Ngày 29/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo, nước này cắt đứt mối quan hệ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Phát biểu trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump cho biết, quyết định trên được đưa ra sau khi WHO không thực hiện những cải cách mà Mỹ đã yêu cầu. “ Hôm nay chúng tôi sẽ chấm dứt mối quan hệ với Tổ chức này và chuyển các khoản tiền đóng góp sang cho các tổ chức y tế khẩn cấp trên toàn cầu xứng đáng hơn”, Người đứng đầu nước Mỹ cho biết.
Đầu tháng 5/2020, Tổng thống Trump đã gửi một lá thư tới tổ chức này yêu cầu họ thực hiện "những cải tiến đáng kể" và cáo buộc về "sự thiếu độc lập đáng báo động" từ Trung Quốc. Quyết định cắt đứt quan hệ với WHO của Mỹ diễn ra khi thời hạn 30 ngày mà nhà lãnh đạo Mỹ đưa ra cho WHO cải cách chưa kết thúc. Trước đó, trong bức thư dài 4 trang đề ngày 18/5 gửi Tổng giám đốc WHO, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố WHO có 30 ngày để “sửa sai”, nếu không Mỹ sẽ vĩnh viễn cắt nguồn tài trợ và xem xét lại việc tham gia tổ chức này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump
Theo Tổng thống Trump, Mỹ đóng góp khoảng 450 triệu USD mỗi năm cho tổ chức này và là nhà tài trợ lớn nhất cho WHO, trong khi Trung Quốc góp khoảng 40 triệu USD.
Hiện vẫn chưa rõ khi nào quyết định cắt đứt quan hệ với WHO của Mỹ có hiệu lực. Theo Nghị quyết năm 1948 của Quốc hội Mỹ về tư cách thành viên WHO cho biết, Mỹ “có quyền rút khỏi tổ chức nếu thông báo trước một năm”. Và Mỹ là thành viên duy nhất có thể rút khỏi WHO một cách hợp pháp - đặc quyền mà Washington đã yêu cầu khi gia nhập tổ chức.
Các chuyên gia y tế toàn cầu cho biết, lựa chọn của tổng thống rời khỏi cơ quan hàng đầu về y tế toàn cầu giữa cơn đại dịch là một quyết định nguy hiểm. TS Howard Koh , cựu chuyên gia y tế của chính quyền Cựu Tổng thống Obama và hiện là Giáo sư tại Harvard cho rằng: "Quyết định này có thể sẽ khiến cuộc sống của người Mỹ gặp nguy hiểm" .
Thượng nghị sĩ Lamar Alexander Chủ tịch Ủy ban Y tế, Giáo dục, Lao động và Trợ cấp Thượng viện, nói trong một tuyên bố: "Tôi không đồng ý với quyết định của tổng thống", "Việc rút tư cách thành viên của Mỹ có thể gây trở ngại cho các hoạt động thử nghiệm lâm sàng phát triển của vắc-xin, mà công dân Mỹ cũng như các nước khác trên thế giới đều cần để chặn đứng dịch bệnh”.
TS Tom Friden , cựu giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ thì lưu ý: "Mỹ đã giúp tạo ra Tổ chức Y tế Thế giới và Mỹ lại đang quay lưng lại với tổ chức này, đồng nghĩa với việc chúng ta quay lưng lại với thế giới. Điều đó làm cho chúng ta và thế giới đều mất an toàn”. "Mọi quốc gia trên thế giới đều có quyền phủ quyết tại WHO - ngoại trừ Mỹ."