Thị trường TPCN Việt Nam đang trở thành “miếng bánh” hấp dẫn với DN trong và ngoài nước. Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra giám sát, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều hàng giả, hàng kém chất lượng được quảng cáo “thổi phồng” về tính năng sản phẩm, thậm chí cả sản phẩm chứa chất cấm...
Xử phạt hàng tỷ đồng nhưng cứ kiểm tra là có sai phạm
Thời gian gần đây, qua công tác thanh kiểm tra, giám sát, lực lượng chức năng liên tục phát hiện nhiều vi phạm liên quan đến TPCN/ thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Theo số liệu của Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, đã phát hiện 99 cơ sở vi phạm về ATTP, với tổng số tiền phạt hơn 5,5 tỷ đồng. Cùng với xử phạt bằng tiền, Cục ATTP đã thu hồi 54 giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP, 8 giấy xác nhận nội dung quảng cáo và 7 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Đồng thời, buộc các cơ sở thu hồi và tiêu hủy nhiều lô sản phẩm vi phạm về chất lượng, tháo gỡ nội dung quảng cáo vi phạm...
Cơ quan chức năng kiểm tra sản phẩm thuốc, TPCN tại một quầy kinh doanh thuốc.
Mặc dù số tiền xử phạt các DN vi phạm trong lĩnh vực TPCN từ đầu năm đến nay lên đến hàng tỷ đồng nhưng nhiều cơ sở, cá nhân vẫn cố tình gian dối trong sản xuất, tuồn ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, thậm chí có hại, chứa chất cấm nguy hiểm tới sức khỏe con người.
Theo ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, bất kỳ TPCN nào khi đã công bố và được phép lưu thông trên thị trường là đảm bảo chất lượng, trừ sản phẩm bị làm giả. Do nhu cầu lớn nên không ít DN sản xuất vì lợi nhuận đã lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng cố tình sản xuất TPCN không đúng với tiêu chuẩn được công bố. Bên cạnh đó, một số DN nhỏ không đầu tư cơ sở vật chất, dây chuyền sản xuất nên sản phẩm làm ra cũng bị hạn chế về chất lượng.
Mặt khác, trong quá trình quản lý, Cục An toàn thực phẩm nhận thấy những vi phạm của DN khi sản xuất, kinh doanh TPCN như: quảng cáo sai sự thật, quảng cáo khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thẩm định nội dung, quảng cáo vi phạm các quy định cấm quảng cáo theo quy định của pháp luật. Sản xuất TPCN không đúng với chất lượng như bản đăng ký công bố sản phẩm; ghi nhãn sản phẩm chức năng không đúng với các quy định của pháp luật; sản xuất TPCN khi chưa đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; sản xuất TPCN ở nơi không có đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm.
Từ quá trình thanh, kiểm tra cũng như thông tin báo chí phản ánh, Cục An toàn thực phẩm đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng xử lý rất nhiều vụ việc vi phạm. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Phong cũng thẳng thắn cho hay, việc xử phạt các cơ sở vi phạm quảng cáo TPCN/ thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên các trang web, mạng xã hội đã được Cục An toàn thực phẩm đẩy mạnh song vẫn còn rất nhiều công ty vi phạm. Thậm chí, nhiều trang web quảng cáo sai phạm đã bị xử phạt, yêu cầu gỡ nội dung nhưng vẫn tiếp tục quảng cáo. Không chỉ quảng cáo qua mạng, website, nhiều công ty, cá nhân còn tổ chức tư vấn sản phẩm TPCN/thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua điện thoại. Trên thì họ ghi là dược sĩ, bác sĩ tư vấn nhưng thực tế qua thanh, kiểm tra nhiều người không có kiến thức gì về y khoa.
Thành lập 3 đoàn liên ngành thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc, TPCN...
Để quản lý tốt thị trường TPCN/ thực phẩm bảo vệ sức khỏe, từ tháng 11/2018 - 1/2019, Bộ Y tế thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành để thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc, mỹ phẩm, TPCN, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền tại 18 tỉnh, thành phố. Đồng thời, tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng đối với các mặt hàng trước, trong và sau dịp Tết Kỷ Hợi 2019. Cùng với việc đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, Chính phủ cũng như các bộ, ngành liên quan sẽ “siết” chặt cơ sở sản xuất TPCN/ thực phẩm bảo vệ sức khỏe bằng việc phải áp dụng thực hành sản xuất tốt GMP theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Theo đó, từ ngày 1/7/2019, các cơ sở sản xuất TPCN/ thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải đạt tiêu chuẩn GMP mới được tiếp tục sản xuất. ông Nguyễn Thanh Phong cho rằng, nếu áp dụng đúng theo các tiêu chuẩn GMP thì số lượng cơ sở đủ điều kiện chỉ còn khoảng 300/4.000 cơ sở trong cả nước như hiện nay. Những cơ sở không đạt tiêu chuẩn GMP, không được cấp chứng nhận GMP sẽ không được phép sản xuất.
Để đạt chứng chỉ GMP đối với sản xuất TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, các cơ sở sản xuất từ nhà xưởng, hệ thống thông khí đến hệ thống bảo vệ phải cách biệt với môi trường ô nhiễm. Đặc biệt, chủ doanh nghiệp hoặc cán bộ phụ trách của cơ sở sản xuất tối thiểu phải có bằng đại học trong lĩnh vực chuyên ngành phải có hệ thống hồ sơ sổ sách kiểm soát chặt nguyên liệu đầu vào, bán thành phẩm và thành phẩm.