Hà Nội

Du lịch Việt và những điểm yếu

20-07-2015 07:29 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Thành tựu của Du lịch Việt Nam là to lớn, rất đáng tự hào nhưng so với nhiều nước trong khu vực vẫn còn thua kém. Vậy thì nguyên nhân là gì và giải pháp nào khắc phục điều đó?

Trước hết, nói một cách thấu đáo, mỗi du khách từ xứ sở xa xôi đến với Việt Nam hoặc ngay cả du khách trong nước, họ tới những vùng mới không phải chỉ để tận hưởng không khí của những hotel, resort..., không phải chỉ để ngắm nghía những khung cảnh danh lam hùng vĩ, độc đáo của đất nước. Họ còn muốn được ngắm nhìn, tiếp xúc, gặp gỡ và chiêm nghiệm cách sống, cách ứng xử của những con người bản địa vốn luôn được ca tụng là thân thiện, mến khách, nồng hậu.

Vậy nhưng, chỉ cần điểm qua những câu chuyện dưới đây đủ để thấy khách du lịch vì sao vẫn chưa quá mặn mà với du lịch Việt. Đó là câu chuyện một hướng dẫn viên Việt Nam đã có kinh nghiệm nhiều năm kể rằng, khi cô dẫn những tốp khách Thái Lan đi mua mặt hàng ba lô khoác vai ở khu vực Hồ Gươm, Hà Nội thì chị bán hàng đã xua tay: “Em ơi, ở đây chị không bán cho khách Á”. Câu nói đã khiến các bạn Thái phật lòng và thất vọng.

Ngành du lịch vẫn còn thiếu sự chuyên nghiệp.

Rồi cô dẫn đoàn khách Âu đi tàu thăm Vịnh Hạ Long. Trên tàu đều có sẵn ông thợ ảnh. Khi đoàn khách nhờ ông này bấm hộ bằng máy của họ thì ông chĩa ống chếch lên trời lấy nhiều nắng để cho ảnh chói sáng mờ mịt. Chỉ đến khi họ thuê ông chụp giá 30.000 đồng/tấm thì... ảnh mới nét.

Và chuyện đi lại tưởng như là không gì đơn giản hơn những vẫn “có chuyện”. Đó là chuyện anh tài xế gặp đoàn khách quên gửi tiền “tip”, hoặc họ không gửi tiền bồi dưỡng ấy vì cho rằng đã có trong phí trọn gói. Sự thật là vậy, nhưng lái xe vẫn cho đoàn khách xuống tận... phố cổ, mặc dù điểm cần đến là một nhà khách ở quận Đống Đa.

Không ai rõ về những bức xúc trong ngành du lịch hơn chính người hướng dẫn viên. Nếu như lãnh đạo ngành du lịch cảm thấy cần cải tổ gì, xin đừng bỏ quên việc lấy ý kiến của chính những người này. Bởi họ là người tiếp xúc cả hai phía, khách và nhà cung cấp dịch vụ. Họ được nghe chia sẻ những bức xúc, được chứng kiến những chiêu trò làm ăn chụp giật từ thành phố lớn đến miền quê; từ các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, khu tham quan nghỉ dưỡng với biết bao việc chặt chém, o ép nài nỉ, thậm chí cả đe dọa du khách.

Đúng như Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ: “Hãy nở nụ cười, nói lời cảm ơn, xin lỗi, cúi xuống nhặt mẩu rác chợt nhìn thấy... Hãy chú ý ăn mặc, đừng chen lấn, xô đẩy, cố lách, cố vượt lên ở chỗ đông người... Những việc làm tử tế, những điều bình dị, tưởng chừng nhỏ nhặt ấy thực ra rất quan trọng, rất ý nghĩa không chỉ với ngành du lịch mà còn với nền văn hóa và con người Việt Nam.

Hãy đừng vì những lợi lộc của riêng mình mà bất chấp đạo đức kinh doanh, đạo đức sống, gây hại cho người khác, mang tiếng xấu cho du lịch và hình ảnh của đất nước, của dân tộc”.

Thiết nghĩ, nếu mỗi người dân, đặc biệt là người kinh doanh liên quan đến du lịch biết tích lũy và thấu hiểu những hành vi nhỏ ấy, thì tự nhiên họ sẽ có được những cái tâm thân thiện và đặc biệt là dần hiểu ra sự nguy hại của cái thói chộp giật nhất thời kia. Du lịch hay bất kỳ ngành nghề nào, nếu chỉ khai thác mà không chăm bẵm thì cũng sớm đến ngày cạn kiệt, tàn lụi.

Hoàng Lê

 

 

 

 


Ý kiến của bạn