Tại một số khu du lịch có trưng biển du lịch sinh thái (DLST) nhưng chẳng thấy sinh thái đâu. Khách bước vào trong chỉ thấy dịch vụ ăn uống, câu cá… mà không có các hoạt động hướng đến những giá trị đích thực của loại hình này. Hoạt động DLST đang diễn ra rất lộn xộn.
Có “cơ” mà không phát
Vượt qua những cung đường có hàng cây xanh thẫm, với những hồ sen thơm ngát, tôi hồi hộp vì sắp được ngắm những cánh cò tại Khu DLST Đảo Cò, xã Chi Lăng Nam (Thanh Miện, Hải Dương). 5 năm trước đến rồi trở lại, nay mọi thứ vẫn không thay đổi. Đó là tấm bảng vẽ quy hoạch toàn khu đã sờn rách, bạc phếch. Vẫn chỉ có hơn chục chiếc thuyền sắt và thuyền thiên nga phục vụ khách du ngoạn trên lòng hồ. Một số hộ tự đóng tiền, làm kè và dựng mấy quán nước lèo tèo. Một hộ khác dựng nhà hàng nổi chứa được chừng 30 khách. Trước mắt tôi, những bà bán nước cũng nửa nằm nửa ngồi vì vắng vẻ đon đả chào mời. Ngoài quanh cảnh thiên nhiên, nơi đây không có vẻ gì giống với một khu DLST. Trong khi đó, cả hai đảo cò đều đang bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều bụi tre, cây xanh làm nơi chim cò trú ngụ đã bị… ụp xuống hồ.
Ở địa thế đẹp, Khu DLST 12 con giáp (Thanh Oai, Hà Nội) chưa có dịch vụ mang tính chất sinh thái.
Ngược dòng thời gian, nhờ điều kiện thiên nhiên ban tặng cho Chi Lăng Nam, tháng 1/2009, UBND tỉnh Hải Dương đã lập quy hoạch vì DLST với tổng diện tích lên đến 67ha. Bà con xã thuần nông này từng nghĩ sẽ được đổi đời nhờ cơ hội kinh doanh. Song, họ chỉ nhận về sự thất vọng. Ông Vũ Văn Khánh - một người dân bán hàng trong khu du lịch cho biết: “Chúng tôi đã đầu tư mấy chục triệu làm chòi tạm để bán hàng, giờ làm ăn thua lỗ vẫn phải cố. Do không có thêm dịch vụ nào nên rất nhàm chán. Nếu đầu tư xây dựng quy củ, người dân chúng tôi sẽ được nhiều hơn. Ở ngoài kia một hộ mở quán ăn bình dân không có khách đã phải… dẹp!”.
Cũng có quy hoạch DLST rồi bị buông, khu vườn cò thôn Đông Xuyên, xã Đông Tiến (Yên Phong, Bắc Ninh) được xem là nơi có cảnh quan tuyệt đẹp đang kêu cứu. Cò bị bắt, đảo sạt lở, tấm biển quy hoạch cũng biến mất. Người dân đang dài cổ chờ đợi dự án được triển khai để có cơ hội kinh doanh. Qua tìm hiểu, vườn cò của thôn có diện tích 3ha, từ lâu trở thành điểm tham quan của một số người dân quanh khu vực. Nắm bắt lợi thế đó, năm 2011, UBND tỉnh Bắc Ninh đã lập đề án quy hoạch phát triển Đông Xuyên thành khu DLST với diện tích 14ha. Nhưng giai đoạn đầu của dự án (2011-2015) mới chỉ dừng ở việc đầu tư kè lại mép đảo. Ông Nguyễn Đức Mạo - Trưởng thôn Đông Xuyên ngậm ngùi: “Chậm triển khai, đất quy hoạch trong dự án lại có phần trùng với đất giãn dân. Nay dự án bị trì trệ, người dân đi không được mà ở cũng không xong. Chúng tôi hụt hơi rồi. Vậy nên công tác bảo vệ cò cũng đang bị buông xuôi. Thanh niên địa phương liên tục nhảy xuống đảo bắt cò, vạc. Kiểu này chờ được triển khai thì chẳng còn sinh thái nữa”.
Hoạt động bất quy tắc
Chậm triển khai dự án là một chuyện nhưng vấn đề mà các cơ quan chức năng quy hoạch ngẫu hứng và cho hoạt động chẳng theo nguyên tắc nào đã khiến không ít người dân bức xúc. Tận mắt chứng kiến những người hoạt động kinh doanh tại khu DLST Đảo Cò Chi Lăng Nam mới thấy hết nỗi khổ của họ. Đa số họ đều thốt lên: Khó sống!
Du lịch Đảo Cò Chi Lăng Nam (Thanh Miện, Hải Dương) còn nhiều điều cần làm.
Ông Lê Văn Huy - Trưởng BQL khu DLST Đảo Cò cho biết: “Mỗi năm cấp trên ép địa phương đấu thầu một lần với giá cao, lại “chặt” cả khu ra thành từng khúc nhỏ để thu tiền, đã xảy ra tình trạng khó xử cho chính những người tham gia làm dịch vụ. Này nhé, một khu nhỏ xíu, vắng khách thế này mà chỗ trông xe là một nhà thầu, dịch vụ bơi thuyền trên mặt hồ là một nhà thầu, còn một nhà thầu đảm trách cái đoạn đường có mấy quán nước. Nhiều nhà thầu như thế thì ai bảo được ai. Cách làm này manh mún quá, chúng tôi ức chế lắm!”.
Ông Huy còn cho biết thêm, cấp trên giao công việc quản lý cho ông cũng chỉ giao bằng miệng chứ chẳng có văn bản nào, cũng chẳng có đồng tiền công. “Vậy không phải bất quy tắc là gì. Cứ thế này làm sao mà khu phát triển được”, ông Huy thở dài.
Những nơi có điều kiện, tài nguyên thì như vậy. Những nơi chưa có điều kiện tự nhiên thì sao? Tìm đến khu DLST Đầm Sen Villa, ở thị trấn Yên Viên (Gia Lâm, Hà Nội), tấm biển ngoài cổng ghi to tướng là “sinh thái tổng hợp” khiến tôi thật sự hào hứng, đến khi bước vào trong thì vô cùng ngỡ ngàng. Các dịch vụ bên trong nghèo nàn, khách vắng lèo tèo. Dạo một vòng, chẳng thấy chút gì là biểu hiện của sinh thái, tôi chỉ thấy hai bể bơi phục vụ trẻ con, quán bia cỏ dành cho khách bình dân, nhà hàng ăn uống dành cho khách sang và ao câu cá. Vậy mà nơi đây trưng biển: “du lịch sinh thái tổng hợp”. Hay khu DLST 12 con giáp Cao Dương (huyện Thanh Oai, Hà Nội) với không gian đẹp, đã đầu tư xây dựng được mấy năm nhưng đến nay chỉ phục vụ câu cá. Vậy chẳng lẽ câu cá là DLST?
Tương tự một số khu, điểm DLST khác như Lựng Xanh (Uông Bí, Quảng Ninh); Cồn Vành, Cồn Đen (Tiền Hải, Thái Bình)… đã có quy hoạch nhưng hầu hết mới dừng ở những bước khởi đầu. Các khu DLST Nam Hồng, Cọ Xanh, Vườn Xoài (huyện Đông Anh) cũng chỉ có các dịch vụ nhà nghỉ, ăn uống, bể bơi… Người dân kinh doanh ở những địa phương, cơ sở này vẫn làm dịch vụ theo kiểu “có gì bán nấy”, không ý thức bảo vệ môi trường, thậm chí có nơi còn chặt chém du khách.
Sau tấm biển Quần thể khu du lịch sinh thái chỉ là quán bia, bể bơi và ao câu cá.
Trăn trở ở vùng tài nguyên
Thực tế đang diễn ra nghịch lý, đó là những nơi có điều kiện để phát triển DLST thì không được đầu tư xứng đáng, còn những nơi đất vàng, màu mỡ của người dân thì lại bị thu hồi, nhường chỗ cho những dự án chỉ gắn mác DLST nhưng lại phá sinh thái. Nhìn nhận về vấn đề này, ông Đinh Văn Thảo - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hòa Bình, địa phương cũng có sự phát triển ồ ạt của các cơ sở DLST, cho biết: “Ở ta chưa có mô hình DLST nào đủ tiêu chuẩn. Tại các địa phương, người ta cứ cẩu mấy cổ thụ về trồng, làm vườn, dựng nhà sàn rồi gắn cho cái biển DLST. Đó chỉ là khoác cái mác thôi. Giờ thì tràn lan quá, cả nước có đến cả trăm điểm, khu. Mở ra rồi thì không dễ dẹp, không dễ tẩy mác”.
Chung tâm sự ấy, ông Lê Văn Huy - Trưởng BQL khu DLST Đảo Cò Chi Lăng Nam thở dài: “Chỗ người dân chúng tôi đang bám vào để mưu sinh cũng mới chỉ có cái mác, chưa có gì cả. Để trở nên hoàn chỉnh thì cần đầu tư và bài bản. Biết bao giờ quê tôi thành khu DLST đúng nghĩa?”.
Về vấn đề này, PGS.TS. Phạm Trương Hoàng (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) nêu ý kiến: “Với tiềm năng to lớn về tự nhiên, cùng với nhu cầu thực tế của cuộc sống, phát triển DLST là tất yếu và chắc chắn ngày càng được mở rộng tại Việt Nam. Làm sao để phát triển DLST một cách bền vững là một bài toán khó nhưng không phải thiếu cách giải nếu ngay bây giờ, ý thức và trách nhiệm du khách, người kinh doanh, cộng đồng địa phương và cả cơ quan quản lý ở các cấp đều được nêu cao”.