lên khỏi ghế khó khăn, nếu xoay trở dễ bị ngã và đi lại di chuyển cũng dễ bị té ngã.

Ngoài ra người bệnh còn có các biểu hiện rối loạn giấc ngủ, trầm cảm và lo âu, đau, mệt mỏi. Về sau có khó nuốt và rối loạn trí nhớ. Người bệnh Parkinson có biểu hiện rối loạn cương, rối loạn bàng quang cấp, hạ huyết áp tư thế và có thể sa sút trí tuệ ở giai đoạn nặng.

2.Biến chứng hay gặp ở người bệnh Parkinson

Parkinson là bệnh mạn tính có tiến triển nặng dần, người bệnh dễ gặp các tác dụng phụ không mong muốn của thuốc điều trị bệnh, người bệnh có thể gặp các biến chứng cụ thể như: Suy mòn, suy kiệt do chức năng đường ruột kém, bệnh nhân run nhiều mất năng lượng và có thể thiếu vitamin D nên dễ gây loãng xương do tình trạng ít vận động.

Người bệnh Parkinson còn đối mặt với nguy cơ ngã do mất thăng bằng, kết hợp với loãng xương vì vậy nguy cơ gãy xương cao, nhất là gãy cổ xương đùi. Có thể bị bội nhiễm phổi hoặc viêm phổi nhất là giai đoạn nặng do bệnh nhân suy mòn kết hợp co cứng cơ nên mất khả năng ho khạc.

3.Người bệnh cần làm gì để dự phòng biến chứng

Để dự phòng biến chứng, người bệnh phải tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không thay đổi thuốc, tự ý bỏ thuốc. Ngoài ra, người bệnh Parkinson cần thay đổi chế độ ăn uống trong đó ưu tiên các loại rau quả tươi, nhiều chất xơ để tránh tình trạng táo bón.

Do rối loạn vận động và run nên người bệnh Parkinson cần chú ý đến đi lại sinh hoạt, thay đổi tư thế từ từ, đặc biệt là khi đang nằm hoặc ngồi chuyển sang tư thế đứng, hoặc xoay người. Để tránh té ngã người bệnh nên tìm điểm vịn tay khi ngồi dậy như bám vào thành giường, thành ghế hoặc tay vịn cầu thang… để tránh tụt huyết áp đột ngột.

Để giảm co cứng người bệnh cần thường xuyên kiên trì tập vật lý trị liệu, tập luyện các cử động nhịp nhàng để duy trì sự hoạt động thể chất tạo ảnh hưởng tốt đối với tâm lý người bệnh, tránh căng thẳng dẫn tới mất ngủ.

Đối với vấn đề ăn uống, người bệnh cần ăn chậm, luôn luôn ăn miếng nhỏ và nhai thật kỹ rồi mới nuốt. Khi ngủ cần kê cao đầu để tránh bị nghẹn.

Việc giao tiếp thường ngày với người bệnh Parkinson cũng quan trọng nên cần tăng cường giao tiếp, tự tạo niềm vui trong công việc. Hằng ngày nên đọc sách, xem phim hài, nghe nhạc, trồng cây sẽ giúp người bệnh cải thiện tình trạng trầm cảm của mình.

Tóm lại: Parkinson là bệnh thường gặp ở người có tuổi, việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ và tái khám định kỳ là vô cùng quan trọng. Vì vậy, khi có biểu hiện người bệnh cần tới cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn điều trị, tránh những biến chứng trầm trọng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Các giai đoạn tiến triển của bệnh Parkinson:

- Ở giai đoạn 1: người bệnh có các dấu hiệu ở 1 bên cơ thể, bệnh nhân vẫn tự chủ trong các sinh hoạt.

- Ở giai đoạn 2: Người bệnh có các dấu hiệu ở hai bên nhưng không bị mất thăng bằng.

- Ở giai đoạn 3: Người bệnh có triệu chứng cả 2 bên cơ thể có mất thăng bằng nhưng bệnh nhân vẫn tự chủ được trong hoạt động tuy có bị hạn chế.

- Ở giai đoạn 4: Người bệnh bị suy giảm chức năng nặng nhưng vẫn có thể đi đứng được cần sự hỗ trợ một phần.

- Ở giai đoạn 5: Người bệnh phải ngồi xe lăn hoặc nằm tại giường, không còn tự chủ được.

 Mời độc giả xem thêm video: 

5 thói quen siêu đơn giản có thể giúp giảm nguy cơ ung thư




TS. BS. Ngô Thị Phượng
Ý kiến của bạn