Theo một số nghiên cứu, phải mất tới 1 tỷ USD mới có thể khôi phục 1 ha đất nhiễm chất độc Dioxin ở Việt Nam. 11 làng hữu nghị chăm sóc nạn nhân da cam là trẻ em ở Việt Nam hiện tại được cho là quá ít so với con số cần thiết phải lên tới 1.000. 4,8 triệu nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam đã và đang tiếp tục hành trình đi tìm công lý...
Hạ nghị sĩ Mỹ Eni Faleomavanega. |
"Hình ảnh những nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam khiến tôi vô cùng xúc động và chúng thôi thúc tôi viết cuốn sách Chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Đó là tâm sự của nhà nhiếp ảnh Nhật Bản Goro - Nakamura bên lề cuộc hội thảo chất độc da cam dioxin tại Đại học Keai (Nhật Bản). Bước chân của một phóng viên ảnh đã đưa ông tới Việt Nam, tận mắt chứng kiến những nỗi đau vò xé của những nạn nhân da cam. "Nơi tôi đặt bước chân đầu tiên là rừng Cà Mau - mảnh đất vùng cực Nam Việt Nam. Đó là một sáng mưa tháng 6/1976. Khi con thuyền nhỏ lặng lẽ tiến vào rừng Cà Mau, trước mắt tôi màu sắc chiến tranh vẫn đang bao phủ. Giờ khắc đó, rừng Cà Mau không còn tiếng súng, tiếng bom, Chim không hót, lá không xào xạc. Mưa cũng đã tạnh, song tôi cảm thấy mảnh đất này sự sống vẫn chưa thể trở dậy sau một năm kết thúc chiến tranh...".
19 năm gắn bó với Việt Nam, cũng là chừng ấy năm trăn trở, làm sao để thế giới biết đến nỗi đau ấy và làm sao để đòi lại công lý cho những nạn nhân Việt Nam vô tội. Đây cũng là chủ đề xuyên suốt trong các triển lãm của ông về Việt Nam với hy vọng sẽ làm cho Chính phủ và người dân Mỹ một lần nữa nhìn nhận hình ảnh đa chiều về cuộc chiến tranh tại Việt Nam, từ đó có trách nhiệm đối với các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam...
Tiếp tục chặng đường đòi công lý
Hơn 40 năm đã trôi qua nhưng số phận của những nạn nhân chất độc da cam Việt Nam tiếp tục là nỗi đau đè nặng lương tri nhân loại. Ngay đối với chính những cựu chiến binh Mỹ, việc sử dụng chất độc da cam/dioxin khiến nhiều người dân Việt Nam chết chóc và đau khổ vẫn là nỗi ám ảnh khôn nguôi. Hạ nghị sĩ Mỹ Eni Faleomavanega - một cựu chiến binh tham chiến tại Việt Nam từ năm 1967 - 1968 là một ví dụ. Ông cho biết cuộc chiến tranh Việt Nam là điều tồi tệ nhất mà ông từng chứng kiến. Điều đó khiến ông và nhiều cựu chiến binh Mỹ đứng lên tổ chức phiên điều trần thứ 2 về chất độc da cam do quân đội Mỹ sử dụng trong cuộc chiến tranh Việt Nam hồi tháng 6/2009. "Tôi cho rằng đây là một trang đen tối trong lịch sử của chúng tôi. Ở Mỹ chúng tôi chưa giải quyết vấn đề ảnh hưởng chất độc da cam đối với con người một cách thỏa đáng, không chỉ người dân Việt Nam mà còn nhiều binh sĩ của chúng tôi - những người bị phơi nhiễm chất độc da cam. Tôi đã tận mắt chứng kiến hậu quả của chất độc da cam ảnh hưởng như thế nào với người dân Việt Nam".
Tác phẩm của nghệ sĩ Goro - Nakamura về các nạn nhân da cam Việt Nam. |
Cuộc chiến đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đang tiếp tục. Cho dù giới chức Mỹ, Tòa án Tối cao Mỹ nhiều lần bác đơn của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, không tôn trọng công bằng và công lý đối với các nạn nhân Việt Nam, nhưng Tòa án Lương tâm Nhân dân quốc tế, dư luận quốc tế vẫn đang sát cánh cùng Việt Nam. Bà Merle Ratner, đồng điều phối viên của tổ chức Chiến dịch giảm nhẹ nỗi đau và trách nhiệm đối với các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam tuyên bố: "Với tư cách một công dân Mỹ, tôi phẫn nộ trước việc Tòa án Tối cao Mỹ phủ nhận công lý đối với các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh, dọn sạch những "điểm nóng da cam" ở Việt Nam". Ông Paul Cox, một cựu chiến binh Mỹ cho biết ông cùng các đồng nghiệp sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân Việt Nam.
Việc dư luận quốc tế, trong đó có dư luận Mỹ lên tiếng kêu gọi Chính phủ Mỹ sửa chữa những sai lầm đã gây ra cho đất nước con người Việt Nam trong vấn đề chất độc da cam/dioxin phản ánh một thực tế: Nhân loại đang đứng về phía các nạn nhân da cam Việt Nam. Đây là nguồn động viên tinh thần vô cùng quý báu để các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tiếp tục đòi công lý.
Nhật Quang (Tổng hợp)