Du lịch Lai Châu - một năm nhìn lại với nhiều bứt phá

10-12-2024 09:52 | Thời sự
google news

Tự tin với bước bứt phá, nhảy vọt mà ngành Du lịch Lai Châu đạt được trong 2024, Lai Châu tiếp tục đặt ra mục tiêu cao hơn năm cũ, phấn đấu đón trên 1,4 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt trên 1.136 tỷ đồng.

Theo thống kê, năm 2024, ngành Du lịch Lai Châu đã có "bước nhảy vọt" đáng kể với việc đón và phục vụ 1.359.000 lượt khách (trong đó khách quốc tế ước đạt 30.500 lượt) tăng 30% so với cùng kỳ năm 2023 và vượt 20,5% mục tiêu đề ra; doanh thu ước đạt trên 1.084 tỷ đồng.

Sự tăng trưởng này không chỉ là động lực mới cho nền kinh tế địa phương mà còn góp phần khẳng định sức hấp dẫn của điểm đến mới, đầy tiềm năng mang tên "Lai Châu" trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Nhắc đến Lai Châu, người ta nhớ ngay đến vùng đất có tiềm năng, lợi thế ở nhiều lĩnh vực. Riêng về du lịch, Lai Châu đang trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách bởi khí hậu trong lành, sự thân thiện, mến khách của người dân bản địa và hơn hết nơi đây sở hữu những cảnh quan nguyên sơ tuyệt vời, các di tích lịch sử và những đỉnh núi "chỉ nghe tên là muốn khám phá".

Theo đó Lai Châu phát triển du lịch theo hướng bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn, khai thác tối đa nguồn lực và lợi thể hiện có để phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa; đồng thời, tập trung thu hút đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch đa dạng và hiện đại có đủ điều kiện để phục vụ du lịch quy mô lớn, trong đó tập trung phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao và vui chơi có thưởng, du lịch mạo hiểm – khám phá, du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng.

Cùng với việc đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế, chính sách và cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo động lực phát triển mạnh mẽ các lĩnh vực tỉnh có tiềm năng, lợi thế như: du lịch, thủy điện, nông nghiệp đặc hữu, khoáng sản… Trong đó, tập trung vào việc nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách mang tính đặc thù, sáng tạo, làm gia tăng lợi thế cạnh tranh của địa phương.

Về phát triển nguồn nhân lực thu hút và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, trọng tâm là hỗ trợ, đầu tư tăng tỷ lệ lao động chất lượng cao trong cơ cấu lao động; khơi dậy khát vọng cống hiến, vươn lên, phát huy giá trị văn hóa, con người Lai Châu để khơi dạy tiềm năm du lịch.

Du lịch Lai Châu - một năm nhìn lại với nhiều bứt phá- Ảnh 1.

Đặc biệt là phát triển du lịch Lai Châu trở thành lĩnh vực quan trọng trong cơ cấu ngành dịch vụ của tỉnh, phát triển mạnh du lịch treking leo núi, thể thao mạo hiểm, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa của các dân tộc; ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch mới như du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chăm sóc sức khỏe và vui chơi giải trí, vui chơi có thưởng… định hướng hình thành 05 khu, điểm du lịch cấp quốc gia và 27 khu du lịch cấp tỉnh.

Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; coi giá trị truyền thống văn hóa – lịch sử, giá trị văn hóa đặc sắc các dân tộc là nguồn lực quan trọng. Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, là hạt nhân, tế bào lành mạnh của xã hội, tổ ấm của mỗi người dân Lai Châu. Tăng cường hội nhập quốc tế về văn hóa. Đến năm 2030 toàn tỉnh có trên 86% hộ gia đình, 78% thôn, bản, khu phố, 98% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn văn hóa; 100% thôn, bản, khu phố xây dựng được hương ước, quy ước và được áp dụng vào cộng đồng; 45% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 65% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; trên 94% thôn bản có đội văn hóa văn nghệ.

Ưu tiên đầu tư cho thể thao thành tích cao, từng bước đưa thể dục thể thao thành một loại hình dịch vụ. Tập trung xây dựng, từng bước hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Tăng cường hội nhập quốc tế về văn hóa. Phấn đấu đến năm 2030, số người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đạt 28% – 33%; số gia đình thể thao đạt 18% – 20%; số câu lạc bộ, tụ điểm, nhóm tập luyện thể dục thể thao cơ sở đạt 700 câu lạc bộ; số cán bộ hướng dẫn viên, cộng tác viên được bồi dưỡng, đào tạo nghiệp vụ về thể dục thể thao đạt 100%.

Phát triển 05 khu du lịch định hướng trở thành khu du lịch cấp quốc gia có tính độc đáo, hấp dẫn, có tiềm năng thu hút khách đối với khu vực, cả nước và quốc tế; 27 khu du lịch định hướng trở thành khu du lịch cấp tỉnh nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tăng giá trị trài nghiệm của du khách, từng bước thu hút thị trường khách du lịch lớn chuyển dịch từ các thị trường du lịch lân cận sang Lai Châu. Trên cơ sở liên kết về tài nguyên du lịch nổi bật và hệ thống giao thông kết nối, hình thành 03 cụm du lịch gồm: Cụm du lịch cao nguyên Sìn Hồ (báu vật Tây Bắc), cụm du lịch Tam Đường – Phong Thổ và thành phố Lai Châu (khám phá vẻ đẹp Tây Bắc), cụm du lịch Mường Tè – Nậm Nhùn về nguồn sông Đà.

Trong đó duy trì các thiết chế văn hóa, thể thao cấp tỉnh hiện có. Thực hiện đầu tư, nâng cấp các thiết chế văn hóa, thể thao cấp huyện, cấp xã, cấp thôn bản; đầu tư các trung tâm văn hóa, thể thao, các cung văn hóa thiếu nhi cấp huyện. Ưu tiên đầu tư Khu liên hợp thể dục thể thao tỉnh Lai Châu; nâng cấp các sân vận động đã có ở các huyện và các thiết chế văn hóa, thể thao khác trong toàn tỉnh kết hợp xã hội hóa và gắn kết với phát triển du lịch Lai Châu. Đảm bảo đạt 3m2 đất chức năng thể dục thể thao/người dân; 100% các huyện, thành phố có nhà tập luyện thể dục thể thao.

Hướng đến năm 2030 toàn tỉnh có 47 di tích, trong đó có 01 di tích quốc gia đặc biệt, 05 di tích cấp quốc gia, 41 di tích cấp tỉnh. Xây dựng mới 05 thiết chế văn hóa, thể thao cấp tỉnh, 02 tượng đài và tranh hoành tráng và tăng cường và thực hiện hiệu quả các chương trình liên kết vùng; phối hợp phát triển du lịch giữa Lai Châu với các địa phương lân cận; tham gia và thực hiện có hiệu quả Chương trình hợp tác 08 tỉnh Tây Bắc mở rộng về phát triển du lịch. Thực hiện liên kết với các địa phương trong vùng để phát triển kinh tế – xã hội trên các tuyến hành lang kinh tế để phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ logistics và vận tải. Hợp tác, kết nối với các tỉnh trọng vùng trung du miền núi phía Bắc trong phát triển công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản; xây dựng vùng nguyên liệu chung, trồng và chế biến sản phẩm từ cây công nghiệp; chăn nuôi tập trung; trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ cho các dự án thủy điện.

Nhiều hoạt động kích cầu để phát triển du lịch Lai Châu

Có được sự bứt phá này là sự cộng hưởng của nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến là những tháng đầu năm nay, ngành Du lịch địa phương đã vận động các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh triển khai các biện pháp kích cầu, giảm giá từ 10%-30% dịch vụ kinh doanh và cam kết về chất lượng sản phẩm, dịch vụ với phương châm "Giá đổi nhưng chất lượng không đổi".

Kết nối với các địa phương trong chương trình liên kết phát triển du lịch các tỉnh Tây Bắc mở rộng – thành phố Hồ Chí Minh, Lai Châu – Hà Nội, Lai Châu – các tỉnh Nam Trung Bộ tổ chức các chương trình Famtrip xây dựng kết nối các sản phẩm du lịch giữa các địa phương để khai thác tối đa thị trường khách đến và đi giữa các địa phương.

Du lịch Lai Châu - một năm nhìn lại với nhiều bứt phá- Ảnh 2.

Đặc biệt, trong năm 2024 ngành Du lịch Lai Châu đẩy mạnh khai thác, truyền thông giới thiệu sản phẩm du lịch đặc trưng, thế mạnh của tỉnh như: du lịch trekking, hiking các đỉnh núi (Pusilung, Putaleng, Bạch Mộc Lương Tử, Tả Liên Sơn…) với điểm nhấn lớn nhất vào mùa hoa đỗ quyên, du lịch sinh thái gắn với thể thao mạo hiểm tại khu du lịch Cầu kính Rồng Mây, khu du lịch Cổng trời Ô Quy Hồ; du lịch cộng đồng tại bản du lịch cộng đồng ASEAN (Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ), Sì Thâu Chải, Lao Chải 1, bản Thẳm (huyện Tam Đường)...; công bố và đưa vào khai thác thêm 3 sản phẩm du lịch sinh thái gắn với trải nghiệm giá trị văn hoá truyền thống tại Vịnh Pá Khôm, bản Thẩm Phé, bản Nam và bản Củng (huyện Than Uyên). Từ đó, nâng số điểm du lịch được công nhận trên địa bàn tỉnh lên 19 điểm.

Thêm một cú huých tạo nên dấu ấn rõ nét để du lịch Lai Châu có thêm sức hút nữa là việc sử dụng ứng dụng chuyển đổi số trong tiếp cận thị trường khách. Đó là thường xuyên cập nhật, đăng tải thông tin về sản phẩm, dịch vụ, các chương trình sự kiện do Lai Châu tổ chức trên cổng du lịch thông minh (dulich.laichau.gov.vn); trên các website: dulichlaichau.vn; dulichtaybac.vn; svhttdl.laichau.gov.vn; trên hệ thống các trang mạng xã hội (facebook, youtube, zalo, tiktok, amazingthings in Vietnam, fanpage…); trên kênh truyền hình VTC10, VTC, VTV1, VTV3... và các tạp chí, báo điện tử online... có lượng độc giả theo dõi lớn.

Số hoá 3D/360 một số điểm du lịch để du khách có thêm nhiều trải nghiệm chân thực khi tìm kiếm thông tin về điểm đến Lai Châu trên các nền tảng website. Tạo mã QR-code để du khách dễ dàng tiếp cận thông tin về Lai Châu tại các chương trình, sự kiện. Tất cả những giải pháp đó giúp du khách có thể tìm kiếm, cập nhật thông tin về các điểm du lịch tại Lai Châu một cách nhanh chóng, chính xác và thuận lợi nhất.

Phân tích rõ hơn về ứng dụng công nghệ số trong phát triển du lịch, bà Đặng Thị Loan - Trưởng Phòng Quản lý Du lịch (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) cho rằng: "Hiện nay, du khách hiện đại có xu hướng tìm kiếm sự tiện lợi bằng cách trải nghiệm tương tác, booking dịch vụ du lịch bằng công nghệ số để tiết kiệm thời gian. Nắm bắt được xu hướng đó, du lịch Lai Châu đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác truyền thông, quảng bá, giới thiệu điểm đến Lai Châu thông qua cổng du lịch thông minh, các trang thông tin điện tử... Bằng các ứng dụng thông minh du khách có thể lên kế hoạch cho toàn bộ chuyến đi của mình như: tự thiết kế tour, đặt lưu trú, vé tham quan, đặt dịch vụ, đến tìm kiếm thông tin về địa điểm tham quan, thanh toán trực tuyến… cho chuyến đi mà không cần tương tác trực tiếp với bất kỳ người nào".

Ngoài ra, Lai Châu còn tổ chức các chương trình sự kiện để thu hút sự quan tâm, chú ý của du khách và các hãng lữ hành như: Lễ kỷ niệm 115 năm Ngày Thành lập tỉnh, 75 năm Ngày Thành lập Đảng bộ tỉnh, 20 năm chia tách, thành lập tỉnh Lai Châu; Tuần Văn hóa - Du lịch năm 2024 tại thành phố Đà Nẵng; Tết Độc lập và Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc huyện Than Uyên; Giải leo núi chinh phục đỉnh Răng Cưa; Lễ hội Putaleng huyện Tam Đường lần thứ I…

Du lịch Lai Châu - một năm nhìn lại với nhiều bứt phá- Ảnh 3.

Lai Châu giới thiệu văn hoá đặc sắc của các dân tộc thiểu số tại sự kiện Tuần Văn hoá – Du lịch Lai Châu tại thành phố Đà Nẵng.

Tự tin với bước bứt phá, nhảy vọt mà ngành Du lịch Lai Châu đạt được trong năm qua, năm 2025 Lai Châu tiếp tục đặt ra mục tiêu cao hơn năm cũ đó là phấn đấu đón trên 1,4 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt trên 1.136 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu đó, ngoài duy trì giải pháp và phát huy những giá trị đã đạt được, ngành Du lịch sẽ tiếp tục tập trung vào công tác truyền thông, quảng bá điểm đến Lai Châu dưới nhiều nội dung và hình thức mới. Chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch thực sự đặc sắc, hấp dẫn trên cơ sở tiềm năng thế mạnh địa phương, để từ đó thu hút nhiều khách du lịch quốc tế đến với Lai Châu không chỉ trong năm 2025 mà còn trong cả giai đoạn tới.

PV


Ý kiến của bạn