Với 1.350 làng nghề, trong đó 207 làng nghề truyền thống đã được công nhận, Hà Nội có quá nhiều tiềm năng về du lịch làng nghề. Tuy nhiên cho đến nay, việc khai thác lợi thế từ làng nghề để phục vụ phát triển du lịch chưa tương xứng, tỷ lệ khách đến làng nghề so với khách du lịch của thành phố còn thấp, khách bỏ tiền ra mua hàng tại các làng nghề chưa cao.
Hiện nay, Hà Nội đang nỗ lực phát triển du lịch làng nghề, các doanh nghiệp lữ hành muốn có thêm sản phẩm du lịch phục vụ khách, địa phương cũng mong tiêu thụ hàng hóa và tổ chức các dịch vụ thông qua kênh du lịch. Mục tiêu và mong muốn thì thống nhất như vậy nhưng sự phối hợp thực hiện giữa những đơn vị liên quan trong đầu tư phát triển du lịch làng nghề lại ông chẳng bà chuộc, mạnh ai nấy chạy - đó là nguyên nhân khiến du lịch làng nghề chưa phát triển mạnh.
Làng lụa Vạn Phúc.
Theo nhận định của đa số khách hàng, tại các làng nghề của Hà Nội, chỉ có làng nghề Bát Tràng và lụa Vạn Phúc có khả năng thu hút khách du lịch, một vài làng nghề khác mặc dù cũng được coi là điểm tới của ngành du lịch nhưng rất khó trở thành điểm đến tham quan, trải nghiệm hấp dẫn du khách. Ngay cả Bát Tràng và Vạn Phúc được đánh giá thu hút một lượng khách không nhỏ nhưng cũng chưa để lại nhiều ấn tượng cho du khách và đang có nguy cơ giảm lượng khách.
Tại làng lụa Vạn Phúc, tuy có nhiều lợi thế hút khách nhưng do ảnh hưởng của tốc độ đô thị hóa, nhiều gia đình ít quan tâm đến nghề truyền thống mà chuyển sang kinh doanh ngành nghề khác. Thời kỳ phát triển, làng nghề có hơn 1.000 máy dệt nhưng đến nay chỉ còn 250 máy hoạt động với gần 400 hộ tham gia dệt lụa.
Theo thống kê của UBND xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm), hàng năm, có trên 60.000 lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan Bát Tràng với mức chi tiêu mua sắm sản phẩm gốm đạt trên 200 tỷ đồng. Tuy vậy, khách đến Bát Tràng chủ yếu là tham quan, mua hàng tại chợ gốm, hầu như không được trải nghiệm các giá trị văn hóa, lịch sử, tham gia làm nghề do dịch vụ tại đây thiếu chuyên nghiệp, chưa hình thành được một chương trình du lịch chuyên nghiệp. Mặt khác, hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại làng gốm Bát Tràng không đồng bộ, việc kết nối với các doanh nghiệp du lịch chưa tốt.
Đó cũng là thực trạng chung ở các làng nghề Hà Nội khi sự kết nối giữa cơ quan quản lý du lịch, các doanh nghiệp lữ hành và chính quyền địa phương chưa đồng bộ. Ngoài hạn chế về hạ tầng, tổ chức dịch vụ du lịch, ô nhiễm môi trường, người dân tại các làng nghề chưa có tác phong làm du lịch, ít nhiều ảnh hưởng đến khả năng ứng xử với khách.
Chính vì những lý do đó nên tiềm năng du lịch làng nghề, dù đã được nhìn thấy, chỉ ra nhưng các làng nghề vẫn trong tình trạng thiếu khách.
Điều quan trọng nhất, theo các chuyên gia thì chính quyền địa phương nơi có làng nghề cần tham gia sâu hơn vào công tác phát triển du lịch, đưa ra những cơ chế, chính sách thuận lợi nhằm khuyến khích các hộ dân tham gia làm du lịch, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, loại bỏ các tệ nạn trong khu vực làng nghề, khuyến khích người dân giữ gìn cảnh quan môi trường. Nhiều người cho rằng, hiệu quả loại hình du lịch làng nghề chưa cao, trước hết do hạ tầng cơ sở tại các làng nghề còn yếu kém, cảnh quan môi trường nhiều nơi bị ô nhiễm, các điểm tham quan còn sơ sài, chưa được đầu tư đúng mức, dịch vụ còn nghèo nàn... mà yếu tố có vai trò quan trọng, quyết định về vấn đề này chính là địa phương sở tại. Vì vậy, chính quyền địa phương, người dân cần có những đổi mới trong tư duy làm du lịch, tích cực đầu tư cho công tác phát triển du lịch làng nghề.
Trọng Trường