Hà Nội

Du lịch Thanh Hóa và những con số ấn tượng

24-11-2022 11:00 | Thị trường
google news

Với chiến lược đầu tư đồng bộ, sự tham gia của các tập đoàn uy tín cùng hàng loạt dự án quy mô, tầm cỡ, Thanh Hóa đang đứng trước cơ hội lớn để trở thành điểm đến du lịch hiện đại, giàu trải nghiệm.

Du lịch Thanh Hóa và những con số ấn tượng - Ảnh 1.

Du lịch Thanh Hóa hồi sinh mạnh mẽ sau đại dịch

Thanh Hóa "bứt tốc" trên bản đồ du lịch

Theo số liệu thống kê, 10 tháng đầu năm 2022, khách du lịch đến Thanh Hoá đạt 10.557.700 lượt khách, tăng gấp 3,3 lần so với cùng kỳ năm 2021, đạt 105,6% kế hoạch năm 2022; Tổng thu du lịch đạt: 19.340 tỷ đồng, tăng gấp 4,1 lần so với cùng kỳ 2021, đạt 107,9% kế hoạch 2022. Dự kiến năm 2022, Thanh Hoá ước đón 11.011.000 lượt khách, tăng gấp 3,22 lần so với năm 2021, đạt 110,1% kế hoạch; Tổng thu du lịch ước đạt 20.038 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với năm 2021, đạt 111,8% kế hoạch. Đồng thời, lần đầu tiên Thanh Hóa đứng Top 3 cả nước về khả năng hút khách du lịch.

Để có được kết quả ấn tượng trên, về khách quan, nhu cầu đi du lịch của người dân tăng cao sau 2 năm bị gián đoạn bởi ảnh hưởng của COVID -19; thời tiết thuận lợi cho du lịch biển - loại hình du lịch có thế mạnh của tỉnh Thanh Hóa. Bắt đầu từ thời điểm du lịch mở cửa trở lại, ngày 15/3, tỉnh Thanh Hoá đã xây dựng "điểm đến xanh", "tuyến du lịch xanh" tạo hành lang an toàn đón khách, đồng thời tập trung đẩy mạnh các hoạt động kích cầu du lịch, cố gắng đạt mục tiêu theo kịch bản tăng trưởng của ngành du lịch trong năm 2022.

Về chủ quan, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã tích cực, chủ động, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo huy động mọi nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư; chuẩn bị tốt các điều kiện về an ninh, an toàn, nhân lực, vật lực để sẵn sàng đón và phục vụ khách du lịch ngay sau khi "mở cửa" trở lại; tổ chức thành công trên 50 sự kiện văn hoá, thể thao, du lịch tại các khu, điểm du lịch trọng điểm, đặc biệt là các dịp nghỉ lễ 30/4-01/5 và 02/9; các đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh chủ động, tích cực đầu tư, làm mới sản phẩm, dịch vụ, thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi nhằm thu hút khách du lịch.

Sự chủ động của Thanh Hóa đã ngay lập tức tạo ra sức bật mạnh mẽ cho ngành du lịch tại địa phương này. Đặc biệt, mùa hè năm 2022 đã chứng kiến sự "hồi sinh" mạnh mẽ của ngành du lịch Thanh Hóa khi các điểm đến đồng loạt thu hút lượng lớn khách du lịch như: Khu Du lịch biển Sầm Sơn; Hải Tiến (Hoằng Hóa); Hải Hòa, Bãi Đông (thị xã Nghi Sơn); suối cá Cẩm Lương (Cẩm Thủy); Lam Kinh (Thọ Xuân); Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc); Pù Luông (Bá Thước)... Cùng với đó là hàng loạt các điểm du lịch, sản phẩm du lịch mới như du lịch nông trại, camping đầy hấp dẫn.

Định hướng dài hạn về phát triển du lịch

Du lịch Thanh Hóa và những con số ấn tượng - Ảnh 2.

Nhiều sự kiện văn hóa tổ chức thành công thu hút hàng vạn lượt khách tham gia

Phân tích và đánh giá các yếu tố giúp Thanh Hóa trở thành điểm đến hấp dẫn, một số chuyên gia cho rằng có 4 yếu tố quan trọng: Tỉnh Thanh Hóa đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt cho sự phục hồi, với dự báo mở cửa trở lại đúng vào thời gian cao điểm du lịch biển - sản phẩm thế mạnh của Thanh Hóa; nhu cầu du lịch của người dân tăng mạnh sau 2 năm gián đoạn bởi dịch COVID-19; các địa phương, doanh nghiệp Thanh Hóa đã chủ động, sáng tạo nắm bắt thị trường, làm mới sản phẩm; Thanh Hóa tổ chức thành công trên 50 sự kiện văn hóa - thể thao - du lịch.

Mặt khác, Thanh Hóa có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đặc trưng, có 102 km bờ biển với nhiều bãi tắm đẹp nổi tiếng trong cả nước; có núi, rừng, sông, hồ, hang, động hùng vĩ, cảnh quan nên thơ. Cùng với đó là hệ thống di tích lịch sử văn hóa dày đặc, với trên 1.500 di tích được kiểm kê, xếp hạng; trên 300 lễ hội truyền thống; nhiều nét đặc sắc văn hóa, sinh hoạt, sản xuất của người dân tộc thiểu số... là một trong những cơ sở quan trọng để Thanh Hóa tổ chức khai thác, phát triển nhiều loại hình du lịch đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch.

Đến hết tháng 9/2022, toàn tỉnh Thanh Hóa có 80 dự án đầu tư kinh doanh du lịch đang triển khai, với tổng vốn đăng ký gần 145.500 tỷ đồng, tiêu biểu như: Quần thể Khu du lịch nghỉ dưỡng và sân golf FLC; Khu du lịch sinh thái biển Tiến Thanh; Dự án Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội TP Sầm Sơn; Khu đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Bến En...

Cùng với đó, một số công trình trọng điểm quốc gia trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng đang triển khai và đã đi vào khai thác, hoạt động như: tuyến đường bộ ven biển; cao tốc Bắc - Nam; cảng nước sâu Nghi Sơn; Cảng Hàng không Thọ Xuân quy hoạch đầu tư trở thành cảng hàng không quốc tế.

Bà Vương Hải Yến, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Thanh Hóa nhận định: "Để giữ đà tăng trưởng bền vững, chiến lược trong thời gian qua của Thanh Hoá bao gồm 2 yếu tố. Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm; phát triển hài hòa giữa chiều rộng và chiều sâu, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh. Tập trung nguồn lực, ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc với thông điệp "Du lịch Thanh Hoá - hương sắc bốn mùa" và "Du lịch Thanh Hóa, điểm đến an toàn, hấp dẫn" bà Yến nhấn mạnh.


Gia Hân
Ý kiến của bạn