Hà Nội

Dư luận đồng hành cùng bác sĩ Lương…

28-06-2017 14:42 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Kể từ khi có thông tin chính thức bắt tạm giam BS. Hoàng Công Lương, BVĐK tỉnh Hòa Bình thì cũng là lúc xuất hiện một “làn sóng” dư luận khá mạnh mẽ. Đó không chỉ là tiếng nói của những người trong ngành y mà còn là đông đảo người dân muốn đồng hành cùng bác sĩ Lương với hi vọng công lý sẽ được thực thi.

Báo Sức khỏe&Đời sống đã kịp thời vào cuộc thông tin chân thực, khách quan với nhiều bài viết xung quanh vụ việc này như: Bác sĩ Lương không có tội?; Những uẩn khúc vụ BS. Lương bị bắt do liên quan đến sự cố y khoa ở Hòa Bình; Vụ BS. Lương bị bắt: Hội Hồi sức – Cấp cứu gửi đơn kiến nghị lên Bộ Công an; ĐBQH Nguyễn Anh Trí: Nên cho BS. Lương tại ngoại để điều tra Ngay lập tức, rất nhiều bạn đọc khắp nơi đã bày tỏ sự đồng tình và ủng hộ mạnh mẽ, hàng nghìn lượt Like và Share trên mạng internet sau khi đọc những bài viết này.

TS.BS Lương Quốc Chính, Khoa Cấp cứu A9, BV Bạch Mai:

Những ngày qua, tôi cũng nhận thấy đồng nghiệp trên cả nước, đặc biệt là Hội Hồi sức - Cấp cứu và Chống độc Việt Nam, truyền thông nước nhà... đang lên tiếng bảo vệ bác sĩ Lương là những tín hiệu đáng mừng. Tiếng nói của đồng nghiệp và truyền thông đã tới được những nơi cần đến mà quan trọng nhất là Bộ Công an - nơi nắm bắt đầy đủ chứng cứ để có thể khởi tố vụ án và bắt tạm giam bác sĩ Lương.



Theo tôi, vụ án nào cũng đều có đầy đủ chứng cứ để khởi tố và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị can, chỉ có điều các chứng cứ này chưa được thông tin tới mọi người một cách đầy đủ nhất vì nhiều lý do. Bên cạnh đó, cũng sẽ có rất nhiều tình tiết giảm nhẹ giúp cho bị can được giảm tội nếu có, một trong những tình tiết giảm nhẹ trong vụ án sự cố chạy thận nhân tạo xảy ra tại BVĐK tỉnh Hòa Bình chính là sự ủng hộ của dư luận, của truyền thông và đặc biệt là các Hội nghề nghiệp.

Bộ Y tế là cơ quan quản lý nhà nước, mọi phát ngôn chính thức phải dựa trên chứng cứ đầy đủ. Theo tôi biết, hiện nay vụ án vẫn đang trong quá trình điều tra làm rõ, chưa được xét xử tại Tòa án... do vậy Bộ Y tế không có cơ sở nào để đưa ra phát ngôn chính thức sao cho khách quan nhất, có chăng chỉ hỗ trợ công an, Viện Kiểm sát và Tòa án các tài liệu chuyên môn liên quan tới vụ việc.

Lúc này, điều thiết thực nhất để giúp bác sĩ Lương được giảm tội, thậm chí trắng án chính là cần tìm được các Luật sư giỏi. Giúp bác sĩ Lương không phải là việc chửi bới hoặc gây áp lực một cách hết sức tiêu cực tới cá nhân này, cá nhân kia, cơ quan này, tổ chức kia. Đừng "mang xăng đi dập lửa". Chúng ta cần phải bình tĩnh thì mới hi vọng có được giải pháp tối ưu nhằm giúp đỡ bác sĩ Lương - người bác sĩ của nhân dân.

Nhà viết kịch Lê Quý Hiền: NÊN LẬP TỨC CHO TẠI NGOẠI BS. LƯƠNG VÀ CÁN BỘ PHÒNG VẬT TƯ SƠN Ở HÒA BÌNH bởi lẽ:

Thứ nhất là hai người này vô tội, hoặc dù chưa biết có tội hay không thì họ cũng không bao giờ trốn và không thể làm gì để thay đổi chứng cứ, hiện trường. Đã có kết luận nguyên nhân gây tử vong 8 bệnh nhân là do nước chạy thận thì nên xử lý bên làm nước bị nhiễm độc, người "bán cái" ký với BV chuyện bảo dưỡng máy lại ký với bên khác và cả người ở BV có trách nhiệm ký tá hợp đồng và nghiệm thu việc sửa máy.

"Bệnh nhân đang cần nhân viên y tế. Bác sĩ Lương và cán bộ Sơn biết máy sửa xong trên thực tế thì làm luôn, nếu chần chừ không làm ngay mà chờ đến khi có biên bản nói máy sửa xong, bệnh nhân không kịp chạy thận, "lăn ra" chết mới đáng bị truy tố. Nên khen thưởng xứng đáng 2 người này cùng ekip làm việc hôm đó vì lúc đó không phải chỉ có 8 bệnh nhân chạy thận mà là 18 người. Tai nạn do người khác gây nên nhưng các y bác sĩ và ekip đã kịp thời xử lý ban đầu để đưa về BV Bạch Mai cứu được 10 bệnh nhân còn lại"- ông Hiền nói.

Độc giả Vu Van Nhan bày tỏ quan điểm: “Đây là một tai nạn trong điều trị lần đầu tiên xảy ra ở nước ta mà hậu quả là rất đau đớn. Xin thành thật chia buồn với những người bị nạn cùng gia đình của họ. Thật lòng, những người thầy thuốc chúng tôi không ai muốn điều này xảy ra. Tôi cũng mong vấn đề được làm rõ để không xuất hiện những trường hợp tương tự sau này. Nhưng chúng ta cần bình tĩnh để xử lý vụ việc đặc biệt nghiêm trọng này tránh tạo ra những điều "tồi tệ" ảnh hưởng tới tâm lý đội ngũ đông đảo cán bộ y tế trong cả nước. Tôi cứ băn khoăn và hỏi: Có cần thiết phải "bắt tạm giam" bác sĩ Lương không?. Vị bác sĩ trẻ này nếu tại ngoại có gây ra "nguy hiểm" cho xã hội không?. Cá nhân tôi cho rằng, không cần bắt giam bác sĩ Lương cũng vẫn có thể "điều tra làm rõ" và cũng không có gì gây nguy hiểm cho xã hội khi bác sĩ Lương tại ngoại...".

Bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến cho rằng, cán bộ phòng vật tư Trần Văn Sơn cũng không phải đối tượng gây nguy hiểm, vì vậy khi chưa có kết luận của cơ quan điều tra thì không cần thiết phải bắt tạm giam cán bộ Sơn.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đọc lệnh bắt tạm giam 3 đối tượng. Ảnh: Báo Hòa Bình.

Nhiều người cho rằng, tai nạn nghề nghiệp này nằm ngoài tầm kiểm soát của bác sĩ Lương khi mà nguồn nước đã không đủ tiêu chuẩn, bác sĩ Lương chỉ làm công việc mang lại sự sống cho những bệnh nhân đã suy thận - đó là vận hành máy lọc máu ngoài thận. "Làm sao bác sĩ Lương biết được trong đó còn hóa chất tồn dư. Cái đó là bên công ty bảo dưỡng làm ẩu"- bạn Tâm Ken bình luận.

Cùng chung ý kiến, độc giả Dung Đinh cho rằng: "Bác sĩ chỉ thực hiện chuyên môn còn lỗi do nguồn nước là lỗi của các bộ phận khác nên việc bắt BS. Lương chịu án là quá vô lý!".

Trong khi đó, bạn đọc Thị Hiên Phạm không khỏi lo lắng: “Nếu cứ như vậy chẳng ai muốn vào ngành y học. Để đỗ vào trường quả là khó, không phải ai cũng vào được nhưng khi vào học rất vất vả, đầu ra cũng khó, rồi lại càng thấy khổ và khó hơn cứu được người thì chẳng thấy tiếng khen mà chẳng may chết người là người đó có tội – mặc dù chẳng hiểu nguyên nhân là vì sao nữa!”.

“Đừng để 1 bác sĩ có tâm có đức với nghề phải mất việc chỉ vì sự vô trách nhiệm của kẻ khác.”- bạn Thanh Nguyen chia sẻ.

Cần một chế tài bảo vệ nhân viên y tế

Từ vụ việc này, độc giả Hùng Leo băn khoăn: "Liệu có một chế tài nào có thể bảo vệ nhân viên y tế nước ta trong tình huống như vậy không? Làm y tế ở Việt Nam hầu hết ai cũng có bản lĩnh, nhưng đứng trước một tình huống như này không phải ai cũng có thể đối mặt một cách bình tĩnh. BS. Lương và các nhân viên y tế đang bị tổn thất về mặt tinh thần, chưa bàn đến vấn đề thể chất có thể xảy ra, thiệt thòi đó ai đòi cho BS. Lương?".

Đơn kiến nghị xin giảm nhẹ tội cho bác sĩ Lương của bệnh nhân và người nhà. Ảnh: Danviet

Ngay sau khi Hội Hồi sức – Cấp cứu và Chống độc Việt Nam có đơn kiến nghị gửi lên Bộ Công an, đa số dư luận rất ủng hộ và cho rằng: “Cần lắm những tiếng nói của các hội nghề nghiệp rất khách quan đứng ra bảo vệ đồng nghiệp và hội viên của mình”.

“Ngành y cần những hiệp hội nghề nghiệp có tiếng nói và hành động kịp thời như thế này để bảo vệ quyền lợi cho nhân viên y tế. Tới đây, tôi hi vọng hiệp hội có những hành động mạnh mẽ hơn nữa, ví dụ như thuê luật sư giỏi đủ sức bảo vệ bác sĩ Lương”- Bạn Nghĩa Nguyễn đề xuất.

Bạn Quân Trịnh Hồng nói: “Mong tất cả những người làm việc trong ngành y lên tiếng để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ sự chân chính trong tai biến không mong muốn của người hành nghề y dược trên cả nước nói chung và tại BVĐK tỉnh Hoà Bình nói riêng”.

Cuối cùng, đa số bạn đọc đều bày tỏ hi vọng pháp luật sẽ xử đúng người đúng tội và "hi vọng cuộc sống còn có cái gọi là thấu tình đạt lý để con người ta còn niềm tin, để phấn đấu và để được cống hiến nhiều hơn..."- bạn đọc Trần Thị Thủy bày tỏ.

Nhìn lại toàn bộ diễn biến sự cố lọc máu tại BVĐK tỉnh Hòa Bình:

Sáng 29/5, 18 bệnh nhân suy thận mạn đang chạy thận nhân tạo ở BVĐK tỉnh Hòa Bình đột ngột có dấu hiệu bất thường. 7 người tử vong sau đó; 10 người được chuyển về BV Bạch Mai ngay trong đêm. 1 bệnh nhân nặng dù đã được các chuyên gia đầu ngành hồi sức cấp cứu chống độc tích cực cứu chữa nhưng do tình trạng quá nặng đã tử vong sau đó.

Ngay sau khi sự cố này xảy ra, ngành y tế đã kịp thời huy động trang thiết bị, điều động chuyên gia tuyến đầu về hỗ trợ BVĐK tỉnh Hòa Bình.

Sáng ngày 30/5, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế đã đến BV Bạch Mai thăm và động viên, chia sẻ với người bệnh được chuyển về từ BVĐK Hòa Bình sau sự cố y khoa đáng tiếc xảy ra tại Khoa Thận nhân tạo của BV này.

Sáng ngày 31/5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đoàn công tác của Bộ Y tế đã đến phúng viếng và chia buồn với gia đình các bệnh nhân đã tử vong trong sự cố tai nạn y khoa hy hữu khi lọc máu tại BVĐK tỉnh Hòa Bình trên địa bàn Thành phố Hòa Bình.

Làm việc với UBND tỉnh Hòa Bình, Sở Y tế Hòa Bình và BVĐK tỉnh Hòa Bình ngay tại phòng họp của BVĐK tỉnh sáng ngày 31/5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thẳng thắn cho rằng sự cố y khoa này quá đau xót. Tại buổi làm việc, Bộ trưởng đề nghị cần trung thực, khách quan để tìm ra nguyên nhân vụ việc.

Trước sự cố y khoa nghiêm trọng xảy ra tại BVĐK tỉnh Hòa Bình, ngày 2/6, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đã đề nghị các BV trên toàn quốc chấn chỉnh việc chạy thận nhân tạo, nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh chạy thận nhân tạo.

Chiều ngày 3/6, Đoàn công tác của Bộ Y tế đã họp với Sở Y tế tỉnh Hòa Bình đề nghị Sở Y tế chỉ đạo công tác kiểm thảo tử vong đối với các bệnh nhân tử vong trong sự cố chạy thận tại BVĐK tỉnh Hòa Bình và yêu cầu BV và đơn vị bảo dưỡng hệ thống đường ống nước phối hợp với Cơ quan điều tra tìm rõ nguyên nhân gây ra sự cố. Đồng thời, thành lập Hội đồng chuyên môn do lãnh đạo Sở Y tế làm Chủ tịch Hội đồng. Thành viên Hội đồng có các chuyên gia liên quan đến quy trình chạy thận nhân tạo như máy thận nhân tạo, quy trình vận hành, thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao, điện, nước... của BV Bạch Mai, BV Thận Hà Nội... và các lĩnh vực liên quan khác do Sở Y tế mời hoặc chỉ định tham gia.

Ngày 8/6, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã phê duyệt 10 máy chạy thận cho BVĐK thành phố Hòa Bình, nhằm hỗ trợ 100 bệnh nhân hàng ngày đang phải di chuyển từ Hòa Bình xuống Hà Nội chạy thận không còn phải đi lại vất vả.

Cũng trong ngày 8/6, 10 bệnh nhân nặng trong sự cố y khoa chạy thận tại BVĐK tỉnh Hòa Bình được đưa xuống BV Bạch Mai điều trị ngay trong đêm 29/5, đã khỏe mạnh và được ra viên.

Ngày 22/6, Công an tỉnh Hòa Bình đã ra quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với 3 bị can để phục vụ công tác điều tra.
- Bị can Bùi Mạnh Quốc (sinh năm 1986), trú tại phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh (Bắc Ninh), Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn xử lý nước Trâm Anh, bị khởi tố về tội “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp.”
- Bị can Trần Văn Sơn (sinh năm 1990), trú tại phường Hữu Nghị, thành phố Hòa Bình (Hòa Bình), cán bộ phòng Vật tư, trang thiết bị y tế - BVĐK tỉnh Hòa Bình bị khởi tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.”
- Bị can Hoàng Công Lương (sinh năm 1986), trú tại xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai (Hà Nội), bác sỹ khoa Hồi sức tích cực-Đơn nguyên thận nhân tạo, BVĐK tỉnh Hòa Bình, bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về chữa bệnh”.

Dương Hải
Ý kiến của bạn