Du lịch Việt Nam còn nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh, cơ hội nổi trội để phát triển

15-11-2023 14:54 | Thời sự
google news

SKĐS - Sáng 15/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh các doanh nghiệp du lịch và cả ngoài ngành du lịch trong điều kiện khó khăn thời gian qua đã chung tay, góp sức, phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc để phục hồi và phát triển ngành du lịch. Theo Thủ tướng, du lịch Việt Nam còn nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh, cơ hội nổi trội để tiếp tục phát triển thời gian tới.

Du lịch Việt Nam còn nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh, cơ hội nổi trội để phát triển- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, yếu kém của ngành du lịch, mà trước hết là thể chế, chính sách, pháp luật cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.

Trong đó, việc liên kết phát triển du lịch giữa các bộ, ngành, địa phương, nhất là về quản lý, quảng bá, xúc tiến, phát triển sản phẩm, nhân lực chưa thực chất, hiệu quả. Hiện nay, vẫn còn tình trạng "mạnh ai nấy làm", liên kết ngành, nhất là giữa giao thông vận tải, công thương, y tế... với du lịch chưa chặt chẽ. Các sản phẩm du lịch chưa thực sự có trọng tâm, trọng điểm, không có nhiều sản phẩm đặc sắc Việt Nam theo tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Công tác đánh giá, dự báo, định hướng phát triển thị trường chưa rõ nét, đồng bộ, sát thực tiễn.

Du lịch Việt Nam còn nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh, cơ hội nổi trội để phát triển- Ảnh 2.

Thủ tướng nhấn mạnh một số quan điểm phát triển du lịch trong thời gian tới - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Bên cạnh đó, du lịch Việt Nam vẫn đang phải đối diện với không ít thách thức. Xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đòi hỏi phải đổi mới tư duy, cách tiếp cận và cách làm…

Nhận định du lịch là lĩnh vực kinh tế tổng hợp, liên quan tới nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều địa phương, liên quan tới các vấn đề toàn cầu, toàn dân, do đó, phải có cách tiếp cận tương đối toàn diện, toàn cầu, toàn dân. Thủ tướng nhấn mạnh: "Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân".

Đồng thời, Thủ tướng cũng nhấn mạnh một số quan điểm phát triển du lịch trong thời gian tới như: Phải nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, giá trị, hiệu quả và tính lan tỏa của ngành du lịch. Xây dựng thương hiệu du lịch đặc sắc Việt Nam dựa trên nguồn lực con người, thiên nhiên và truyền thống văn hóa lịch sử. Phát triển du lịch phải đặt trong tổng thể với phát triển KT-XH với vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn. Phát triển du lịch là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước…

Du lịch Việt Nam còn nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh, cơ hội nổi trội để phát triển- Ảnh 3.

Thủ tướng trò chuyện với đại biểu tham dự Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Về một số nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, định hướng phát triển xuyên suốt của du lịch Việt Nam đã được xác định trong Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 là "Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện".

Thời gian tới, các cấp, các ngành, các địa phương và các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch cần nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 82 của Chính phủ với phương châm "liên kết chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng, hợp tác toàn diện".

Trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ như: Thực hiện liên kết toàn diện, hiệu quả, phân công trách nhiệm rõ ràng, phát huy vai trò định hướng của cơ quan du lịch quốc gia; chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch, bảo đảm đủ về số lượng, cân đối về cơ cấu ngành nghề và chất lượng, phù hợp với yêu cầu của cạnh tranh và hội nhập.

Bên cạnh đó cần xây dựng các mô hình, sản phẩm du lịch mới, độc đáo trên cơ sở tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh; Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Tăng cường quản lý môi trường du lịch, bảo tồn và phát huy các giá trị tự nhiên, văn hóa,  đẩy nhanh chuyển đổi số; hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam…

Thủ tướng: Phải có cảm xúc khi người dân, doanh nghiệp vướng mắc về thủ tục hành chínhThủ tướng: Phải có cảm xúc khi người dân, doanh nghiệp vướng mắc về thủ tục hành chính

SKĐS - Chiều 14/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ chủ trì Phiên họp thứ 6, tập trung đánh giá kết quả thực hiện công tác CCHC của 10 tháng năm 2023, thảo luận phương hướng, nhiệm vụ CCHC những tháng cuối năm…


Lê Bảo
Ý kiến của bạn