Hai Phiếm buồn nẫu ra:
- Ai đời khách nước ngoài đến Việt Nam, nhiều người phải tập nói to, rõ bằng tiếng Việt những câu, từ như: “Tôi không mua”, “Đi chỗ khác đi”, “Cướp, cướp”...
- Hóa ra cùng với những địa danh, nhà hàng, quán ăn nổi tiếng được quảng bá ra nước ngoài, tệ nạn chặt chém, bám đuôi chèo kéo và cướp giật ở ta cũng thành chuyện được quảng bá.
- Tệ nhất là ở TP.HCM về nạn cướp giật. Khách ngồi xích lô, đang xem bản đồ dò đường là giật túi. Máy ảnh vừa giơ lên định chụp, điện thoại vừa áp tai toan nghe khi đang tản bộ cũng bị giật.
- Không cách gì bảo vệ khách du lịch khỏi tệ nạn trên sao?
- Có! Đó là CA phường từng phổ biến thông tin cho du khách tự bảo vệ mình bằng cách phát tờ rơi nói thật tình hình cướp giật. Các hướng dẫn viên du lịch cặn kẽ dặn du khách hết sức cẩn thận khi ra ngoài.
- Cha mẹ ơi! Người ta đi du lịch để đi chơi thoải mái và tìm hiểu đất nước con người ở ta chứ có ai đi du lịch để biết thêm chuyện đề phòng cướp giật hay bị chặt chém, chèo kéo mua hàng đâu!
- Công bằng mà nói thì năm 2015, TP.HCM cũng đón được 4,6 triệu du khách nước ngoài đến lưu trú, tham quan, tìm hiểu lịch sử.
- Vấn đề là có bao nhiêu khách đến lần thứ hai, thứ ba chứ con số nhiều mấy nhưng khách một đi không trở lại là thất bại của ngành du lịch.
- Hà Nội có nạn chèo kéo. TP.HCM có nạn cướp giật. Không lẽ đành chịu sao với tệ nạn này để hình ảnh đất nước bị ảnh hưởng trong con mắt bạn bè quốc tế?
- Trong mắt người trong nước cũng phải dẹp chứ đâu riêng với khách nước ngoài!