Dự phòng bệnh lao cho trẻ có tiếp xúc với người bị lao

17-07-2019 18:40 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Theo Tổ chức Y tế Thế giới, lợi ích của việc sàng lọc đối tượng để chẩn đoán và điều trị lao tiềm ẩn là giảm tỷ lệ lao tiềm ẩn chuyển sang thể lao bệnh, ngăn chặn nguồn lây, khống chế bệnh lao và nguy cơ về tác dụng phụ của thuốc, biến chứng tử vong…

Trẻ em có tiếp xúc với người bị lao là một trong những đối tượng cần được điều trị dự phòng lao.

Trẻ em chịu nguy cơ đặc biệt từ lao

Bệnh lao ảnh hưởng chủ yếu đến phổi nhưng cũng có thể ảnh hưởng tới các bộ phận khác của cơ thể. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường chịu những tác động nặng nề do mắc các bệnh lao như lao màng não (gây mù, điếc, liệt hay tâm thần), mắc lao đa kháng thuốc (đòi hòi điều trị kéo dài, tốn kém với các tác dụng phụ do thuốc rất nặng) và cũng rất dễ tử vong.

Ít nhất một nửa triệu trẻ sơ sinh và trẻ em bị bệnh lao mỗi năm và khoảng 70.000 trẻ tử vong vì căn bệnh này. Trẻ dưới 3 tuổi và những trường hợp bị suy dinh dưỡng hay suy giảm hệ miễn dịch là những đối tượng dễ mắc lao nhất.

Vắc-xin phòng bệnh lao hiện nay nước ta đang sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng là vắc-xin BCG,  được khuyến cáo tiêm cho trẻ trong vòng 1 tháng sau sinh. Thực tế, với những trẻ sinh ra có đủ sức khỏe, phát triển ổn định, không nằm trong chế độ chăm sóc đặc biệt thì thường được tiêm phòng lao ngay ngày đầu tiên sau sinh. Tuy nhiên, vắc-xin BCG không tạo sự bảo vệ an toàn khi sử dụng ở trẻ em sống chung với HIV. Do đó, trẻ em đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi hay cơ địa suy giảm miễn dịch (suy dinh dưỡng, nhiễm HIV...) cần được tầm soát và điểu trị dự phòng bệnh lao khi có tiếp xúc với người bệnh lao. Việc dự phòng lao có thể giảm 70-80% khả năng bị bệnh lao cho trẻ.

Thăm khám phát hiện sớm bệnh lao cho bệnh nhi ở Trung tâm y tế huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai.

Thăm khám phát hiện sớm bệnh lao cho bệnh nhi ở Trung tâm y tế huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai.

Đối tượng trẻ được sàng lọc trước khi điều trị dự phòng lao

Trẻ từ 0-14 tuổi (đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi) tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây, tức là trẻ sống chung với cha mẹ, ông bà, người thân bị lao, ho khạc ra đàm có vi khuẩn lao (xét nghiệm đàm soi trực tiếp dương tính: AFB ) trong vòng 3 tháng gần đây.

Tất cả trẻ 0 - 12 tháng tuổi nhiễm HIV (hoặc có mẹ bị HIV) bị phơi nhiễm lao do tiếp xúc với thành viên trong gia đình mắc bệnh lao .

Tất cả trẻ trên 12 tháng tuổi nhiễm HIV, kể cả trẻ đã từng được điều trị lao

Các bước sàng lọc trước khi tiến hành điều trị dư phòng lao:

Việc sàng lọc phải được thực hiện bởi bác sĩ tại các cơ sở y tế

Bước 1: Tìm kiếm các dấu hiệu nghi mắc lao, dựa trên các dấu hiệu như: trẻ có ho hoặc thở khò khè? Có sốt? bị sụt cân? Đổ mồ hôi trộm về đêm? Có nổi hạch?

Bước 2: Đánh giá triệu chứng

Nếu trẻ có các triệu chứng nghi ngờ lao ở bước 1 sẽ được các bác sĩ thăm khám, theo dõi và làm thêm một số xét nghiệm để tìm nguyên nhân, chẩn đoán và cân nhắc điều trị bệnh lao. Nếu các triệu chứng trên đã được bác sĩ loại trừ không phải là bệnh lao, trẻ sẽ được tiếp tục chuyển sang bước tiếp theo.

Bước 3: Rà soát 3 chống chỉ định điều trị dự phòng lao bằng isoniazid ở trẻ: Phản ứng với isoniazid (đã từng bị sốt, phát ban hoặc viêm gan do điều trị bằng INH)? Viêm gan cấp tính hoặc mạn tính (vàng da, tăng men gan...). Bệnh thần kinh ngoại vi (cảm giác kim châm, tê bì, yếu hoặc có cảm giác đau bỏng rát ở các chi)?

Nếu không có chống chỉ định nào trong 3 trường hợp nêu trên, bắt đầu điều trị dự phòng lao cho trẻ.

Theo dõi và tuân thủ điều trị dự phòng lao bằng isoniazid

Trẻ em đã được sàng lọc và loại trừ bệnh lao sẽ được điều trị dự phòng lao liên tục trong vòng 6 tháng bằng thuốc kháng lao isoniazid uống mỗi ngày với liều lượng theo cân nặng. Trẻ có thể được bổ sung thêm vitamin B6 để giảm tác dụng phụ của thuốc isoniazid.

Trẻ điều trị dự phòng lao phải uống thuốc và tái khám theo hẹn  mỗi tháng trong vòng 6 tháng. Nếu quên cho bé uống thuốc thì phải báo ngay cho bác sĩ đang theo dõi. Theo dõi tác dụng phụ của thuốc trong suốt quá trình điều trị, tái khám ngay khi bé có các triệu chứng sau: Nôn, buồn nôn, đau bụng, vàng da, mệt mỏi không rõ nguyên nhân. Co giật, khó khăn trong diễn đạt, khó tập trung

Tái khám ngay khi trẻ có các triệu chứng nghi ngờ lao như nêu trên (sốt, ho, sụt cân...) trong suốt quá trình điều trị dự phòng lao.

Lời khuyên của thầy thuốc

Khi trẻ có tiếp xúc với người bệnh lao, hãy đưa trẻ đến khám và kiểm tra ngay tại các cơ sở y tế có chuyên khoa lao. Nếu trẻ mắc bệnh lao sẽ được điều trị theo phác đồ của Chương trình chống Lao quốc gia kịp thời. Nếu trẻ chưa bị bệnh lao và nằm trong nhóm đối tượng cần dự phòng lao, trẻ sẽ được theo dõi và điều trị dư phòng bằng isoniazid tại cơ sở y tế có chương trình dự phòng lao.


BS. Ngô Vi
Ý kiến của bạn