Hà Nội

Dự Luật Phòng chống tác hại của rượu bia đang bị làm “yếu” đi

07-05-2019 07:36 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Trước thực trạng dồn dập các vụ tai nạn giao thông xảy ra gần đây do tài xế có uống rượu bia, các chuyên gia cho rằng, cần thiết phải ban hành Luật Phòng chống tác hại của rượu bia với những điều khoản đủ mạnh để giảm tác hại của rượu bia với con người. Tuy nhiên, hiện dự Luật này đang bị làm “yếu” đi với rất nhiều ý kiến trái chiều trong khi cuối tháng 5 này là thời điểm dự Luật sẽ được thông qua.

 

Tên dự Luật quá “kỳ lạ”!

Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Nguyễn Huy Quang cho rằng, ông chưa thấy cái tên dự Luật nào “kỳ lạ” như cái tên “Luật Phòng chống tác động có hại và kiểm soát rượu bia vì sức khỏe con người” đang được đưa ra để xin ý kiến đại biểu quốc hội.

Theo chuyên gia này, rõ ràng thực tế chứng minh rượu bia không chỉ gây hại về sức khỏe mà còn tác động đến hàng loạt các khía cạnh của đời sống xã hội như: tai nạn giao thông, bạo lực gia đình, bạo lực tình dục, gây rối trật tự công cộng và nhiều vấn đề khác. Tác hại của rượu bia lớn gấp nhiều lần so với lợi ích mà nó đem lại.

Cho nên quan điểm của Bộ Y tế là đề nghị giữ lại tên như cũ "Luật Phòng chống tác hại của rượu bia". Luật này quy định về các biện pháp phòng chống tác hại của rượu bia bao gồm: Kiểm soát giảm mức tiêu thụ rượu bia; Kiểm soát việc cung cấp rượu bia; Giảm tác hại của rượu bia và Bảo đảm nguồn lực để phòng chống tác hại của rượu bia.

 

Nhiều khoảng trống pháp luật

Trao đổi với báo chí chiều 6/5, ông Nguyễn Huy Quang cho biết, dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia đã được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu và hiện đang được tiếp tục hoàn thiện để trình Quốc hội cho ý kiến lần 2 trong kỳ họp lần thứ 7 của Quốc hội dự kiến vào tháng 5/2019. Tuy nhiên hiện nay dự Luật này vẫn còn rất “ngổn ngang” nhiều ý kiến trái chiều. Các điều luật đã “yếu” đi rất nhiều so với trước đó.

“Còn nhiều khoảng trống mà dự án Luật chưa điều chỉnh, đặc biệt là 3 biện pháp hiệu quả nhất mà Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo. Đó là: Kiểm soát sự sẵn có của rượu bia; Kiểm soát quảng cáo rượu bia và Chính sách thuế và giá. Nếu không quy định hoàn chỉnh các biện pháp theo khuyến cáo của WHO thì khó đạt được mục tiêu của Luật”- ông Quang nói.

Sau nhiều lần xin ý kiến, giới chuyên môn cho rằng dự Luật đang có nhiều khoảng trống pháp luật. Chẳng hạn như: không cấm quảng cáo khuyến mại đối với bia trên 15 độ, bia được điều chỉnh “nhẹ” hơn rượu. Không có quy định kiểm soát đối với khuyến mại rượu bia dưới 15 độ, đặc biệt là các hoạt động khuyến mại trực tiếp đến người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, điều khoản về kiểm soát quảng cáo rượu bia trên internet quá yếu, chỉ mang tính hình thức “quảng cáo trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, phương tiện điện tử, các thiết bị viễn thông khác phải có hệ thống công nghệ chặn lọc, phần mềm kiểm soát tuổi của người truy cập để ngăn ngừa người chưa đủ 1 tuổi tiếp cận, truy cập, tìm kiếm”. Trong khi đó, hiện có 89 quốc gia có quy định kiểm soát, trong đó 28 quốc gia cấm toàn bộ quảng cáo trên internet và mạng xã hội áp dụng với cả bia, rượu vang và rượu mạnh, điển hình như Na Uy, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Lào… để giảm tiếp cận của giới trẻ...

Rượu bia không phải loại đồ uống bình thường mà là loại đồ uống đã và đang gây ra các tổn hại to lớn cho bản thân người sử dụng cũng như toàn xã hội - ông Quang cho hay.

 

Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho rằng, cần tiếp tục kiên trì bảo vệ tên Luật Phòng chống tác hại của rượu bia. Cần giữ và tăng cường các quy định về quản lý quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu bia như Chính phủ đề xuất. Đồng thời, tăng cường các quy định hạn chế tính sẵn có của rượu bia, tăng địa điểm cấm bán, cấm uống. Bổ sung quy định liên quan đến nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Bổ sung các biện pháp nhằm kiểm soát các hoạt động kinh doanh rượu bia.

Đồng quan điểm, bà Vũ Thị Minh Hạnh – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế nhấn mạnh: Các quy định đưa ra trong Luật phải đủ mạnh mới có tác dụng kiểm soát, còn nếu không, Luật chỉ mang tính hình thức chứ không có tác dụng trong thực tế!

Cần thống nhất quy định nồng độ cồn với ô tô, xe máy: 30mg/dl

Rõ ràng, những tác hại của rượu bia gây ra tai nạn giao thông là không thể phủ nhận, nhất là khi liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm do lái xe uống rượu bia trong thời gian gần đây. Bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, rượu bia làm chậm phản ứng khoảng 10-30%; làm hạn chế khả năng phối hợp vài hoạt động trong cùng một lúc; hạn chế khả năng nhận biết các vật từ xa.

"Rượu bia khiến tầm nhìn ban đêm có thể giảm tới 25%. Điều này cũng phù hợp với nhận định của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia là thời gian từ 20h tối đến 0h đêm là thời điểm gây nhiều tai nạn giao thông nhất trong ngày. Người đi xe máy có nồng độ cồn 50mg/dl có nguy cơ tai nạn tăng gấp 40 lần so với người không uống"- chuyên gia Pháp chế thông tin.

Kinh nghiệm các nước cho thấy, kiểm soát rượu bia góp phần giảm số vụ TNGT. Ảnh minh họa.

 

Để giảm thiểu tai nạn giao thông do rượu bia gây ra, bà Trang cho rằng cần có hệ thống chính sách và pháp luật đầy đủ nhằm kiểm soát vấn đề lái xe uống rượu bia (Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, Luật phòng chống tác hại của rượu bia). Trong đó, thống nhất quy định nồng độ cồn đối với ô tô và xe máy là 30mg/dl. Hiện có 30 nước có quy định mức 30mg hoặc thấp hơn.

Cùng với đó là chế tài xử phạt nặng, có quốc gia đã truy tố hình sự các vụ tai nạn giao thông liên quan tới rượu bia. Bà Trang cũng kiến nghị nên nghiên cứu đưa hình thức phạt tù đối với lái xe có nồng độ cồn trong máu cao >80mg/dl. Bắt buộc lao động công ích, phạt nặng hành vi tái phạm.

Kinh nghiệm tại Thái Lan, sau khi có các luật kiểm soát rượu, bia đã góp phần giảm 50% số vụ tai nạn giao thông (75.000), tiết kiệm được hơn 6 tỷ đô la chi phí khắc phục hậu quả.

 

Theo bà Trang, nghiên cứu trên 100 người tử vong do TNGT có liên quan đến rượu bia (ĐH Y Hà Nội và BV Việt Đức 2007-2009) cho thấy:

- 59% trong độ tuổi 15-29
- 24% trong độ tuổi 30-34
- Nam giới 97%
- 82% nạn nhân có nồng độ cồn trong máu >50mg/100ml máu.

Đa số là tai nạn nghiêm trọng: 68% nạn nhân có thời gian sống dưới 30 phút sau tai nạn

Dương Hải
Ý kiến của bạn