Hà Nội

Dữ liệu mới cho thấy PrEP an toàn trong thai kỳ

11-09-2022 15:23 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Theo một phân tích sơ bộ được trình bày tại Hội nghị AIDS Quốc tế lần thứ 24 (AIDS 2022) cho thấy, việc sử dụng PrEP bằng đường uống trong thời kỳ mang thai là an toàn, không có hại cho sự phát triển lâu dài của trẻ em…

PrEP là sử dụng thuốc kháng virus (ARV) để dự phòng lây nhiễm HIV ở người có nguy cơ cao chưa bị nhiễm HIV, giúp phòng ngừa lây nhiễm HIV.

Phụ nữ mang thai và cho con bú có nguy cơ nhiễm HIV nên được cung cấp PrEP hàng ngày có chứa tenofovir disoproxil fumarate (TDF), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo.

Khuyến nghị này được hỗ trợ bởi dữ liệu từ nhiều phụ nữ nhiễm HIV đã sử dụng TDF trong thời kỳ mang thai, cho thấy rằng nó an toàn cho cả mẹ và trẻ sơ sinh, cũng như dữ liệu hạn chế từ những người sử dụng PrEP.

Cho đến nay, có 6 nghiên cứu báo cáo về tính an toàn của PrEP trong thai kỳ. Mặc dù kết quả nghiên cứu đã khẳng định tính an toàn của PrEP đối với phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, trước đó một số nghiên cứu ban đầu về hiệu quả của PrEP (FEM-PrEP, VOICE và Partners PrEP) lại cho thấy việc mang thai là tiêu chí loại trừ, nghĩa là ngừng PrEP khi phát hiện có thai. Do đó, những nghiên cứu này chỉ cung cấp dữ liệu về việc tiếp xúc với PrEP trong thời gian ngắn, sớm trong 3 tháng đầu thai kỳ.

photo-1660722455602

Phụ nữ mang thai có nguy cơ nhiễm HIV nên được cung cấp PrEP hàng ngày.

Các nghiên cứu khác bao gồm phụ nữ mang thai nhưng chỉ đánh giá kết quả của trẻ sơ sinh cho đến 1 năm sau khi sinh, có nghĩa là một số câu hỏi vẫn còn liên quan đến sự an toàn lâu dài của việc tiếp xúc với PrEP cho trẻ sơ sinh.

Do cần có thêm bằng chứng, một nhóm các nhà nghiên cứu từ Bệnh viện Quốc gia Kenyatta và Đại học Washington đã nghiên cứu PrIMA-X để cung cấp dữ liệu dài hạn về sự an toàn của việc sử dụng PrEP trong thai kỳ. Các nghiên cứu này liên quan đến việc đo lường sự tăng trưởng và phát triển thần kinh ở trẻ em có và không tiếp xúc với PrEP trước khi sinh từ sơ sinh đến 5 tuổi.

Trong nghiên cứu PrIMA, 4.447 phụ nữ âm tính với HIV ở miền tây Kenya đã được đăng ký sử dụng PrEP trong khi mang thai và được đánh giá định kỳ cho đến 9 tháng sau khi sinh, bất kể họ có dùng PrEP hay không.

Đối với nghiên cứu PrIMA-X, dữ liệu có sẵn cho 664 cặp mẹ con. Tuổi trung bình của bà mẹ và trẻ em khi tham gia vào nhóm là 28 tuổi và 26 tháng. Chỉ có 119 (17%) bắt đầu PrEP khi mang thai. Các bà mẹ bắt đầu sử dụng PrEP khi thai được 27 tuần tuổi, dùng thuốc này trong khoảng thời gian trung bình là 2,4 tháng khi mang thai, và 54% tiếp tục sử dụng PrEP 9 tháng sau khi sinh.

Kết quả cho thấy không có sự khác biệt giữa các nhóm phụ nữ mang thai đã và chưa sử dụng PrEP về tình trạng hôn nhân, trình độ học vấn, số con còn sống hoặc sinh non.

Trong phân tích thống kê của họ về mối liên quan giữa việc tiếp xúc với PrEP trước khi sinh và sự tăng trưởng và phát triển thần kinh, các nhà nghiên cứu đã điều chỉnh một số khác biệt tiềm ẩn giữa những người đã và không sử dụng PrEP trong khi mang thai, bao gồm tuổi, tình trạng HIV của bạn tình, chẩn đoán giang mai khi mang thai và thời gian mang thai...

photo-1660722465230

Nghiên cứu cho thấy PrEP an toàn cho phụ nữ mang thai.

Nghiên cứu cũng cho thấy, trẻ sơ sinh tiếp xúc với PrEP trong khi mang thai không bị khả năng bị thấp còi, gầy còm hoặc nhẹ cân hơn trẻ không tiếp xúc với PrEP. Chiều dài và cân nặng của trẻ giống nhau khi 24, 30 hoặc 36 tháng. Sự phát triển thần kinh giữa trẻ sơ sinh tiếp xúc với PrEP trong thai kỳ và những trẻ không được tiếp xúc cũng giống nhau.

Do đó, những phát hiện sơ bộ này hỗ trợ các nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng, sử dụng PrEP trong thai kỳ là an toàn.

Tuy nhiên, số bà mẹ đã sử dụng PrEP trong thai kỳ tương đối ít. Các nhà nghiên cứu đang dự kiến tiếp nhận thêm 525 cặp mẹ - con và sẽ tiếp tục thu thập dữ liệu cho đến 60 tháng sau khi sinh - điều này sẽ làm sáng tỏ sự an toàn lâu dài của PrEP trong thai kỳ.

Trong tương lai, nhóm nghiên cứu dự định sẽ đánh giá mối quan hệ giữa việc sử dụng PrEP trong thời kỳ mang thai với mật độ khoáng xương của trẻ sơ sinh và nhận thức thần kinh. Họ cũng sẽ phân tích mức độ phơi nhiễm PrEP bằng cách sử dụng mẫu tóc và máu khô (chính xác hơn là dựa vào tự báo cáo) để xem mức độ phơi nhiễm PrEP có ảnh hưởng đến kết quả của trẻ sơ sinh hay không.

Mời độc giả xem thêm video:

Mỹ có số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ nhiều nhất thế giới, với hơn 11.100 ca


Phương Hà
(Theo vaac)
Ý kiến của bạn