Gần đây, phong trào du lịch khám phá vùng rừng núi rất được ưa chuộng từ bắc chí nam. Sự ưa thích này khiến cho người đi khám phá dễ bị mắc bệnh sốt mò.
Biểu hiện trên da của bệnh sốt mò.
Trong tự nhiên có loài mò (Leptotrombidium) và ấu trùng của mò (Trombiculidae) bị nhiễm mầm bệnh Orientia tsutsugamushi khi nó hút máu vật chủ có mang mầm bệnh. Ấu trùng mò sẽ phát triển thành mò trưởng thành và đẻ trứng. Trứng lại nở thành ấu trùng đã mang sẵn mầm bệnh (mò có thể truyền mầm bệnh qua trứng đến đời thứ 3). Những ấu trùng mò này sẽ hút máu của người hoặc các vật khác trong tự nhiên (chuột, thỏ, chim, gia súc…) để lây truyền mầm bệnh Orientia tsutsugamushi. Mầm bệnh Orientia tsutsugamushi được phân lập đầu tiên ở Nhật Bản năm 1891 nên còn gọi là bệnh sốt triền sông Nhật Bản. Mò thường sống ở các bụi cây, bụi cỏ ẩm với phía trên là các vòm cây cao nên còn được gọi là sốt bụi rậm hoặc mò sống ở những hang đá có các loài gậm nhấm. Mò vừa là vật chủ vừa là trung gian truyền mầm bệnh Orientia tsutsugamushi. Sau khi nhiễm mầm bệnh từ 8 - 12 ngày (trung bình) sẽ xuất hiện triệu chứng nhiễm trùng nhiễm độc với sốt nhẹ một hai ngày rồi sốt cao liên tục đến 39 - 400C. Sốt cao liên tục dai dẳng 2 - 3 tuần với mạch nhịp phân lý khiến chẩn đoán nhầm là bệnh thương hàn. Có thể có tình trạng nhiễm độc thần kinh với đau đầu dữ dội. Bên cạnh đó là tình trạng mệt mỏi, chóng mặt, hoa mắt, ù tai, đau cơ… giống bệnh nhiễm xoắn khuẩn. Mầm bệnh Orientia tsutsugamushi lại nhạy với kháng sinh Chlorocid và Tetracyclin liều cao.
Bên cạnh việc dùng kháng sinh cần phải chữa triệu chứng: giảm sốt, bù nước và điện giải, nâng đỡ tổng trạng, điều trị biến chứng nếu có… Việc điều trị phải được thực hiện ở cơ sở y tế.
BS.CKII. ĐẶNG MINH TRÍ