Du nhập lễ hội, nhiều điều cần suy ngẫm

10-09-2014 14:00 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Nước ta có hàng ngàn lễ hội truyền thống văn hóa lớn nhỏ diễn ra trên cả nước trong một năm.

Nước ta có hàng ngàn lễ hội truyền thống văn hóa lớn nhỏ diễn ra trên cả nước trong một năm. Dù vậy, thời buổi phát triển và hội nhập, trong đó có lĩnh vực văn hóa, không ít lễ hội từ nhiều quốc gia khác đã du nhập vào nước ta khiến bức tranh văn hóa trong đời sống có phần pha tạp, biến dạng.

Lễ hội từ xứ sở Mặt trời mọc và nỗi buồn Cosplay

Theo thống kê của Bộ VH-TT&DL, hiện cả nước có khoảng 10 lễ hội du nhập từ nước ngoài, chiếm 0,13% trong tổng số các loại lễ hội. Nhìn chung, các lễ hội du nhập thể hiện sự hội nhập mang tính tự nhiên và thú vị. Khi thế giới không có bức tường ngăn cách thì sự giao lưu, hòa nhập sẽ tạo nên sự phong phú cho đời sống văn hóa người Việt. Nhưng có phải sự du nhập và giao lưu nào cũng tốt?

Những hình ảnh như thế này chưa hẳn đã phù hợp với văn hóa Việt.

Những hình ảnh như thế này chưa hẳn đã phù hợp với văn hóa Việt.

Lễ hội Obon (có ý nghĩa tương tự như lễ Vu lan tại Việt Nam) được tổ chức hằng năm tại Nhật Bản để tưởng nhớ về tổ tiên và sum họp gia đình. Khi lễ hội này đến Hà Nội, người dân được chứng kiến nhiều hoạt động mang đậm màu sắc văn hóa Nhật Bản như: diễu hành và biểu diễn Bon Odori, Yosakoi và các điệu múa truyền thống khác của Nhật Bản; trình diễn võ thuật (kendo, aikido, judo...); lễ dâng lửa; con đường đèn lồng; trưng bày truyện tranh, thời trang Nhật Bản; game show về phim hoạt hình và văn hóa Nhật Bản...

Trong khi đó, lễ hội Genki cũng mang đến một không gian đậm đà bản sắc văn hóa Nhật Bản tại ngay tại Hà Nội. Lễ hội này luôn thu hút lượng lớn giới trẻ Việt tham gia. Tuy vậy, lượng “khán giả” của Genki cũng không thể cạnh tranh nổi với Fuji Matsuri (lễ hội Hoa Tử Đằng) là một trong những hoạt động thường niên của Nhật Bản nhằm tôn vinh vẻ đẹp của loài hoa tượng trưng cho tình yêu bất diệt này. Trong những năm gần đây, Fuji Matsuri cũng được tổ chức tại Việt Nam với mục đích giao lưu văn hóa giữa 2 nước. Trong khuôn khổ lễ hội, Cosplay (lễ hội hóa trang) cũng là tiết mục không thể bỏ qua.

Nhưng dịp gần đây nhất, cộng đồng trào lưu Cosplay đã bị mất điểm nặng nề bởi hành động tốc váy rất phản cảm của một Cosplayer nữ người Nhật tại một lễ hội Cosplay được tổ chức tại TP.HCM. Ngay sau khi những bức hình này được đăng tải, đã tạo ra một cuộc “khẩu chiến” trên internet với hai “chiến tuyến” ủng hộ và không ủng hộ. Dẫu sao, những hành động không phù hợp với văn hóa Việt ấy từ lễ hội của Nhật Bản cũng đáng để chúng ta suy ngẫm.

Đến hội ma quỷ, tình yêu, tạ ơn… xứ người

Thực tế, một số lễ hội hiện nay như Valentine, Noel, Halloween... đã được coi như một phần đời sống tinh thần của nhiều bạn trẻ. Tuy nhiên, tham gia các lễ hội này, không ít trường hợp chỉ là chạy theo xu hướng thời thượng.

Một kiểu lễ hội dành cho những người “ham vui” được du nhập từ nước ngoài chính là Halloween (lễ hội hóa trang). Vào dịp này, ở cuộc sống thực tại cũng như trên những trang mạng xã hội tràn ngập hình ảnh ma, quỷ; đi đến đâu cũng bắt gặp những hình ảnh rùng rợn, máu me...

“Quá đà” không kém là Lễ tình nhân 14/2, sau ngày lễ này thì khỏi phải bàn, hoa ngập tràn những... xe rác, đường phố. Tiếp đó là những ngày lễ từ lớn đến nhỏ cũng bắt đầu rầm rộ kéo về như Lễ tạ ơn, Ngày của mẹ, Ngày của cha... Trong khi đó, không ít bạn trẻ ở nước ta dường như quên mất ở ta cũng có những ngày lễ tương tự, những ngày lễ truyền thống vô cùng đặc sắc, chỉ khác chăng nó không được “gắn mác” nước ngoài. Chưa kể, một bộ phận không nhỏ trong giới trẻ hiện nay hoan hỉ đón Noel và Tết Tây, nhưng lại “trốn” Tết Nguyên đán vì cho rằng tết cổ truyền có nhiều thủ tục rườm rà khiến họ mệt mỏi.

Thay lời kết

Một bạn đọc tâm sự với người viết bài này: “Tôi đang ở nước ngoài, nhìn về quê hương, đã trở lại để tìm ký ức hay kỷ niệm, thật sự không tránh khỏi cảm giác hụt hẫng vì giới trẻ trong nước đã thay đổi quá nhanh. Mỗi quốc gia đều có lịch sử và văn hóa riêng, đôi khi khá giống nhau. Đúng là Việt Nam cũng có ngày lễ “ma”, đó là ngày rằm tháng bảy với lễ cúng cô hồn. Nhưng cách thức lại khác, còn ngày lễ Halloween ở phương Tây thì đã thay đổi khá nhiều so với ý nghĩa gốc của nó. Và dường như nó thích hợp với văn hóa của người phương Tây hơn là người phương Đông”.

Suy cho cùng, du nhập lễ hội đồng nghĩa với việc tiếp xúc nền văn hóa ngoại là điều khó tránh khỏi. Tuy vậy, chúng ta cũng nên tiếp biến văn hóa một cách có chọn lọc và đúng đắn.

Tùng Lâm

 


Ý kiến của bạn