Ngay sau khi phe thân cận của mình trở lại nắm quyền, cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra đang sống lưu vong đã tăng cường các hoạt động ở nước ngoài, tạo nên sự chú ý của công luận. Theo giới phân tích, điều này có thể bị coi là một thái độ khiêu khích, đe dọa tương lai của tân Chính phủ Thái Lan do chính em gái ông - bà Yingluck làm Thủ tướng.
Chuyến viếng thăm Nhật Bản của ông Thaksin được báo chí đưa tin rầm rộ. |
Ông Thitinan Pongsudhirak, chuyên gia phân tích chính trị tại Đại học Chulalongkorn Bangkok nhận định, Thaksin cảm thấy được miễn tội bởi kết quả cuộc bỏ phiếu ngày 3/7, mà đảng Puea Thai thực tế do ông ta lãnh đạo từ nơi lưu vong đã giành được thắng lợi áp đảo. Ông ta nghĩ rằng đó chính là sự tái đắc cử của mình. Còn ông Pavin Chachavalopongpun, thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore thì nhấn mạnh, Thaksin muốn chứng minh rằng chính ông ta là Thủ tướng trên thực tế. Chuyên gia này cho rằng, nếu nhà tỷ phú Thaksin tỏ ra kín đáo vài tháng nữa thì điều này có thể giúp trấn an những đối thủ chính trị của ông ta tại Thái Lan, vốn đã rất lo ngại về việc bà Yingluck lên nắm quyền. Thế nhưng, cựu Thủ tướng Thái Lan đã hành động quá vội vã và giới trí thức, trung lưu tại Bangkok cảm thấy như bị một cú tát tai.
Từ 5 năm qua, Thái Lan đã trải qua nhiều cuộc biểu tình của hai phe phái chống đối nhau quyết liệt, phản ánh sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội. Một bên là phe áo Đỏ, tập hợp đông đảo dân nghèo các tỉnh, nhất là ở phía Bắc và Tây Bắc. Nhiều người trong số họ coi ông Thaksin là một anh hùng. Còn bên kia, được gọi là phe áo Vàng, là tầng lớp trí thức trung lưu, thân Hoàng gia, quan chức cao cấp trong chính quyền, quân đội có thái độ không đội trời chung với cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra.
Ông Thaksin và phe đồng minh đã giành được thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử năm 2001. Thế nhưng, đến năm 2006, quân đội thực hiện một cuộc đảo chính không đổ máu, lật đổ Thủ tướng Thái Lan. Trong năm 2008, phe thân cận Thaksin đã hai lần bị loại khỏi vai trò lãnh đạo đất nước, theo quyết định của tư pháp, sau những cuộc biểu tình rầm rộ và quyết liệt của phe áo Vàng. Tình trạng này có nguy cơ tái diễn, bởi vì, theo chuyên gia Thitinan, các hoạt động của cựu Thủ tướng Thaksin ở nước ngoài mang tính khiêu khích và không khôn khéo, gây khó khăn cho em gái ông.
Sau khi đòi giải thể đảng Puea Thai, đảng Dân chủ, nòng cốt của phe đối lập có được sự ủng hộ của giới trí thức trung lưu đã nhân sự kiện ông Thaksin sang Nhật Bản đệ đơn kiện tân Ngoại trưởng Thái Lan với cáo buộc là đã giúp đỡ bất hợp pháp một kẻ chạy trốn pháp luật. Chính vì thế, giới phân tích lo ngại là các chuyến viếng thăm ngoại giao khác của ông Thaksin được báo chí đưa tin rầm rộ sẽ tạo áp lực ngày càng mạnh đối với Chính phủ của bà Yingluck vừa mới nhậm chức ngày 8/8.
Nhà nghiên cứu Paul Chambers thuộc Đại học Payap Chiang Mai nhận định, các chính trị gia, các thành viên xã hội dân sự và tầng lớp trí thức trung lưu chống Thaksin đang vận động để tập hợp công luận chống lại Chính phủ của bà Yingluck. Kết quả có thể là sự tái xuất hiện các cuộc biểu tình chống Thaksin trên đường phố và tái diễn tình trạng năm 2008. Mặt khác, chuyên gia này lý giải là kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy các đồng minh của ông Thaksin không bao giờ nắm giữ quyền lực được lâu, do vậy, ông ta phải nhanh chóng hành động.
Trong những ngày qua, báo chí Thái Lan đã nêu ra khả năng sửa đổi Hiến pháp 2007 do giới quân sự ban hành, cho phép ông Thaksin hồi hương. Về việc này, ông Chambers dự báo, nếu Hiến pháp bị sửa đổi nhiều và ông Thaksin thực sự quay lại thì những thay đổi này sẽ diễn ra trong bối cảnh có các cuộc biểu tình chống Thaksin và sự tức giận trong hàng ngũ quân đội. Kể từ khi Thái Lan xóa bỏ chế độ quân chủ chuyên chế vào năm 1932, quân đội nước này đã thực hiện hoặc âm mưu tiến hành 18 cuộc đảo chính.
SONG MINH
(Theo Bangkok Post, AFP)